World Cup 2022 được tổ chức tại Qatar là thành quả của kế hoạch địa chính trị kéo dài hơn ba mươi năm của một đất nước Trung Đông nhỏ bé nhưng vô cùng giàu có này.
World Cup 2022 sẽ làm tăng 50% dân số của Qatar, quốc gia vốn chỉ có gần 3 triệu dân, chỉ 15% trong số đó là người bản địa và gần 25% là công dân Ấn Độ. Để nhường chỗ cho các cổ động viên và khách du lịch dịp World Cup này, "những lao động không thiết yếu" đã được mời quay trở lại quốc gia xuất xứ của họ, các trường học sẽ đóng cửa trong một tháng và người lao động ở Qatar được khuyến nghị làm việc từ xa. Một lực lượng cảnh sát quốc tế đã được triển khai với hàng nghìn camera nhằm ngăn chặn bất kỳ sự cố nào liên quan đến người hâm mộ từ trong trứng nước.
Tích hợp World Cup vào chiến lược rộng lớn hơn
Theo Simon Chadwick, giáo sư về thể thao và địa chính trị tại Trường Kinh doanh Skeme, dù ở vào vị trí địa chính trị phức tạp trong khu vực Trung Đông, nhưng bằng cách tạo thiện chí thông qua thể thao và việc triển khai quyền lực mềm, tiểu vương quốc Qatar đang tích hợp World Cup vào chiến lược rộng lớn hơn để đảm bảo tương lai của chính mình. Qatar hiện đã điều hướng chính sách đối ngoại thành công giữa các cường quốc như Ả Rập Saudi và Iran trong nhiều thập kỷ qua.
Cũng theo Simon Chadwick, kế hoạch tổng thể này của Qatar có từ cuối thế kỷ trước, tức hơn 20 năm sau khi Qatar phát hiện ra mỏ khí đốt lớn nhất thế giới. Giai đoạn đầu, Qatar chỉ là một quốc gia bảo hộ của Anh, nơi sinh sống của những người dân nghèo ở sa mạc sống bằng nghề đánh bắt ngọc trai, và bước đầu đã có một sự phát triển nhất định nhờ khai thác dầu mỏ. Nhưng phải đến khi giành được độc lập vào năm 1971, và đặc biệt là những biến động của những năm 1990, Qatar mới trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới.
Tiểu vương Qatar, Hamad bin Khalifa Al Thani đã tạo nên sự giàu có to lớn cho Qatar bằng việc khai thác các mỏ khí đốt khổng lồ, khiến nước này, cùng với Hoa Kỳ, trở thành nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) chính của thế giới. Kể từ sau cuộc xung đột ở Ukraine và việc Nga ngừng xuất khẩu khí đốt, lĩnh vực tài chính của nhà nước Qatar đã bùng nổ. Khí đốt và dầu mỏ chiếm gần 65% GDP của Qatar, khiến nước này cùng với Luxembourg trở thành quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới.
Nhờ vận may tài chính này, Qatar đã có thể thúc đẩy chiến lược quyền lực mềm và phát triển kinh tế thông qua đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh này, việc thành lập quỹ đầu tư nhà nước Qatar Investment Authority (QIA) vào năm 2005 đã đóng một vai trò quan trọng. Quỹ quản lý tài sản trị giá 461 tỷ USD trên nhiều ngành và lĩnh vực , đồng thời bao gồm một số phương tiện phụ như Qatar Sports Investments (QSI) và Cơ quan Bảo tàng Qatar (QMA).
Chadwick cho biết thêm: "Mục tiêu là tạo ra càng nhiều quốc gia phụ thuộc vào Qatar càng tốt. Chẳng hạn, trong những thập kỷ qua, Qatar đã đầu tư 25 tỷ USD vào Pháp, điều này đơn giản buộc Pháp phải hội nhập Qatar vào các mối quan hệ quốc tế của mình".
Bạn của mọi người
Theo giáo sư Trường Kinh doanh Skeme như Chadwick, Qatar đã chứng tỏ là một bậc thầy trong nghệ thuật tạo sự "phụ thuộc lẫn nhau". Sự phụ thuộc năng lượng của phương Tây là biểu hiện nổi bật nhất của điều này. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Bỉ, Hadja Lahbib, đã biện minh cho chuyến thăm Qatar, vốn bị chỉ trích nhiều của bà bằng cách đề cập đến tầm quan trọng của tiểu vương quốc này với tư cách là một đối tác khí đốt. Số liệu từ liên đoàn ngành Febeg cho thấy vào năm 2020, Bỉ đã nhập khẩu 11,8% lượng khí đốt tự nhiên từ Qatar.
