(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi vô địch Wimbledon 2021, Novak Djokovic đứng trước cơ hội lập kỳ tích Calendar Slam. Nhưng kể từ đó, mọi thứ đã diễn ra hoàn toàn không đúng với kế hoạch của anh.
Trong sự nghiệp của mình, Djokovic đã ba lần tiến sát Calendar Slam (2011, 2015, 2021), kỳ tích mà trong lịch sử chỉ có hai huyền thoại đạt được là Don Budge, Rod Laver. Và ngay sau đó, anh lại trải qua một mùa giải tồi tệ, từ việc bị trục xuất một cách phũ phàng khỏi nước Úc cho đến liên tiếp mất điểm số trên bảng xếp hạng ATP. Và so với năm ngoái, Nole có ít cơ hội chuộc lỗi hơn bởi những rào cản từ quy định, và sự cố chấp từ chính bản thân anh.
Australian Open và Roland Garros
Djokovic khởi đầu năm mà không có HLV Marian Vadja, người đã gắn bó với anh ở gần như mọi giải đấu lớn, trừ năm 2017. Sau 16 năm gắn bó, rõ ràng sự chia tay này để lại tác động không nhỏ, dù với một VĐV rất cứng rắn đi chăng nữa. Sau đó, Djokovic bị trục xuất khỏi Úc vì nhất quyết không chịu tiêm vaccine Covid-19 để dự Australian Open. Không ngạc nhiên, anh trở thành một cây cột thu lôi trong những cuộc tranh luận về vaccine.
Và rồi khi mùa giải sân cứng tiếp diễn, Djokovic bị cấm nhập cảnh vào Mỹ dự hai giải BNP Paribas Open và Miami Open vì lý do tương tự. Rốt cục, khi được dự giải Masters 1000 đầu tiên, thì cảm giác mệt mỏi về tinh thần đã quật ngã Nole, khiến anh bại trận trước đối thủ hạng 46 thế giới Alejandro Davidovich Fokina ở vòng 1 Monte Carlo Masters. Đó là trận thua sớm nhất của Djokovic kể từ năm 2016, và là trận thua trắng thứ hai trong sự nghiệp trước một đối thủ ngoài Top 40.
Cho dù đã phần nào tìm lại phong độ trên mặt sân đất nện qua các giải đấu ở Belgrade (á quân), Madrid Masters (bán kết, thua Carlos Alcaraz sau 3 set) và Roma (vô địch), Djokovic thừa nhận rằng, mình vẫn đang thiếu sự cân bằng và vẫn đang tìm kiếm lại trạng thái tinh thần và thể chất. Việc Nole tỏ ra lo lắng và đánh phòng ngự nhiều hơn là một minh chứng. Và đó là hệ quả từ những xáo trộn mà anh phải đối mặt trong gần một năm qua.
Tình trạng ấy chưa giảm bớt ở Roland Garros, giải đấu mà Djokovic đã chơi tập trung và kiên cường ở những vòng đầu, nhưng rồi dấu hiệu về sự tự tin đã lung lay trong thất bại 1-3 trước Nadal ở tứ kết. “Nadal chơi không phải quá hay, nhưng ngôn ngữ cơ thể của cả hai có tiếng nói quyết định, từ điểm đầu tiên đến điểm cuối cùng”, Goran Ivanisevic, HLV của Djokovic, nhận xét.
Wimbledon và phần còn lại của mùa giải
Như để xát muối vào những nỗi buồn của Djokovic, Wimbledon 2022 còn không được tính điểm do BTC giải đấu này cấm các tay vợt Nga, Belarus tham dự. Không những thế, US Open, giải đấu mà Djokovic đang là đương kim á quân, cũng tuyên bố rằng sẽ không có ngoại lệ nào cho những tay vợt không chịu tiêm vaccine. Điều đó đồng nghĩa với việc Djokovic sẽ mất đi kha khá điểm số, và tụt sâu trên bảng xếp hạng. Trong bối cảnh ấy, không ngạc nhiên khi những thương hiệu lớn như Peugeot và UKG đều đã quyết định không gia hạn hợp đồng với Djokovic.
