(Thethaovanhoa.vn) - “Thích xem bóng đá một mình và tận hưởng niềm vui chiến thắng như một diễn viên kịch câm đã luyện thành môn “khinh công” tuyệt hảo: bay lượn trong phòng, trên giường mà vợ nằm bên cạnh không biết gì...” - Đó là những chia sẻ của NSƯT Chí Trung.
- NSƯT Chí Trung: 'Thời đại nào cũng sợ sự giả dối'
- NSƯT Chí Trung: Đạo diễn không thể túm tóc mình nâng lên…
- NSƯT Chí Trung: Xem bóng đá ở Việt Nam khổ nhưng vẫn... 'nghiện'
Với "Táo giao thông", mỗi mùa World Cup là sự đan xen của nỗi khổ, niềm vui và những xáo trộn trong cuộc sống thường nhật.
* Các trận thi đấu trong vòng chung kết World cup thường diễn ra vào những khung giờ khuya, giờ mà đáng ra là chúng ta phải ngủ. Anh cân đối thời gian như thế nào cho những trận bóng?
- Trước khi nói về việc sắp xếp thời gian giống như hàng triệu tín đồ túc cầu giáo Việt Nam, tôi có thể khẳng định Việt Nam là một trong số những nước yêu bóng đá nhất thế giới nhưng cũng khổ nhất thế giới vì bóng đá! Ở bất cứ giải nào, từ giải châu lục, cấp đội tuyển hay các giải đấu yêu thích của fan Việt Nam thì đều rơi vào giờ khốn khổ. Chúng ta đã khổ vì vật chất, khổ về kinh tế... nhưng khổ nhất lại chính là múi giờ xem bóng đá.
Ở giải C1 chẳng hạn, giải thường diễn ra vào lúc 2h kém 15, thậm chí có những trận mùa đông 3 – 4h sáng mới đá. Hàng chục triệu người yêu bóng đá Việt Nam cứ lơ lửng ở thành giường, góc bàn, nhiều người đứng xem, tựa lưng vào tường để không ngủ gật. 6 - 7 giờ sáng lại phải dậy đi làm nữa thì quá khổ.
Chính từ nỗi khổ ấy, chúng tôi rèn luyện một tinh thần là... World Cup này chả khổ gì cả. Khổ làm sao được khi 20h30 khai mạc, 22h đá. Giờ đẹp quá. Như tôi chẳng hạn, đi diễn về mặc nguyên đồ cắm đầu cắm cổ xem, xong hiệp 1 mới cởi đồ vẫn thấy sung sướng chán. Với những trận 2 - 3 giờ sáng, nói thật chúng tôi cũng chẳng sợ, sắp xếp được hết.
* Nhiều bà vợ không có cùng đam mê bóng đá với chồng tỏ ra khá bực bội khi mà chồng ăn bóng đá, ngủ bóng đá, và bỏ bê luôn chuyện gia đình, vợ chồng, con cái. Anh có từng rơi vào hoàn cảnh ấy?
- Thế lúc các bà shopping điên cuồng bay lượn trong đó 4 - 5 tiếng để chúng tôi ngồi chờ đợi thì sao (cười).
Bóng đá là môn thể thao mà phần lớn đàn ông đều ham thích
Shopping là "môn thể thao" mà phần lớn phụ nữ đều ưa chuộng.
Chúng ta có những cuộc đổi công. 4 năm chúng tôi mới có 1 lần trong khi shopping các chị em bay lượn tuần nào cũng một đôi lần. Nhất là đi nước ngoài, đi du lịch... chúng tôi đã yêu thương và chấp nhận các bạn rất nhiều rồi thì cái này các bạn phải thông cảm cho chúng tôi.
Tuy nhiên, khi nói đến những xáo trộn, những mâu thuẫn trong các gia đình, điều đó có thật, và nó nằm ở những việc khác. Ví như một ông chồng lấy lí do bóng bánh để đi nhậu với bạn bè, để giải quyết trận đêm qua vừa đá do cá độ hay thách nhau rồi lại chuẩn bị nhậu để vào trận tiếp theo, chính cái đó khiến các bà vợ khó chịu. Còn phần lớn những người phụ nữ đều thông cảm.