Ở cấp độ quân sự và ngoại giao, Qatar cũng khéo léo thể hiện mình là bạn của mọi người. Ngay sau các cuộc tấn công ở New York vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, Hoa Kỳ đã thành lập căn cứ không quân khu vực của mình ở Qatar với khoản đầu tư 1 tỷ USD, qua đó cung cấp cho nước này một chiếc ô quân sự. Nhưng mối quan hệ của Qatar với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng rất bền chặt, và tiểu vương quốc này cũng là nơi tài trợ cho các tổ chức gây tranh cãi như Tổ chức Anh em Hồi giáo, Hamas và Taliban. Các nhà phê bình chính trị quốc tế cho rằng, thông qua đài truyền hình nhà nước Al Jazeera, một vũ khí lớn khác của nước này, Qatar đã kích động các cuộc biểu tình trong "Mùa xuân Ả Rập". Điều này đã dẫn đến việc Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Ai Cập tẩy chay Qatar vào năm 2017, tuy nhiên, nước này đã thoát khỏi thế cô lập mà không hề hấn gì vào vào năm 2020.
Ngoài ra, còn chưa kể đến vô số sự tham gia của QIA trong nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Bao gồm từ Exxon Mobil đến Boeing, qua Siemens, Volkswagen và Deutsche Bank, chưa kể đến các khoản đầu tư vào bất động sản ở New York và Paris và vào cửa hàng bách hóa sang trọng Harrods ở London. Khi Elon Musk mua Twitter với giá 44 tỷ USD, QIA đã âm thầm đầu tư 375 triệu USD vào đó.
Đầu mối thể thao ở Trung Đông
Thể thao cũng là lĩnh vực được Qatar đầu tư rất nhiều. Trong nhiều năm, logo của Qatar Airways đã xuất hiện trên áo đấu của FC Barcelona. Thông qua Tập đoàn truyền thông Beln thuộc sở hữu nhà nước, công ty bảo trợ cho hàng chục kênh truyền hình, Qatar có một loạt bản quyền phát sóng thể thao độc quyền ở Trung Đông, bao gồm cả các bản quyền của giải Ngoại hạng Anh. Và nước này đã trở thành một đầu mối của khu vực.
Kể từ năm 2004, khoảng 30 sự kiện thể thao lớn đã được tổ chức tại Qatar, từ giải vô địch thế giới về đua xe đạp, điền kinh và thể dục dụng cụ, giải quần vợt, đến giải đua xe công thức 1 và Đại hội thể thao châu Á. Đỉnh cao của chiến lược này là việc tiếp quản câu lạc bộ bóng đá danh tiếng của Pháp, Paris Saint-Germain. 18 tháng sau khi trao cúp bóng đá thế giới cho Qatar, câu lạc bộ này đã nằm trong tay của Qatar Sports.
Liệu Qatar có thành công trong việc sử dụng World Cup làm bàn đạp để đa dạng hóa nền kinh tế bằng cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, theo giáo sư Chadwick, không còn nghi ngờ gì nữa, World Cup ở Qatar sẽ là tiếng vang của một trật tự thế giới với những quy tắc mới. Hiện ở phần lớn châu Á và thế giới Ả Rập, mọi người khá tự hào rằng World Cup được tổ chức tại nơi này. Sau Qatar, Ả Rập Xê Út cũng đang nhắm đến FIFA World Cup vào năm 2030 và Qatar để mắt đến Thế vận hội vào năm 2036.
220 tỷ USD cho World Cup
Với khoản đầu tư 220 tỷ USD - gấp 20 lần số tiền Nga đã chi cho World Cup 4 năm trước - World Cup 2022 ở Qatar cho đến nay được cho là đắt nhất mọi thời đại. Quốc gia vùng Vịnh đã chi hàng núi tiền để xây dựng 7 sân vận động của tương lai, một tuyến tàu điện ngầm mới, các con đường mới và khách sạn để phục vụ khoảng 1,5 triệu người hâm mộ trong 4 tuần tới.
Đức Hùng (PV TTXVN tại Brussels, Bỉ)
Tags