60 năm Thông tấn xã Giải phóng: Ký ức về những ngày tác nghiệp ở vùng kháng chiến U Minh Thượng
(Thethaovanhoa.vn) - Dù đã mấy chục năm trôi qua, ký ức, kỷ niệm về những ngày làm phóng viên, điện báo viên chiến trường vẫn in đậm trong tâm trí những người làm báo trên vùng đất U Minh Thượng (Kiên Giang). Đó là những tháng ngày tác nghiệp giữa làn bom đạn của địch, cùng sống, cùng chiến đấu với các chiến sĩ và hoàn thành nhiệm vụ, khẳng định vai trò của phóng viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng.
Giữ vững tay bút
Nhắc về một thời làm báo trong vùng kháng chiến U Minh Thượng, Nhà báo Trương Thanh Nhã (73 tuổi), nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng vẫn còn đậm sâu trong ký ức.
Năm 1961, đang học phổ thông ở Long Xuyên (An Giang), ông về thăm ba đang cùng đồng đội chiến đấu ở vùng rừng U Minh Thượng, rồi "bén duyên" theo cách mạng. Lúc đầu, ông vào làm trong nhà in, làm giao liên, sau đó được cử đi học. Năm 1967, ông về làm báo thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay). Ban đầu làm ở Tiểu ban Báo chí tuyên truyền, ông Thanh Nhã có nhiệm vụ chép tin đọc chậm trên đài để in ra tuyên truyền, phát cho nhân dân. Công việc ấy đã giúp cho ông biết cách chọn lọc tin tức và viết tin, bài sau này.
Nhà báo Trương Thanh Nhã cho biết, sau khi chép tin "nhuần nhuyễn", ông được giao biên tập tin phát trên đài và các báo cáo của từng đơn vị được gửi về Văn phòng Tỉnh ủy, sau đó chọn lọc in ra tờ tin mỗi tuần một số và tờ báo Chiến Thắng mỗi tháng một số; đồng thời phát về Thông tấn xã Giải phóng ở Trung ương Cục miền Nam. Từ đó, nghiệp "nhà báo" theo ông đến ngày nay.
Theo Nhà báo Trương Thanh Nhã, những phóng viên thời đó không chỉ đơn giản làm công tác nghiệp vụ sản xuất tin bài mà còn phải làm những công việc phục vụ cách mạng như đào hầm tránh bom, dựng nhà, tăng gia sản xuất, kêu gọi người dân tố cáo tội ác của Mỹ - Ngụy… Mỗi khi Mỹ - Ngụy thả bom vào khu vực nhà dân, các phóng viên Tiểu ban báo chí tuyên truyền viết tin chuyển ngay về Thông tấn xã Giải phóng.
Sau Chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến tranh diễn ra ác liệt hơn, cứ cách một, hai ngày là địch lại thả bom B52 làm nhiều người ở căn cứ đầu não của tỉnh Rạch Giá, trong đó có thành viên Tiểu ban Báo chí tuyên truyền bị thương vong. Thế nhưng, bằng ý chí và tinh thần vượt khó, cùng với sự động viên của đồng nghiệp, các phóng viên thời ấy vẫn luôn giữ vững tay bút.
Chia sẻ những chuyện vui, buồn trong thời làm phóng viên giữa rừng U Minh Thượng, Nhà báo Trương Thanh Nhã nhớ lại: Sau khi địch thả bom B52 trong vùng đóng quân U Minh Thượng, đơn vị ông được lệnh chuyển ra vùng bờ ngoài cách đồn địch khoảng 500 m để ổn định, ít bị phát hiện. Một hôm, ông Nhã cùng với một người nữa được phân công nấu cơm nhưng khi vào bếp thì hết gạo. Ông liền bơi xuồng ra Lô 12 để mượn gạo trong dân về nấu. Ông mới đi khoảng 30 phút, hai chiếc máy bay địch đến thả bom, cho quân nhảy dù xuống bắn và bắt nhiều cán bộ, phóng viên, điện báo viên, nhà in của ta.
Sau trận đi "mượn gạo" thoát chết đó, đến năm 1972, ông Hai Nhã cùng một số anh em phóng viên và Tổ điện báo viên chuyển đến hoạt động ở địa bàn huyện Giồng Riềng. Tại đây, do khó khăn, anh em phải xin lương thực và tá túc ở Ban Tuyên huấn huyện. Cũng tại đây, ông Nhã đã gặp, yêu và lập gia đình. Khi đó, vợ của ông đang công tác trong ngành Giáo dục.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Thanh Nhã tiếp tục sự nghiệp làm báo. Từ phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, ông về làm Ủy viên Ban Biên tập, rồi Phó Tổng Biên tập, Tổng Biên tập Báo Kiên Giang. Sau đó, ông chuyển sang làm Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang và nghỉ hưu năm 2006.
