World Cup 2022: Bê bối tiếp nối bê bối

Thứ Năm, 09/04/2020 20:23 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - World Cup 2022 rất khó bị tước khỏi tay Qatar mặc dù bản cáo trạng hình sự mới nhất của Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc 3 quan chức cấp cao của FIFA nhận hối lộ để bỏ phiếu ủng hộ quốc gia vùng Vịnh tổ chức giải đấu.

Bóng đá và Covid-19 ngày 9/4: Premier League góp 4 triệu bảng chống dịch. Mane chấp nhận mất chức vô địch

Bóng đá và Covid-19 ngày 9/4: Premier League góp 4 triệu bảng chống dịch. Mane chấp nhận mất chức vô địch

Premier League đóng góp 4 triệu bảng chống dịch. Mane chấp nhận mất chức vô địch. Tin tức bóng đá.

Bê bối mới nhất được phanh phui đã tiếp tục phủ một bóng đen lên FIFA và nước chủ nhà Qatar trong chiến dịch đua tranh đăng cai World Cup 2022.

Cáo buộc cho người đã chết

Bản cáo trạng này là mới nhất trong vụ truy tố các quan chức bóng đá kéo dài của Mỹ, cáo buộc họ tham nhũng, đã buộc tội Nicolas Leoz, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ (Conmebol) người Paraguay lúc đó, và cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil (CBF), ông Ricardo Teixeira đã nhận tiền để bỏ phiếu cho Qatar tại cuộc họp quyết định của Ủy ban điều hành FIFA (EXCO) vào tháng 12/2010. Người thứ 3 là một thành viên cao cấp của EXCO dưới thời cựu Chủ tịch Sepp Blatter. Tuy không được nêu tên nhưng người này được xác định là Julio Grondona, Chủ tịch của Liên đoàn bóng đá Argentina (AFA). Grondona cũng bị cáo buộc nhận tiền để bỏ phiếu cho Qatar, và tiếc thay, vì qua đời năm 2014 nên ông không bao giờ bị kết án.

Một điều đáng nói nữa là bản cáo trạng cũng gây chấn động khi cáo buộc chính quyền Nga, lần đầu tiên, đã hối lộ để đổi lấy phiếu bầu giành quyền đăng cai World Cup 2018 và cũng được quyết định tại cuộc họp EXCO tương tự. Tài liệu đã nêu rõ một số chi tiết rằng, Jack Warner, lúc đó là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bắc và Trung Mỹ và Caribbean (Concacaf), “đã được hứa hẹn và nhận các khoản thanh toán hối lộ tổng trị giá 5 triệu USD” để bỏ phiếu cho Nga.

Một thành viên khác của EXCO lúc đó, cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Guatemala là Rafael Salguero cũng bị cáo buộc nhận 1 triệu USD để bỏ phiếu cho Nga. Salguero đã nhận tội với nhiều cáo buộc tham nhũng ở Mỹ vào năm 2016, và sau đó thừa nhận rằng ông đã nhận được đề nghị hối lộ để bỏ phiếu cho một chủ nhà World Cup 2018. Tên của quốc gia này đã được tìm lại từ tài liệu của ông và ông nói rằng ông không bao giờ nhận được tiền. Còn Warner, đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng, đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào và trong nhiều năm đã tranh cãi lệnh dẫn độ từ hòn đảo Trinidad của ông.

Chú thích ảnh
Trong những năm qua, FIFA, tổ chức lớn nhất của bóng đá thế giới, đã liên tục rung chuyển vì các scandal liên quan đến World Cup 2018 và 2022

Dĩ nhiên, Alexei Sorokin, giám đốc điều hành World Cup 2018 của Nga, đã bác bỏ các cáo buộc, cũng như ủy ban tối cao có nhiệm vụ giám sát việc xây dựng sân vận động lớn và chuẩn bị để tổ chức giải đấu do bắt đầu vào tháng 11/2022 của Qatar. Dẫn đầu bởi Tiểu vương cầm quyền Emir, ông Sheikh Tamim bin Hamad al -Thani, Qatar vẫn quyết tâm đăng cai World Cup.

Trong một tuyên bố, ủy ban tối cao cho biết họ sẽ chống lại mọi cáo buộc rằng họ đã không giành được đủ số phiếu hợp pháp. “Mặc dù các cáo buộc xuất hiện nhiều năm qua nhưng bằng chứng đưa ra chưa bao giờ chứng minh được rằng Qatar giành được quyền đăng cai World Cup 2022 một cách phi đạo đức hoặc bằng các biện pháp trái với quy tắc đấu thầu của FIFA”, tuyên bố nêu rõ.