Vợ tôi, Ngọc Huyền, cũng yêu bóng đá, nhưng chỉ các múi giờ đẹp thôi, còn khuya qua thì sợ thức đêm da mặt xấu nên đi ngủ. Thêm nữa là cũng không nên để các nàng cạnh mình. Cái ngủ gật là bệnh lây lan, nhìn bên cạnh ngáy khò khò là dễ khò khò theo. Tôi không thích tụ tập xem bóng cũng một phần vì lý do đó. Có nhiều lần anh em nhà hát tụ tập xem giải C1, ăn nhậu bét nhè, đến khi vào đá thì xung quanh thi nhau ngáy. Lúc ấy mình chũng chỉ muốn “gáy” theo chứ còn bóng bánh nỗi gì!
* Nói như vậy, anh thích tận hưởng bóng đá trong không gian của mình thay vì tụ tập bạn bè?
- Ngày xưa, khi mà cả gia đình cùng nhau xem một chiếc tivi, trong một một căn buồng ngủ thì lúc xem bóng quả thực rất khổ, thậm chí phải xem nhờ hàng xóm. Con nhỏ, vợ ngủ, và tôi thường xuyên phải xem bóng đá trong yên lặng. Vợ tôi nhiều lần nhìn thấy tôi trong trạng thái của một người điên múa may quay cuồng không tiếng động. Tôi đã có một kỹ năng “khinh công” tuyệt hảo khi mà bay lượn trong phòng trên giường mà vợ nằm bên cạnh không biết gì.
Khi có bàn thắng, cảm xúc bên trong bốc lên, trái tim sung sướng nhảy múa - đó mới là điều tuyệt vời nhất. Mà đấy chỉ là một trong số những kỳ quái của người yêu bóng đá như tôi. Đôi khi đội bóng của mình đang bị dẫn, thậm chí tôi còn đi thắp hương hay trồng cây chuối, thậm chí đi tiểu ... giải đen. Mấy thứ ngớ ngẩn ấy đôi khi thấy hiệu quả ra trò. Tôi là một fan của MU và rất nhiều lần khi đội nhà đang bị dẫn, tôi "giải đen" bằng những cách ấy và thấy hiệu quả bất ngờ. (Cười)
* Bắt đầu từ năm 1930, đến 2018 này World Cup đã trải qua 21 mùa giải, anh ấn tượng với mùa giải nào nhất?
-Tôi nhớ nhất là Mexico '86, Italia '90 bởi những bài hát vô cùng ấn tượng. Nhưng tôi nhớ nhất, “lên đồng” nhiều nhất khi World Cup chuyển về Đông Á năm 2002, khi Nhật Bản và Hàn Quốc đăng cai. Đây là lần đầu tiên, giải vô địch bóng đá thế giới được tổ chức tại châu Á. Và cũng là lần đầu tiên được tổ chức đồng thời ở hai quốc gia. Đặc biệt khi hai đội chủ nhà Nhật Bản và Hàn Quốc vào cực sâu, tất cả những người Châu Á chúng ta thấy tự hào sung sướng, cảm giác như đất nước mình đã lọt vào đến đấy.
Năm nay, World Cup được tổ chức ở Nga. Tôi cũng tin đây sẽ là một kỳ Word Cup ấn tượng. Đất nước Nga vẫn nằm trong tim của người Việt Nam. Hy vọng nước Nga sẽ thành công, tối thiểu là bước vào tứ kết.
* Vậy ở World Cup 2018 này, đội tuyển và cầu thủ mà anh yêu nhất là...?
- Đây là lúc "ngoại tình" nhiều nhất đấy. Tôi là fan MU và cầu thủ MU của chúng tôi tản về các đội tuyển. Giờ bối rối và tan tác niềm tin ghê lắm. Không tính nổi mình sẽ yêu ai. Cách đây 5 - 10 năm thì Đội tuyển Anh là nhất. Ngoại hạng Anh là giải đấu yêu thích. Nhưng đội Anh trồi sụt thất thường, giống như đội tuyển Việt Nam vậy! Năm nay đội tuyển Anh chỉ có 3 cầu thủ của MU là Ashley Young, Jesse Lingard, và Marcus Rashford.
Bởi thế, tôi yêu nhất đội tuyển Bỉ vì có Lukaku của tôi. Pháp cũngg là đội tuyển tôi thích, từ dư âm của trận chung kết trước Brazil năm 1998. Rồi Bồ Đào Nha, đội tuyển Ronando của tôi ở đó.
Tôi không dành nhiều tình yêu cho các đội tuyển Nam Mỹ dù họ rất giỏi. Argentina chẳng hạn, đó là đội bóng của Messi, cầu thủ mà nhiều người thích, nhưng lại là đối địch của Ronando. Và Nga, đương nhiên rồi, tôi sẽ cổ vũ cho đội Chủ nhà!
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Yên Khương (thực hiện)
Tags