(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn lại hành trình vòng loại World Cup 2022 của đội tuyển Việt Nam nói chung, lọt đến vòng 3 nói riêng, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh cho rằng đấy là lịch sử, là kỳ tích. Ông đã đưa ra những đánh giá rất thẳng thắn và đầy tâm huyết.
Gặt hái 10… sàng khôn!
* Thể thao & Văn hóa: Đội tuyển Việt Nam đã hoàn thành Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Ông nhìn nhận hành trình đáng nhớ này thế nào?
- Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh: Nếu việc vào đến Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á là một dấu mốc lịch sử thì hành trình đã có tại đây cũng xứng đáng là lịch sử. Lịch sử vì lần đầu tiên, bóng đá nước nhà đạt đến cột mốc đó. Hơn thế, không phải lúc nào, đội tuyển Việt Nam cũng được chạm trán với những ĐTQG nhóm đầu châu lục ở những trận đấu đỉnh cao, giải đấu chính thức như thế. Hạnh phúc ở chỗ khi chúng ta đã có những cuộc “hạnh ngộ”, những trải nghiệm tuyệt vời.
Đó là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của bóng đá Việt Nam từ thời điểm đánh dấu sự chuyển mình rõ rệt sau ngôi vị Á quân VCK U23 châu Á 2018. Ngay từ đầu, bóng đá nước nhà đã xác định rằng việc chơi bóng Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 như một kỳ “sát hạch” giá trị. Vậy nên, câu chuyện hội nhập sâu rộng, học hỏi, tích lũy được đặt lên hàng đầu khi đá với những “ông lớn” châu lục. Vẫn đâu đó có sự lãng mạn nhưng phải thừa nhận thực tế rằng để tiệm cận vị thế của nhóm đầu châu Á đường còn xa.
Tuy nhiên, những lãng mạn đó đã ít nhiều giúp đội tuyển Việt Nam tự tin hơn để chơi hết “vốn” của mình. Bởi suy cho cùng, thắng-thua ở những trận đấu như thế này không quá quan trọng. Quan trọng các cầu thủ đã thể hiện mình ra sao, trình độ có ngày càng rút ngắn với những ĐTQG đẳng cấp như thế hay không. Tự tin, dám chơi, biết cách để chơi và chơi hết mình đó là những vốn quý có được sau 10 trận đấu đặc biệt như thế.
Cần phải hiểu và xác định rằng với những trận đấu đã qua giống như một cái đích để bóng đá Việt Nam hướng đến nhằm tạo ra được vị thế ngày một thế xứng đáng trên đấu trường châu lục. Dù thua, nhưng đội tuyển Việt Nam đã đủ tự tin, bản lĩnh để so kè với những đội bóng như Nhật Bản. Saudi Arabia hay Australia. Gặp gỡ những đội bóng giành vé đi World Cup cũng giống như một “lăng kính”thực tế nhất để bóng đá Việt Nam “soi mình” vào và đi tiếp hành trình phía trước.
Thế nên, sau vòng loại thứ 3 World Cup, ĐTQG và nền bóng đá đã có cho mình một trải nghiệm quý báu trên con đường hội nhập. Đội tuyển Việt Nam đã chơi những trận đấu đã qua với thái độ trân trọng, nghiêm túc, cầu tiến- cầu thị chứ không phải chơi cho xong rồi về. Vẫn có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” thì bóng đá Việt Nam đã có “10 sàng khôn” quý báu.
* Cọ xát, học hỏi, tích lũy và nâng tầm là những mục tiêu mà đội tuyển Việt Nam đặt ra tại những trận vòng loại vừa rồi. Vậy theo ông, nhìn trên những tiêu chí đó, bóng đá nước nhà đã gặt hái được điều gì?
- Có thể thấy rằng giữa bóng đá Việt Nam và các đội hàng đầu châu lục vẫn tồn tại một khoảng cách nhất định. Vậy nên, tôi đồng tình và tâm đắc khi HLV Park Hang Seo cho rằng: “Chúng tôi khát khao cải thiện bản thân và thoát khỏi tầm Đông Nam Á”. Dứt khoát phải thế, bởi đã đi đến đây, chạm trán với những ĐTQG mạnh như thế mà không “lượm lặt” điều gì thì rất phí phạm. Hơn thế, phải ngày càng phát triển, phải làm sao để vượt lên trên tầm mức khu vực luôn được đặt ra để làm cái đích hướng đến.