“Ủy ban tối cao khẳng định rằng họ tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy tắc và quy định cho quy trình bầu chọn World Cup 2018/2022 và mọi khiếu nại ngược lại là vô căn cứ và sẽ bị phản đối gay gắt”.

Nên nói thêm là dưới thời Gianni Infantino, chủ tịch đương nhiệm của FIFA sau khi Blatter bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá vào tháng 12/2015 vì vi phạm quy tắc đạo đức FIFA, cơ quan quản lý bóng đá thế giới này đã lên án tất cả các vụ tham nhũng đã được chứng minh trước đó và chính họ cũng yêu cầu các quan chức cũ bị cáo buộc phải bồi thường.

Có tiền là có tất

Theo nhiều quan chức cấp cao, việc FIFA dựa vào các cáo buộc để chống lại những nhân vật cũ và xem xét tất cả các hệ lụy là hoàn toàn nghiêm túc. Có điều, việc tước quyền đăng cai World Cup 2022 khỏi Qatar là rất khó khả thi. Bởi 2 trong số những người bị buộc tội nhận hối lộ, Leoz và Grondona, đã chết, vì vậy họ không thể bị kết tội. Trong khi đó, Teixeira, cựu con rể của Chủ tịch FIFA trước thời Blatter, Joao Havelange, đã không bị dẫn độ để đối mặt với bất kỳ cáo buộc tham nhũng nào được Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra, vì vậy khó có thể diễn ra bất kỳ phiên tòa nào.

Chú thích ảnh
Cựu chủ tịch FIFA, Sepp Blatter, đã thân bại danh liệt vì các bê bối liên quan đến hối lộ để giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022

Rốt cuộc thì bản cáo trạng chỉ như là một bằng chứng cho thấy những chi tiết liên quan đến các cáo buộc hối lộ nhằm vào Qatar, với cáo buộc lần đầu tiên được đưa ra tại một tòa án Brooklyn vào cuối năm 2017 trong phiên tòa xét xử tham nhũng của ba cựu quan chức bóng đá Nam Mỹ khác. Alejandro Burzaco, một giám đốc truyền hình và đã nhận tội nhận hối lộ, đã làm chứng rằng Grondona từng nói với ông rằng Teixeira nợ ông ta 1 triệu USD vì đã bỏ phiếu cho Qatar. Cũng theo Burzaco, Grondona cho biết, đó không phải là chuyện riêng tư mà ông, Teixeira và Leoz, người cũng bị chính quyền Mỹ buộc tội tham nhũng, đã bỏ phiếu cho Qatar.

Hai năm rưỡi sau đó, bản cáo trạng cũng không có cáo buộc gì khác hơn ngoài “bị cáo Ricardo Teixeira, Nicolas Leoz và [Grondona, được mô tả là đồng phạm số 1], đã được đề nghị và nhận các khoản thanh toán hối lộ để đổi lấy phiếu bầu của họ ủng hộ Qatar tổ chức World Cup 2022”.

Ngay cả khi vụ án này được đưa ra xét xử, sau một sự chậm trễ không thể đoán trước trong hệ thống tòa án do đại dịch Covid-19, và ngay cả khi Teixeira bị kết tội - ông ta luôn phủ nhận các cáo buộc tham nhũng - sẽ phải chứng minh rằng bất kỳ khoản hối lộ nào cũng đến từ ủy ban vận động đăng cai của Qatar và có tính quyết định trong việc giúp Qatar giành quyền tổ chức. Được biết, Qatar đã có hơn 10 phiếu bầu trong cả 4 vòng bỏ phiếu cho nước chủ nhà 2022.

Quan trọng là trong hơn 9 năm kể từ đó, Qatar đã chi hàng tỷ USD để xây dựng 7 sân vận động, thiết kế lại một sân vận động khác và xây dựng cơ sở hạ tầng rộng lớn để tổ chức World Cup. Thế nên, ngay cả khi có bằng chứng cáo buộc quốc gia vùng Vịnh này đi nữa, FIFA cũng không thể tìm được người thay thế trong hoàn cảnh hiện nay, khi thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và kinh tế suy thoái.

Cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2022 ngoài Qatar có Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Số phiếu dành cho Qatar đều vượt trội, từ 11, 10, 11 và 14 ở 4 vòng bỏ phiếu so với nước đứng thứ 2 là Mỹ với 3, 5, 6 và 8 phiếu.

Mạnh Hào

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›