Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong hệ thống báo cáo có 26 bệnh truyền nhiễm, thì trên 10 bệnh liên quan tới nước, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, đặc biệt các dịch bệnh đường ruột vẫn đang lưu hành và luôn có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Điển hình là dịch bệnh tiêu chảy cấp xảy ra mới đây ở 13 tỉnh, thành phố trong cả nước, làm 2000 người mắc, với 295 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Nguyên nhân là do vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân kém và là do nguồn nước bị ô nhiễm. Những bệnh truyền nhiễm có liên quan tới nước như dịch tả, thương hàn, các bệnh về đường tiêu hoá, viêm gan A, viêm não...
Ăn uống mất vệ sinh rất dễ phát sinh và lây lan bệnh truyền nhiễm
Tại Việt Nam, có tới 80% các bệnh có liên quan đến nguồn nước, chiếm tới 50% tổng số bệnh nhân nội trú và 25.000 trường hợp tử vong mỗi ngày. Trong những năm gần đây, tình hình mắc một số bệnh chính liên quan tới nước không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Các chuyên gia y tế cảnh báo: nguồn nước sử dụng ăn uống và sinh hoạt của người dân đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi các chất thải sinh hoạt khu dân cư, chất thải bệnh viện, chất thải công nghiệp, nông nghiệp cùng với các hành vi thói quen không hợp vệ sinh gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của hàng triệu người dân, nhất là vào mùa hè- mùa của dịch bệnh.
Ngoài ra, các chất hoá học xuất phát từ chất thải do hoạt động của con người như hoá chất công nghiệp, các kim loại nặng, thuốc trừ sâu và kể cả các hoá chất có sẵn trong lòng đất cũng là tác nhân gây bệnh qua môi trường nước rất nguy hiểm. Các chất hoá học có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người lại cực kỳ nghiêm trọng và thường để lại hậu quả lâu dài như các dị tật bẩm sinh cho bào thai, chậm phát triển ở trẻ em, các bệnh ung thư. Gần đây, vấn đề ô nhiễm assenic trong nước ngầm được phát hiện ở nhiều tỉnh, thành phố ở mức độ cao, sử dụng lâu dài nguồn nước đã bị mắc bệnh ung thưu da, phỏi, bàng quang...