Có thể nhiều người nghĩ rằng Djokovic đang trải qua điểm thấp nhất trong sự nghiệp hoành tráng với 20 Grand Slam của anh, nhưng công bằng mà nói, những gì anh phải trải qua có ít nhiều bất công. Nhưng thực tế, Nole từng trải qua những thời khắc khó khăn hơn thế này nhiều.
Hai ngọn lửa giúp Djokovic vẫn còn cháy sáng đến bây giờ là những trải nghiệm khi còn nhỏ ở đất nước bị chiến tranh tàn phá như Serbia, và gia đình anh. Hai ngọn lửa ấy đan xen trong cuộc đời và sự nghiệp Nole, và là động lực để anh chiến thắng. Nole vẫn tập quần vợt trong khoảng thời gian 78 ngày Belgrade bị NATO ném bom năm 1999. Anh đã quen với sự khắc nghiệt, hoàn thành những nhiệm vụ tưởng như bất khả thi, và xu hướng ấy theo anh đến lúc trưởng thành.
Năm 2016, Djokovic trở thành tay vợt thứ 8 trong lịch sử hoàn tất Grand Slam sự nghiệp, sau khi đăng quang ở Roland Garros. Khi đối mặt với chấn thương dai dẳng ở khuỷu tay, và thứ hạng có lúc đã tụt từ số 1 xuống hạng… 22 (thấp nhất kể từ khi anh19 tuổi), Nole thừa nhận sự kiệt quệ về mặt cảm xúc sau chiến tích năm đó. Nhưng sau khởi đầu đầy giông bão của năm 2018, Djokovic vô địch liên tiếp ở Wimbledon rồi US Open, và trở thành tay vợt đầu tiên sưu tập đủ 9 danh hiệu Masters 1000. Và sau chuỗi 22 trận thắng liên tiếp, anh trở lại vị trí số một thế giới.
2020 là một năm hạn hẹp với tất cả vì đại dịch Covid-19, nhưng Djokovic vẫn để lại dấu ấn khi vô địch Australian Open. Song điều khiến tất cả nhớ về anh trong năm đó là khi anh đứng ra tổ chức Adria Tour – một giải đấu ít đề phòng trong giai đoạn đỉnh dịch và US Open, khi anh gạt bóng trúng cổ họng một trọng tài và bị loại khỏi giải. Năm sau đó, Djokovic đánh bại Medvedev ở chung kết Australian Open để lần thứ 9 đăng quang ở đây, và mở ra một năm gần như hoàn hảo. Thế rồi anh thua chính Medvedev ở trận chung kết US Open và tan mộng Calendar Slam. Trước đó không lâu, anh cũng thua sốc Alexander Zverev ở Olympic Tokyo.
Với những khó khăn, thất bại mà Djokovic đã trải qua trong cuộc đời, cũng như cách anh chiến thắng con quỷ trong mình, và những thế lực bên ngoài, đừng vội gạch tên anh ở các giải đấu lớn của năm 2023.
Gia đình là quan trọng nhất Rất nhiều người, trong đó có vị HLV đầu tiên Jelen Gencic, coi Djokovic là một thiên tài nhờ trí thông minh, khả năng phục hồi, độ chính xác và đam mê. Nhưng ít người biết, ưu tiên số một của anh không phải Calendar Slam, mà là những khoảng thời gian hạnh phúc cùng gia đình. “Họ là lý do lớn nhất để tôi tiếp tục thi đấu. Tôi luôn mong mỏi thấy con cái mình trên khán đài. Cuộc sống là vậy, chia sẻ những khoảnh khắc như thế này với người thân yêu là thành công lớn nhất, là kho báu thực sự. Sự ủng hộ của họ đã mang lại tình yêu, và niềm vui trong cuộc sống của tôi”, Nole đã trần tình như thế sau chức vô địch Paris Masters 2021. |
Phương Chi
Tags