Điện báo viên quan trọng
Ông Nguyễn Thanh Hà (68 tuổi), nguyên điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Kiên Giang cũng có rất nhiều kỷ niệm khi nhắc về một thời làm "tít tít, te te" (chuyển tin tức từ vùng kháng chiến về Trung ương Cục miền Nam).
Tham gia cách mạng năm 1965, ban đầu, ông Hà làm giao liên, sau đó được cử đi học Trường Thiếu sinh quân ở Cà Mau. Năm 1967, ông Hà được lệnh rút về vùng kháng chiến U Minh Thượng học lớp điện đài. Sau 8 tháng học, ông trở thành điện báo viên. Đến năm 1969, ông chính thức về Tiểu ban Báo chí tuyên truyền và là một trong những mắt xích quan trọng trong quy trình truyền phát tin về Thông tấn xã Giải phóng.
Ông Hà chia sẻ, trung bình, một bản tin phát về Thông tấn xã Giải phóng khoảng 15 phút, quan trọng nhất là khâu điện về anh em ở Thông tấn xã Giải phóng phải nhận được tín hiệu, phía bên kia nói được, ở đây mới phát. Cái cực của anh em làm công việc này mỗi khi ra chiến trường phải vác trên vai nguyên bộ máy nặng khoảng 32 kg. Khi có tin tức, anh em phải tìm chỗ ẩn nấp, kéo ăng-ten lên, ngồi bệt xuống đất, để máy trên bắp đùi phát; ban đêm phải giăng mùng, đốt đèn dầu ngồi ở mọi tư thế mà phát sao cho sớm nhất về Thông tấn xã Giải phóng.
Nhà báo Nguyễn Thanh Hà tâm sự, kỷ niệm về nghề khi làm công tác truyền tin tại Thông tấn xã Giải phóng không phải là những trục trặc trong nghề mà là chuyến đi nhận máy mới được Trung ương Cục miền Nam cấp.
Ông nhớ lại, mùa khô năm 1973, sau khi máy phát bị hỏng, ông Hà cùng hai đồng nghiệp đi gần 3 tháng theo tuyến biên giới giáp nước bạn Campuchia mới lên tới Trung ương Cục miền Nam (ở Tây Ninh). Sau khi nhận máy mới, đường về thật sự gian nan khi quân địch chặn trên tuyến biên giới.
Không thể đi theo tuyến dân sự, ông Hà cùng hai anh em nữa chuyển qua đi theo tuyến quân sự. Tuyến này, ban ngày ngủ, ban đêm tiếp tục đi. Ròng rã hơn 3 tháng, ông mới về lại vùng căn cứ U Minh Thượng. Thế nhưng, đọc đường, ông cũng gặp bao phen vất vả mới thoát được vòng vây địch. Ông Hà nhớ nhất là khi về tới vùng ven Rạch Giá qua kênh xáng Cái Sắn để về vùng căn cứ, đến khu vực vùng ven Rạch Giá, nhóm của ông gặp biệt kích bắn, một người bị thương.
Ông Hà cũng là người trực tiếp chuyển bức điện về Thông tấn xã Giải phóng trong ngày tỉnh Rạch Giá hoàn toàn giải phóng. Lúc đó, vào khoảng 7 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, các lực lượng giải phóng tiến vào thị xã Rạch Giá. Khi đến Tắc Ráng, nghe lời kêu gọi đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng của Tỉnh trưởng, phóng viên Phạm Xuân Yên viết tin và được ông Hà tức tốc chuyển về Thông tấn xã Giải phóng.
Ngay từ khi ra đời, Thông tấn xã Giải phóng luôn đảm trách và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền trong hệ thống tuyên huấn. Nhiều phóng viên, điện báo viên Thông tấn xã đã nằm lại trên vùng đất U Minh Thượng, nhiều người mất một phần thân thể, bị tù đày ra Côn Đảo, Phú Quốc, bị phơi nhiễm chất độc da cam… Riêng Phân xã Rạch Giá (Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Kiên Giang ngày nay), năm lần bị địch càn tiêu diệt tập thể, 16 đồng chí đã hy sinh.
Những gian khổ, hy sinh, mất mát dường như vượt quá sự chịu đựng của con người mà thế hệ làm báo đi trước đã từng nếm trải, đã góp phần làm nên một thời “Thông tấn xã Giải phóng”. Về với thời bình, những thành viên của gia đình “Thông tấn xã giải phóng” năm xưa có người vẫn theo nghiệp báo và có những người đã chuyển ngành. Tuy nhiên ở bất kỳ một vị trí, cương vị nào, họ đều nỗ lực làm tốt nghiệm vụ, góp phần đưa nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển, đồng hành cùng quê hương, đất nước.
Lê Sen/TTXVN