Tháng Năm vừa rồi đánh dấu tròn 10 năm công ty vũ trụ SpaceX hoàn thành một sứ mệnh lịch sử: Khoang tàu Dragon đã vận chuyển thành công khối lượng hàng hóa gần một tấn và nhiều mẫu thí nghiệm quan trọng từ Trạm Không gian Quốc tế (ISS) quay về Trái đất an toàn.
Giấc mơ xa xỉ
Đấy chỉ là những bước đi đầu tiên của một giấc mơ lớn: Tỷ phú Elon Musk khi ấy tuyên bố rằng kế hoạch dài hạn của ông là chế tạo hơn 1000 con tàu để vận chuyển sự sống lên Sao Hỏa, với tuyên bố như đinh đóng cột rằng SpaceX sẽ đạt được mục tiêu đó vào năm 2050, và một triệu người có thể bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới trên hành tinh Đỏ.
Musk ước tính chi phí ban đầu của sứ mệnh sao Hỏa có thể lên đến 10 tỷ USD trên… 1 người, con số gây tranh cãi khủng khiếp. Các học giả chỉ trích nặng nề giấc mơ xa xỉ này, với lập luận rằng số tiền trên có thể cứu cho hàng triệu người khỏi bị đói trong một năm. Lucianne Walkowicz, một nhà thiên văn tại Bảo tàng thiên văn Adler nổi tiếng ở Chicago, cho rằng sử dụng sao Hỏa như hành tinh dự phòng là một ý tưởng ngạo mạn, và Musk có thể "hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng hơn nhiều là bảo tồn khả năng sinh sống trên Trái Đất".
Nhưng trái với suy nghĩ thông thường, NASA vẫn không ngừng hậu thuẫn cho Musk và giấc mơ thuộc địa hóa Sao Hỏa, dù sau 10 năm, chưa có con tàu vũ trụ nào của SpaceX có thể đặt chân lên hành tinh Đỏ. Nếu cứ suy nghĩ kiểu "tiền ấy sao không để giúp người nghèo", chúng ta sẽ không bao giờ có những giấc mơ điên rồ thành hiện thực. Những thứ chưa ai dám nghĩ đến, chứ chưa nói đến chuyện bắt tay vào làm nó, với một tầm nhìn dài hạn.
Năm 2010, hai năm trước sứ mệnh Dragon của Musk, Qatar vượt qua Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản ở bốn vòng bỏ phiếu và giành quyền đăng cai World Cup 2022 một cách ngoạn mục. Thời điểm ấy, họ hoàn toàn là con số 0, với diện tích chưa đến 11.500 km2 và dân số chỉ vỏn vẹn 2,2 triệu người. Khi ấy, trên BXH FIFA, họ còn thua đội tuyển Việt Nam 17 bậc.
Từ đó đến nay, họ đã chi ra 200 tỷ USD cho World Cup lần này, một khoản tiền khổng lồ. Nó lớn gấp gần 20 lần chi phí Nga sử dụng để tổ chức World Cup 2018, thậm chí gấp gần 5 lần chi phí của 7 chủ nhà VCK gần nhất. Quá xa xỉ.
Nhưng Qatar, trái với những gì chúng ta nghĩ, đã đến với vòng chung kết World Cup lần này với sự chuẩn bị bài bản và tầm nhìn tính bằng thập kỷ. HLV hiện tại của họ, ông Felix Sanchez, từng huấn luyện tại học viện trứ danh La Masia của Barcelona từ giữa những năm 1990 đến 2006. Sau đó, ông gia nhập học viện Aspire, cơ sở đào tạo bóng đá được đầu tư quy mô và đắt đỏ bậc nhất bấy giờ, và bắt đầu ươm mầm thế hệ cầu thủ Qatar dự VCK lần này.
Felix Sanchez và thảm họa Thường Châu
Năm 2013, ông trở thành HLV đội U19 Qatar, dẫn dắt một số thần đồng của học viện Aspire dự VCK U19 châu Á vào tháng 10/2014. Năm 2017, ông không chỉ dẫn dắt đội U23 Qatar mà còn cả ĐTQG của nước này. Nếu bạn chưa quên, thì khuôn mặt thất thần của ông sau loạt penalty khiến Qatar thua Việt Nam tại giải U23 châu Á ở Thường Châu 2018 đã lan truyền trên mạng xã hội như là biểu tượng của thất bại: Một đội tuyển trẻ hàng đầu được đầu tư mạnh mẽ ở châu Á đã gục ngã trước một nền bóng đá ở vùng trũng.
