(Thethaovanhoa.vn) - Huy Tuấn là nhạc sĩ từng nhận được 3 đề cử giải Âm nhạc cống hiến của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN). Trong cuộc trò chuyện lần này, anh chia sẻ về ca khúc chủ đề của World Cup 2018, về nhạc tính trong bóng đá...
- Nhạc sĩ Huy Tuấn: 'Tôi không đi tìm chiến thắng cho riêng mình'
- Nhạc sĩ Huy Tuấn: Không có diva, nhưng có divo Tùng Dương
Huy Tuấn là người có nhiều công lao với sự thành công của Mỹ Linh, Văn Mai Hương, Vũ Cát Tường, Hòa Minzy... Đặc biệt với album 24 giờ 7 ngày (2004), Huy Tuấn đã đặt viên gạch để đưa Hồ Ngọc Hà từ một người mẫu thành ca sĩ ngôi sao như ngày nay.
* Nhiều bình luận nói rằng bóng đá rất có nhạc tính, với con mắt âm nhạc, anh có nghĩ như vậy không?
- Chắc chắn "nghệ sĩ tính" là điểm chung mà chúng ta dễ dàng nhận ra giữa những người chơi bóng đá và âm nhạc. Sân bóng cũng là sân khấu, nơi mà sự thăng hoa luôn đóng vai trò quan trọng nhất trong mỗi phần trình diễn. Nếu không có những giây phút thăng hoa ấy thì trận bóng sẽ biến thành sân tập thể dục, nơi mà 22 chàng trai trẻ khỏe hùng hục chạy quanh một trái bóng trong bế tắc. Trên sân khấu ấy, huấn luyện viên là nhạc trưởng, tiền đạo thường là ngôi sao được biết đến nhiều hơn, còn các hậu vệ, tiền vệ là những nhạc công âm thầm giữ tiết tấu chung, thủ môn là người đánh trống định âm. Nhạc tính vì vậy mà luôn hiện diện trong bóng đá.
* Vậy anh nghĩ sao khi mùa bóng này không có được ca khúc đình đám như các mùa World Cup trước đây?
- Ca khúc chủ đề thường chỉ là một chút gia vị bên lề mà thôi, chứ khi bóng đã lăn, mọi sức hút sẽ nằm trong trái bóng. Chính các trận cầu kịch tính, cùng các ngôi sao sân cỏ mới quyết định sức hút và sự lan tỏa của World Cup.
Bài hát chính thức năm nay tôi mới nghe đúng một lần, nó khá nhạt nhẽo, giai điệu không hấp dẫn. Cách nó được sản xuất và hòa âm cũng khá nhàm, nên có thể nói là một sự lúng túng trong khâu tuyển chọn.
Nó chẳng có màu sắc gì của nước chủ nhà, mà kể cả nếu không cần yếu tố này, thì nó cũng phải hấp dẫn về mặt tiết tấu, vì thường những bài hát bóng đá người ta nghiêng nhiều về không khí hội hè. Có lẽ vì vậy mà người ta thường chọn các nhịp điệu của âm nhạc Latin hoặc châu Phi cho việc này. Lần đầu tiên một ca khúc của World Cup mà FIFA phải chạy biển quảng cáo trong các trận đấu để kêu gọi người nghe, mà hình như vẫn có rất ít người nghe.
* Xem những đất nước có dân số ít như Thụy Sĩ, Serbia, Croatia, Đan Mạch, Panama, Costa Rica, Iceland… đối đầu với những quốc gia đồ sộ ở World Cup 2018, cảm xúc của anh thế nào?
- Tôi nghĩ bất kỳ ai theo dõi World Cup cũng đều muốn có những bất ngờ, có những kịch bản không thể đoán trước và chờ đợi, đó chính là vẻ đẹp nhất của bóng đá. Các đội bóng đến từ các quốc gia nhỏ thường mang lại những trận cầu kịch tính, thường là những “kẻ phá bĩnh” của “các ông lớn”.
Tuy nhiên, những trận cầu như thế thường diễn ra ở vòng bảng, khi mà các đội còn bỡ ngỡ, bất ngờ về nhau. Những đội bóng này thường khó đi sâu.
* Thế giới có hơn 250 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 6 nước sau đây đã chiếm hơn một nửa thế giới về dân số: Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Pakistan. Vậy mà chỉ có Brazil vào chung kết World Cup 2018. Nó cho anh suy nghĩ gì?
- Chắc chắn bóng đá là môn thể thao phổ biến và được nhiều người chơi nhất hành tinh, nhưng để có một nền bóng đá phát triển thì không phải cứ nhiều người chơi là xong. Nó cần phải được tổ chức bằng một tư duy khoa học về đào tạo, tuyển lựa, hoặc phải có một nền tảng được phát triển từ truyền thống bền vững.
Ngoại trừ Brazil, thì ở các nước còn lại, bóng đá không phải lúc nào cũng là môn thể thao số 1, càng không phải là môn thể thao truyền thống của họ.
* Rồi những đội bóng bị xem là “bên lề” của bóng đá đỉnh cao, do họ không đến từ châu Âu, Nam Mỹ, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia… chẳng hạn. Nhiều nhà bình luận thường nói Nhật Bản, Hàn Quốc… thấp bé nhẹ cân. Theo quan sát của anh, họ ra sân có với tâm trạng này không?
- Có thể về tâm trạng, ý chí thì không, nhưng về luật chơi, thời gian và số người thi đấu thì hoàn toàn bình đẳng. Nhưng theo nghĩa đen - nơi thể lực và cơ địa đóng vai trò rất quan trọng trong bóng đá - thì họ có vẻ “thấp bé nhẹ cân” thật. Các nước châu Á có thể hình thấp bé hơn người Âu Mỹ, đây thực sự là một rào cản không dễ gì thu hẹp được trong một vài mùa bóng, một vài thế hệ. Hãy nhìn những đội bóng đến từ châu Phi, đôi khi họ đá không kỹ thuật bằng châu Á, nhưng với nền tảng thể lực sung mãn, họ cũng khiến các "ông lớn" bở hơi tai.
* Theo anh dự đoán thì mùa này 4 đội nào sẽ vào bán kết?
- Từ vòng bảng tôi đã dự đoán Croatia, Bỉ, Pháp, Brazil sẽ vào đến bán kết, rất muốn thấy một nhà vô địch mới trong số này. Tuy nhiên, có thể khi bài báo này đến tay bạn đọc, dự đoán này lại hoàn toàn sai, có như vậy thì bóng đá mới là bóng đá.
* Trân trọng cảm ơn anh!
Như Hà (thực hiện)
Tags