(Thethaovanhoa.vn) - Đằng sau vẻ hào nhoáng của các sân vận động phục vụ World Cup 2022 tại Qatar là một sự thật phũ phàng: những lao động nhập cư làm việc trong điều kiện cực kham khổ, với thu nhập thấp, và thậm chí phải trả giá bằng cả sinh mạng.
Trong cái nóng gay gắt của buổi chiều thứ Tư, một cảnh tượng khiến bất kỳ ai cũng phải ngao ngán: nửa tá công nhân nhập cư đang quỳ gối dưới ánh nắng như đổ lửa để lắp đặt những vỉa hè bằng đá xung quanh sân vận động Lusail, một trong những sân đấu phục vụ World Cup 2022.
Lương bèo, việc nặng, bị đối xử tàn tệ
Đó chỉ là một trong số rất nhiều hình ảnh mà phóng viên Ian Herbert của Daily Mail ghi lại ở Qatar khi mà chỉ còn một năm nữa là khởi tranh VCK World Cup 2022. Những công nhân bậc thấp này tiết lộ rằng mức lương họ nhận được là 16 USD cho một ngày làm việc miệt mài đến 11 tiếng. Mức thu nhập ấy là quá thấp so với công sức họ bỏ ra, cũng như giá cả sinh hoạt nổi tiếng là đắt đỏ ở Qatar. Không ngạc nhiên khi đến cuối ngày, họ leo lên những chiếc xe bus Tata bẩn thỉu và cũ kỹ - nhưng miễn phí - để trở về khu trọ của mình ở phía Bắc, cách trung tâm Doha 1 giờ đồng hồ.
"Có rất nhiều vỉa hè!", Shikhar – một trong những công nhân nhập cư – chỉ tay vào những đống xi măng Al Tameer và những đống đá chất đầy xung quanh khu vực này. Phần lớn thành phố Doha đều được đào xới lên để làm lại, và điều đó tốn rất nhiều công sức. Nhưng điều đáng lo hơn với những con người này là kể từ tháng Tám năm sau, khi quốc gia vùng Vịnh này trưng bày bộ mặt sáng láng nhất trước thế giới, họ sẽ phải rời đi trong vòng 5 tháng, và không nhận thêm một đồng nào nữa.
Sự thực là những công nhân nhập cư này đã luôn phải làm việc dưới cái nóng như thiêu đốt, với khăn quàng cổ và giẻ rách quấn quanh mặt, và chỉ được nghỉ ngơi ở một không gian nhỏ hẹp như trạm xe bus nhỏ.
Đó là cảnh tượng nói lên điều khó giải thích nhất ở một VCK World Cup vốn đã gây tranh cãi ở Qatar: Làm thế nào mà một quốc gia vùng vịnh được cho là hiện đại và giàu có nhất thế giới và đã chi hàng tỷ USD cho một sự kiện thể thao kéo dài 28 ngày lại đốt cháy danh tiếng của họ bằng cách đối xử tàn tệ với nhân công lao động như thế này?
Những cái chết thương tâm
Việc công nhân làm việc thường xuyên dưới cái nắng thiêu đốt ở Qatar thực sự là đáng lo ngại. Theo báo cáo thực tế từ Tổ chức Ân xá quốc tế hôm thứ Ba thì sự căng thẳng nhiệt đã gây rủi ro rất lớn cho người lao động, thậm chí là gây tử vong. Trường hợp 6 công nhân còn khá trẻ tử vong thời gian gần đây vẫn chưa thể lý giải được. Năm ngoái, Suman Miah - một công nhân xây dựng 34 tuổi - đã đổ gục xuống và chết sau một quãng thời gian làm việc dưới cái nóng lên tới 100 độ F (38 độ C). Tul Bahadur Gharti, cũng 34, còn chết khi đang ngủ sau khi phải làm việc 10 tiếng đồng hồ dưới cái nóng lên tới 102 độ F (39 độ C). Sujan Miah, một thợ sửa ống nước trên sa mạc, đã bị phát hiện chết trên giường sau khi phải làm việc trong điều kiện nhiệt độ quá 104 độ F (40 độ C).
Đó chỉ là vài trong số hàng nghìn công nhân lao động nhập cư đã tử vong trong quá trình làm việc để chuẩn bị cho các công trình của VCK World Cup 2022. Báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết sẽ cực kỳ khó để truy ra ngọn nguồn của những cái chết này, khi mà giấy chứng tử đều ghi là "do nguyên nhân tự nhiên", hoặc ngắn gọn hơn là "ngừng tim".