Những lùm xùm liên quan đến quyền đăng cai World Cup 2022 có thể làm bạn hiểu lầm rằng nền bóng đá ở quốc gia Trung Đông này có dáng dấp trọc phú, nhưng hãy đọc lại hồ sơ của ông Sanchez: Ông đã gắn bó với bóng đá Qatar gần 16 năm, đủ để chứng kiến một thế hệ cầu thủ chín muồi. Tờ The Athletic bình luận: "Mối quan hệ của ông với một số người trong số họ vượt qua khái niệm thầy-trò thông thường, mà giống "huynh đệ" hơn, hoặc na ná kiểu sĩ quan chỉ huy và binh lính. Vẫn có khoảng cách nhất định, nhưng họ luôn gắn bó với nhau".
Trước khi World Cup diễn ra, dư luận cho rằng ông Sanchez sẽ bị thay thế bằng một HLV có tên tuổi hơn (như Arsene Wenger chẳng hạn), nhưng không, nhà cầm quân người TBN vẫn ở đây, như để minh chứng cho tầm nhìn dài hạn của bóng đá Qatar: Bỏ ra nhiều tiền chỉ là phương thức. Họ thật sự muốn đầu tư cho giấc mơ dài hạn: Làm nên điều gì đó ở World Cup mà họ đăng cai.
Thất bại vào năm 2018 không làm thay đổi tầm nhìn ấy. Ông Sanchez vẫn ở lại, và cùng Qatar làm nên kỳ tích vào năm tiếp theo: Đánh bại Hàn Quốc và Nhật Bản trước khi giành chức vô địch Asian Cup lịch sử. Tại giải ấy và Cúp Ả Rập năm 2021 (họ về thứ ba), Qatar đã hủy diệt UAE hai lần với tỉ số 4-0 và 5-0, với một lối chơi dồn ép linh hoạt và ấn tượng.
Qatar đã chuẩn bị cho VCK lần này lâu hơn bất kỳ ĐQTG nào, với tám tháng tập trung huấn luyện. Một số cầu thủ đã ngừng thi đấu cho CLB từ mùa giải trước và du đấu cùng đội tuyển từ đó tới giờ. Sự chuẩn bị này nằm trong chiến lược dài hạn kép đã giúp Qatar xây dựng một thế hệ bóng đá từ con số 0 trong hai thập kỷ.
Một cầu thủ Qatar dự World Cup lần này có thể là minh chứng thuyết phục cho cái mà chúng ta vẫn hay gọi là "làm bóng đá bài bản": Cậu ta được đào tạo ở học viện Aspire, tuyển chọn lên đội U19, rồi U21, U23 và cuối cùng là đội tuyển quốc gia.
Tất nhiên là điều này vẫn không đảm bảo rằng họ sẽ thành công ở World Cup sắp tới: Làm bóng đá một cách bài bản không có nghĩa là anh sẽ sớm hái quả ngọt. Bóng đá Qatar vẫn ở một nơi nào đó xa xôi trên bản đồ bóng đá thế giới, và mông lung như giấc mơ Sao Hỏa của Musk. Rất đắt đỏ, nhưng lại chẳng có gì chắc chắn. Nhưng thực tế thì đấy là cái mà chúng ta có thể gọi là làm bóng đá dài hạn. Con đường của bóng đá Qatar đã đi trong hai thập kỷ có tất cả, từ tiền bạc (không thành vấn đề với họ, và là thứ đơn giản nhất), sự nhất quán, lòng tin, bài bản, và tất nhiên, sự lãng mạn. Nó khác với những nền bóng đá sẵn sàng sa thải HLV chỉ sau một trận thua. Nếu Qatar là một nền bóng đá kiểu thế, thì ông Sanchez có lẽ đã phải ra đi, sau đêm Thường Châu điên rồ bốn năm trước.
Phạm An
Tags