Vừa loay hoay vớt củi trôi dạt trên sông Hương đoạn gần chùa Thiên Mụ (TP Huế, Thừa Thiên - Huế), bà Phan Thị Thiện, 47 tuổi, vừa nói: “Ngày cuối năm trời hửng nắng nên phải tranh thủ đi làm, kiếm thêm được chút tiền nào hay chút ấy”.
Bà Thiện cho hay, dù nhà nước đã cấp nhà cho gia đình bà ở khu tái định cư Phú Mậu (Phú Vang), nhưng vì lên bờ không tìm đâu ra nghề kiếm sống nuôi 5 đứa con nên vợ chồng bà lại lủi thủi ra đò cũ, làm đủ thứ nghề từ vớt củi đến phụ hồ, chở đồ thuê mỗi khi có người cần.
Cuối năm, vợ chồng Tuấn bà Thiện vẫn loanh quanh với công việc thường ngày, chưa dám nghĩ đến Tết. Ảnh: Nguyễn Đông.
“Không riêng gì vợ chồng tôi mà hàng chục hộ dân đang quay lại đò mưu sinh. Tết đến, ai cũng tranh thủ bám thuyền, bám sông vì nhiều người thuê làm, có thêm chút tiền để dành cho tháng giêng đói kém. Năm nay cũng ăn Tết trên đò luôn chứ không lên bờ đâu”, bà Thiện khẳng định.
Chồng bà Thiện, ông Nguyễn Văn Tuấn, 44 tuổi, tranh thủ chẻ những khúc gỗ vợ vừa vớt được phơi mang bán. Ngày trước vợ chồng ông Tuấn làm nghề thả lưới bắt cá trên sông. Nhưng người thả lưới ngày càng nhiều nên cá hết dần, họ bèn sắm xe kéo tay và có thêm nghề mới - chở đồ thuê.
Chỉ tay về phía con đò nhỏ chông chênh trên dòng Hương, ông Tuấn bảo chẳng biết gia đình ông đã sống trên đó bao nhiêu năm rồi. Trong 5 đứa con của vợ chồng ông, duy nhất có con gái út Nguyễn Thị Duyên được đi học, giờ đang là học sinh lớp 6 trường THCS Phú Mậu.
“Nghèo thì nghèo thật nhưng ngày 30 Tết vẫn lo đi mua ít gạo nếp về. Đến tối khuya thì làm mâm cỗ xôi, chè nếp thắp nén nhang cho ông bà tổ tiên ngay trên mui thuyền rồi vợ chồng, con cái cùng nhau đón giao thừa”, bà Thiện nói.Đó cũng là không khí đón Tết của những gia đình vạn đò từ xưa và đến giờ vẫn vậy. Cuối năm mà làm ăn được thì cùng chung nhau ít tiền mua thịt về chế biến thức ăn rồi mang lên thuyền ăn Tết.
Bà Diệc chênh vênh với con đò nhỏ của mình đã qua 80 mùa lũ sông Hương. Ảnh: Nguyễn Đông
Vợ chồng ông Tuấn và Thiện vẫn nhớ những cái Tết trên đò đói rách cùng cực. “Có năm đói đến mức ngày mùng 1 Tết phải mang xoong đi vay gạo. Con cái đòi sắm áo mới nhưng cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. Nghĩ mà thấy tội thân, làm quần quật cả năm trời mà Tết không có tiền mua gạo, mua áo cho con”, bà Thiện kể.Phía bên kia sông Hương, hàng chục chiếc đò lớn nhỏ của cư dân vạn đò nằm xúm lại một góc nhỏ vì trời rét đậm không đi làm được. Chòng chành trên chiếc thuyền thủng lỗ chỗ, cụ Lê Thị Điệc ngồi co ro. Không con cái, không giấy tờ tùy thân, bà Điệc sống lẻ loi trên đò đã qua 80 mùa lũ.
Không đủ sức đánh cá, vớt củi như trước, bà Điệc sống nhờ lòng tốt của du khách trên sông Hương. Tết đến xuân về, mọi người lo mua sắm đồ, riêng bà ai cho gì ăn nấy.
Lo lắng về sức khỏe của chị, cô em gái là bà Lê Thị Ánh, 65 tuổi, lật đật từ chân cầu Bảo Vinh, cách chùa Thiên Mụ đến gần chục cây số lên thăm. Bà Ánh rủ cụ Điệc về ở cùng nhưng sợ cứ lên bờ được mấy bữa cụ lại xuống đò vì nhớ, rồi lại lênh đênh theo con nước.
Ông Tư vẫn miệt mài với công việc đánh cá trên sông, mặc cho phố phường đang rộn ràng đón Tết. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trên sông An Cựu, một nhánh của sông Hương cũng có nhiều gia đình mưu sinh. Ông Nguyễn Văn Tư năm nay bước sang tuổi 73 và cũng là ngần ấy năm gắn bó với con đò nhỏ, với những cái Tết thiếu thốn. “Cả nhà tôi đều sống trên thuyền cả. Năm vừa rồi nhà nước cấp nhà, con cái lên bờ lập nghiệp cả, vợ chồng già lên bờ chả biết làm gì nên ở đò kéo lưới bắt cá kiếm đồng ra đồng vào”, ông giải thích.
Ông Tư còn kiêm cả nghề vớt xác người chết chìm dưới sông. “Có Tết có người nhờ lặn tìm thi thể, tôi lại chèo thuyền đến lặn tìm, chả khi nào từ chối hay kiêng kỵ gì”, ông Tư nói và cho biết thêm tuy công việc chả mấy tốt lành trong năm mới nhưng trước là vì thương gia đình nạn nhân, sau cũng có đồng ra đồng vào.
Đêm cuối năm, tiết trời se lạnh, từng dòng người rộn ràng đi sắm Tết. Riêng những cư dân vạn đò vẫn đìu hiu.