(Thethaovanhoa.vn) - Tôi không thích Messi. Cứ phải nói ngay từ đầu là như vậy, cho dù chẳng cần tuyên bố này thì tất cả người thân, kẻ lạ đều vẫn biết điều đó, như là biết tôi nhận là người cực đoan số 2 trên đời thì sẽ chẳng có ai dám nhận là người số 1.
- Đoản khúc World Cup: Vũ điệu Flamengo và các hoàng tử Ba Tư
- Đoản khúc World Cup: Lewandowski và câu chuyện về muối
Tôi không thích Messi, y như là trước kia và mãi mãi không bao giờ thích nổi Maradona - cho dù, tôi thừa nhận, cả hai người họ đều là những “thiên tài kiệt xuất” của bóng đá thế giới. Những người mà muôn năm mới có một. Và tôi, trong quãng thời gian của đời mình, lại có may mắn đều được xem họ đá bóng, đúng hơn là họ trình diễn một nghệ thuật ảo diệu, tuyệt kỹ nhất của bóng đá. Với họ, bóng đá đã trở thành Nghệ thuật thứ 8 của nhân loại, và chỉ với họ thì bóng đá mới có thể trở thành Nghệ thuật thứ 8! May mắn nữa là (nếu không có câu này, thì không phải là Thu Không) tôi đều đã được chứng kiến, họ bại trận bởi những chàng trai yêu dấu của tôi, không chỉ một lần.
Tôi biết, fan của Messi rất đông, có mặt ở mọi nơi từ Băng đảo đến Xích đạo… Nhưng tôi thật tò mò muốn biết, hình ảnh của Messi trong họ, có giống như tôi? Tôi luôn thấy một Messi buồn bã, ngơ ngác… như của một chú bé vừa bị mắng khi mắc lỗi. Dáng vẻ đó thường trực ở Messi, khi anh đứng trước trái bóng chuẩn bị sút penalty, khi sút hỏng… Nó cũng chính là dáng vẻ khi Messi ăn mừng bàn thắng, khi anh cùng đồng đội nâng cúp vô địch một giải đấu danh giá như Liga, Champions League… thậm chí lúc nhận Quả bóng Vàng. Dáng vẻ hoàn toàn biệt lập và “không liên quan” với một người sở hữu hàng trăm danh hiệu lớn nhất của bóng đá và được tôn vinh là một trong những cầu thủ hay nhất mọi thời đại…
Có một người thường được công chúng, đặc biệt là giới truyền thông đem ra làm đối trọng với Messi, đó là Ronaldo. Hai kiệt xuất của bóng đá này bị đẩy vào hai phía của một cuộc cạnh tranh tàn khốc bởi những so sánh, kích bác…
Hôm trước, tôi có đọc thấy tựa đề một bài báo“Ronaldo: Vô địch World Cup thì mới 'được quyền' nhận vĩ đại nhất lịch sử” thú thật là tôi không đọc nội dung. Nhưng tôi tin rằng không chỉ riêng tôi mà sẽ rất nhiều người thấy mệnh đề này sai toét. Vì kể cả khi một mình gánh team giành được chức vô địch World Cup, Ronaldo cũng không thể vĩ đại nhất lịch sử. Vị trí đó, nó đã sớm thuộc về một người, bất chấp người đó chưa sở hữu hoặc không bao giờ sở hữu danh hiệu vô địch thế giới: Leo Messi.
Bởi Rolado là hình ảnh của một anh hùng đầy sức mạnh, đầy khát khao chinh phục bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân từng bước chiếm lĩnh những đỉnh cao để trở thành vị thần trên đỉnh núi Olimpia bóng đá. Còn bản thân Messi chính là Zeus với sứ mệnh giáng trần để đem cái đẹp trao tặng cho cuộc đời… Một người là để được tôn vinh, còn một người là để tôn vinh cái đẹp.
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của vẻ tồi tội cố hữu ở Messi là do chưa giành được danh hiệu vô địch thế giới, nhưng tôi thì dám cược rằng, ngay cả khi bước lên bục cao nhận phần thưởng danh giá này, Messi vẫn có dáng vẻ đó. Bởi danh hiệu, không phải là cái đích của chàng trai này. Bóng đá với Messi là cuộc sống, là hơi thở là tình yêu và cũng là sứ mệnh của anh. Messi không chơi bóng mà sống cuộc đời cùng trái bóng, bất kể nơi đâu dẫu trên vỉa hè một phố nhỏ ở Rosario, Santa Fe hay tại sân cỏ thẳm xanh nơi diễn ra trận đấu chung kết World Cup.
Cho đoạn kết của Đoản khúc hôm nay, tôi muốn quay lại câu chuyện tranh cãi, khen chê tốn khá nhiều giấy mực và dung lượng data của truyền thông sau cú Messi đá hỏng penalty tại trận đấu với Iceland. Nào là sao hay đá hỏng, Messi vẫn giành đá penalty, rằng Messi ích kỷ, rằng Messi dũng cảm… Còn tôi-một người không thích Messi, với lăng kính của một nhà thơ, yêu bóng đá, yêu cái đẹp trong bóng đá và nhìn nó qua lăng chiếu cuộc đời, đó là bổn phận của Messi. Bổn phận cao cả trong hành trình đem Nghệ thuật thứ 8 cho tất cả chúng ta. Vậy thì hãy đón nhận nó đi, đừng đòi hỏi nhiều quá!
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu
Tags