BLV Trương Anh Ngọc: Zico, Espana 82, Thể thao & Văn hóa, và tôi

Chủ nhật, 21/08/2022 09:19 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1982, thế giới vẫn chìm trong Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến Malvinas vừa nổ ra, Michael Jackson gây chấn động với album “Thriller”, phim “E.T” về người ngoài hành tinh làm bùng nổ các phòng vé, trái bóng lăn trên sân cỏ Tây Ban Nha ở Espana ‘82, và ở Việt Nam, “Tin mới nhất Espana ‘82”, tiền thân của Báo Thể thao & Văn hóa ra đời.

 

Nhà báo Anh Ngọc: Khi tôi được gọi là “MR.WORLD CUP”

Nhà báo Anh Ngọc: Khi tôi được gọi là “MR.WORLD CUP”

Những người bạn thân cứ thấy 2 năm một lần, tôi lại chuẩn bị lên đường cho những chuyến đi World Cup hay EURO, đã gọi vui tôi như thế. Nhà báo Trương Anh Ngọc tâm sự.

 

… Và ở bìa số đầu tiên của những trang báo in chữ chì, trên giấy đen của tờ tin nhanh ấy, là hình ảnh Zico ăn mừng một bàn thắng. Số 10 huyền thoại của đội tuyển Brazil ngày ấy có lẽ không thể hình dung được rằng, ông đã trở thành người được một tờ báo vô cùng mới mẻ vinh dự chọn đồng hành cho một hành trình dài suốt 40 năm, kể từ những ngày Hè lịch sử ấy cho đến bây giờ, và chắc chắn còn nhiều năm sau nữa.

Gương mặt trang bìa

Ngày ấy, Zico đã là siêu sao hàng đầu đội bóng xứ sở Samba, ứng cử viên số 1 cho danh hiệu vô địch thế giới. Còn “Tin mới nhất Espana ‘82” chỉ là một tờ tin nhanh đúng nghĩa với khiêm tốn 4 trang khổ A4 in đơn sắc với sứ mệnh phục vụ những người hâm mộ bóng đá ở một đất nước vừa thống nhất được mấy năm, rất thiếu thông tin về thế giới bên ngoài nói chung và bóng đá nói riêng.

Hành trình của Zico và các đồng đội huyền thoại trên mảnh đất Tây Ban Nha ở World Cup ấy như Socrates, Eder, Cerezo và Falcao dừng lại ở vòng hai sau trận thua Ý, đội sau đó vô địch, với tỷ số 2-3. Đội tuyển Liên Xô mà rất nhiều người ngày ấy yêu mến cũng dừng lại ở giai đoạn hai, để lại rất nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ vốn đói thông tin và chỉ được xem họ trong những trận đấu đa phần được phát lại qua hệ thống vệ tinh Hoa Sen. Espana ‘82 khép lại với hình ảnh thật đẹp của Dino Zoff giơ cao chiếc cúp vàng vô địch.

Nhưng “Tin mới nhất Espana ‘82” không dừng lại, bởi sau đó, nó đã trở thành Báo Thể thao & Văn hóa, đã có biết bao thay đổi về nội dung và hình thức cũng như màu sắc các trang báo cùng quá trình phát triển của đất nước, đã đi cùng với nhiều thế hệ độc giả từ đó đến giờ. Một trong số những độc giả ấy là tôi, đã đọc những trang tin nhanh Espana từ những số đầu tiên một cách say sưa, dù lúc ấy, tôi mới học lớp 1 và những trang báo trở thành công cụ để tôi học đánh vần! Chính những trang báo ấy và hàng không biết bao trang báo của những năm sau nữa đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, một người bạn thân thiết, người đồng hành, người mở ra những cánh cửa đưa tôi ra thế giới trong những năm tháng thiếu thốn thông tin về thể thao và văn hóa thế giới, khi đất nước đang bị cấm vận, internet là một khái niệm chưa hề tồn tại và thông tin đến với mọi người đều chậm, không phải hàng ngày, mà cả một tuần.

Chú thích ảnh
Zico, ngày ấy, bây giờ…

Nếu được gặp Zico…

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác cồn cào chờ đợi cả tuần mới có một tờ Thể thao & Văn hoá để đọc, háo hức ngóng theo những đội bóng mình yêu mến bởi không rõ trận đấu mới nhất của họ có kết quả thế nào (ngày ấy, tôi luôn giở hai trang về các giải VĐQG châu Âu trước tiên). Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được những thông tin, những tri thức thể hiện qua những bài viết, bài biên dịch đăng trên Thể thao & Văn hóa về âm nhạc, lịch sử, văn học, danh nhân văn hóa thế giới mà tôi ngốn ngấu đọc hàng tuần khi bố mang báo về nhà. Tôi cũng nhớ cái cảm giác cồn cào những chiều cuối tuần chờ bố về nhà, không phải vì nhớ bố, mà nhớ tờ báo. Mà phải nói thật, nhờ có bố làm ở TTXVN, cơ quan chủ quản của báo mà tôi luôn có báo để đọc. Có những ngày Thể thao & Văn hóa cứ ra sạp là hết sạch. Có những ngày World Cup và EURO xa xưa lắm rồi chứng kiến rất nhiều người tụ tập rất đông trong đêm tối trước cửa trụ sở TTXVN ở số 5 Lý Thường Kiệt để chờ đợi kết quả các trận đấu của giải. Họ đơn giản là không thể đi ngủ và chờ được cho đến số báo ra sáng sớm hôm sau để biết điều gì đã xảy ra.

Tôi đã lớn lên với tờ báo ấy, đã biết đến thế giới, đã học tiếng Anh qua tên các đội bóng, thành phố, danh nhân, đã bồi bổ như một quá trình tự nhiên của việc đọc và ngấm, đã đi ra thế giới sau này lớn lên với một phần tri thức do tờ báo cung cấp. Để rồi một ngày 20 năm trước, chính tôi, từ vị trí của một độc giả của báo, trở thành một cây bút chính thức của báo. 20 năm qua, dù có những năm tháng không ngồi ở tòa soạn khi có hai nhiệm kỳ làm trưởng cơ quan thường trú của TTXVN ở Italy, tôi vẫn gắn bó với báo qua các bài viết ở đủ các thể loại và các nội dung, chủ đề khác nhau. Tờ báo đã trở thành một thứ gì đó đặc biệt gắn bó không thể tách rời khỏi bản thân tôi trong cuộc đời vậy.

Zico chắc chắn không biết đến điều đặc biệt ấy của tôi. 8 năm trước, khi sang Brazil cho World Cup 2014, tôi đã ao ước được gặp ông để nói rằng chính ông là nguồn cảm hứng đầu đời của tôi cho một hành trình đời tôi, cho sự phát triển của một tờ báo, một niềm đam mê cháy bỏng của nhiều thế hệ độc giả trong 4 thập kỷ qua. Nếu gặp được ông, tôi sẽ nói điều ấy…

Trương Anh Ngọc

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›