Đó là những mô tả gần như vô nghĩa trong việc chứng nhận các trường hợp tử vong – và cũng chẳng có chút liên hệ gì với điều kiện làm việc của họ. Kết quả là gia đình tang quyến chẳng hề biết điều gì thực sự đã xảy ra với người thân của họ. Và nó cũng khiến những gia đình này không nhận được một đồng nào tiền bồi thường từ người sử dụng lao động và chính quyền Qatar. Tiến sĩ David Bailey, một nhà nghiên cứu bệnh học hàng đầu và là thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về chứng nhận tử vong khẳng định: ‘Về cơ bản, con người đều chết vì suy hô hấp hoặc suy tim, vì thế những lý giải như trên là vô nghĩa".
Những vụ việc này khá giống với vụ việc xảy ra hồi tháng 1/2017, khi một công nhân người Anh có tên Zac Cox đã bị tử vong ở SVĐ quốc tế Khalifa. Năm 2019, các nhà chức trách thông báo rằng cựu thẩm phán tòa án tối cao Sir Robert Akenhead đã tiến hành một cuộc điều tra trên diện rộng về cái chết của Cox, nhưng rốt cục, vụ việc này cũng không đi tới đâu.
Công bằng là công bằng nào?
Báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế cho thấy luật pháp Qatar vốn được ca ngợi là sẽ chấm dứt hệ thống kafala – hạn chế lao động nhập cư rời đất nước hoặc thay đổi công việc mà không được phép của người sử dụng lao động – đơn giản là không được áp dụng. Phản ứng dữ dội của những chủ nhân công tại Qatar trong việc trao quyền cơ bản cho người lao động, đã dẫn đến tình trạng lạm dụng cũ bùng phát trở lại
Theo đó, người lao động sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận "không phản đối" từ người sử dụng lao động trước khi rời đi. Những ông chủ vô đạo đức đang kiếm tiền từ những hình thức này bằng cách buộc tội người lao động bỏ trốn khi cố gắng đổi việc, và cuối cùng, các nhân công tội nghiệp này có thể bị trục xuất không thương tiếc.
Rất nhiều lao động nhập cư đã tâm sự với Sportsmail rằng họ không biết làm thế nào để thoát khỏi công việc với mức lương đáng chế giễu này. "Tôi là một thợ điện, có tay nghề, nhưng họ không cho tôi nộp đơn đến nơi khác, Hamad – một lao động phổ thông làm việc ở bãi đậu xe trước sân vận động – cho hay.
Thực trạng này thật ra đã diễn ra từ rất lâu, với thế hệ của nhiều người nhập cư, kể từ khi việc bùng nổ xây dựng ở quốc gia dầu mỏ này đã kéo theo lực lượng lao động châu Á khổng lồ tới đây trong những năm 80 của thế kỷ trước. Số lượng người Qatar bản địa quá ít nên họ cần thêm lao động nhập cư để xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo thống kê, trong số 2,7 triệu dân số nước này thì có đến 90% là người nước ngoài và nhập cư. "Người Qatar không chỉ là thiểu số, họ còn là thiểu số nhỏ", Michael Quentin Mortopn viết trong cuốn Qatar, Masters of the Pearl, "Điều này chắc chắn dẫn đến căng thẳng trong số những công dân cảm thấy dễ bị tổn thương và bất bình".
"Qatar xứng đáng tốt hơn" là dòng chữ luôn được chạy trên các màn hình lớn ở Doha, nhưng thông điệp này dường như chỉ thích hợp với những người Qatar giàu mà thôi.
Thực trạng của các lao động nhập cư thì vẫn thế. Shikhar đang phải ở chung phòng trọ nhỏ hẹp với 3 công nhân khác, những người làm khác ca với anh. Shikhar làm từ 5 giờ tối đến 4 giờ sáng – với nhiệm vụ là tài xế xe nâng hàng và cũng kiếm 16 đô/ngày. "Dù sao thì tôi nghĩ việc làm đêm cũng rất quý giá. Ít nhất thì trời cũng mát hơn nhiều so với ban ngày", anh chia sẻ.
Tuấn Cương
Tổng hợp
Tags