Không có gì là bất ngờ hay ngạc nhiên khi đội tuyển Việt Nam để thua ở hầu hết các trận đấu vừa rồi. Cần hiểu rằng khoảng cách về mặt trình độ của chúng ta với những đối thủ là khá lớn. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam không phải “ngân hàng điểm” theo cái kiểu đối phương muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Vẫn có những trận thua đậm (trước Australia với tỉ số 0-4) nhưng tựu trung đội tuyển Việt Nam đã chơi được, có những thời điểm chơi ngang ngửa, sòng phẳng. Không quá lép vế, không vỡ trận và không thua sâu. Có thắng, có thua, nhưng cách chơi thì rất chủ động. Đội tuyển Việt Nam hiện nay không còn khái niệm "chịu trận" khi gặp đội thủ mạnh hơn. Như thế, sẽ thấy cứ sau mỗi trận đấu, đội tuyển Việt Nam học được nhiều điều, tích lũy nhiều điều và ngày càng tốt hơn lên.
Đã có những khoảnh khắc thăng hoa, những bàn thắng rất đẹp và điểm số lịch sử. Trận thắng 3-1 trước đội tuyển Trung Quốc thật sự mang lại rất nhiều cảm hứng cho bóng đá Việt Nam trong năm 2022. Tựu trung lại, những gì đã kinh qua, trải nghiệm, va đập, thấu hiểu tại vòng loại thứ 3 World Cup đủ để có được cuốn “sổ tay bỏ túi” quý giá cho bóng đá Việt Nam. Đó cũng là hành trang để bóng đá Việt Nam thể hiện mình tại SEA Games 31, VCK U23 châu Á 2022, AFF Cup cuối năm, xa hơn nữa tại Asian Cup 2023.
Đừng để mọi thứ đứt gãy
* Nếu sân chơi vòng loại World Cup tạo ra giá trị tích lũy, còn để có được cái nền vững chắc, theo ông bóng đá nước nhà cần làm gì tiếp theo?
- Tôi sợ nhất chuyện “đứt gãy”. Đứt gãy ở đây là cả chuyện thành tích cũng như xây dựng lực lượng. Đứt gãy thành tích thì mất đi cảm hứng, đứt gãy lực lượng sẽ kéo theo khoảng trống con người. Vậy nên, cái cần nhất là giữ được sự liền mạch, duy trì, tiếp nối những thành quả này.
Dứt khoát phải lấy những thành công đã có hôm nay làm cảm hứng phát triển. Vừa phải phấn đấu duy trì thành tích ở cả khu vực lẫn châu lục, vừa “gia cố” hơn nữa cho công tác đào tạo tạo trẻ. Các lứa trẻ phải liên tục được kế tiếp, gối đầu, tạo chân đế vững chắc hơn nữa cho các giải chuyên nghiệp và các ĐTQG. Việc hình thành các trung tâm đào tạo trẻ, có sự hợp tác với nước ngoài, áp dụng những chương trình đào tạo cầu thủ tiên tiến, áp dụng công nghệ hiện đại, khoa học dinh dưỡng của thế giới được xem như hướng đi đúng cần phát huy.
Trong thời điểm phù hợp, chúng ta cũng cần mạnh dạn đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Đây là việc chúng ta đã làm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả khi các cầu thủ xuất ngoại hầu hết chưa khẳng định được năng lực.
Bên cạnh đó, xã hội hóa bóng đá là xu hướng tất yếu, không thể khác. Điều này nhằm thu hút mọi nguồn lực cho cả nền bóng đá phát triển. Bóng đá phong trào và bóng đá học đường cần được quan tâm hơn để tạo nguồn lực cho bóng đá đỉnh cao. Không chỉ đào tạo cầu thủ, đội ngũ các nhà quản lý, chuyên gia, HLV cũng cần phải hoạch định chiến lược cho quá trình phát triển.
Phải coi trọng, tổ chức quy mô, bài bản hệ thống các giải đấu trong nước từ giải chuyên nghiệp đến các giải trẻ. Hệ thống thi đấu đó cần được nâng cao về chất lượng, tạo môi trường thi đấu và cạnh tranh lành mạnh cho các cầu thủ phát triển. Một giải VĐQG mạnh mới có thể tạo ra một ĐTQG mạnh.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trần Tuấn (thực hiện)
Tags