(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 27/6, Việt Nam đã ghi nhận thêm 323 ca mắc mới, trong đó có 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 314 ca trong nước.
Địa phương có số ca mắc cao nhất vẫn là Thành phố Hồ Chí Minh với 200 ca; tiếp đó đến Bình Dương 36 ca; Bắc Giang 20 ca; các tỉnh Hưng Yên, Quảng Ngãi đều 15 ca... Trong số này có 284 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy tính đến tối 27/6, Việt Nam đã ghi nhận 15.643 ca dương tính với SARS-CoV-2; trong đó 13.874 ca ghi nhận trong nước; 1.769 ca nhập cảnh. 6.319 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 76 ca tử vong do liên quan đến COVID-19.
Trong ngày 26/6, đã có gần 3,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được thực hiện; trong đó, 155.488 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.
* Thủ tướng kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bình Dương và Đồng Nai
Sáng 27/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bình Dương.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chỉnh phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bình Dương cần áp dụng sáng tạo phương án phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay cho phù hợp. Đặc biệt, tỉnh vừa thực hiện cách ly xã hội, vừa tập trung sản xuất - kinh doanh tại chỗ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sớm đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bình Dương áp dụng mô hình tổ chức ăn ở, sản xuất tại chỗ, nhất là tại các khu công nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo Bình Dương khi có dịch xảy ra cần khẩn trương khoanh vùng dập dịch; đồng thời thay đổi cách ly cho phù hợp, nên nghiên cứu thí điểm cách ly diện F1 tại nhà. Thay đổi này quan trọng, nhưng chắc chắn phải triển khai làm đúng quy trình, đúng quy định. Việc này đã ban hành quy chế, quy định, tiêu chuẩn, nên Bình Dương nghiên cứu áp dụng. Mặt khác, việc cách ly tại nhà cần áp dụng qua điện thoại, qua phương tiện internet, thiết lập tư vấn hằng ngày; diễn tập cho người cách ly tại nhà và có cơ quan, đơn vị quản lý, giám sát...
Cũng trong sáng 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý bên cạnh các điều kiện, trang bị, vật tư phục vụ cho công tác điều trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần rút kinh nghiệm từ các trường hợp lây nhiễm chéo trong khu điều trị tại các bệnh viện trong thời gian qua, nhất là phải bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ quy trình điều trị cách ly, phòng, chống lây nhiễm cho đội ngũ nhân viên y tế.
Chiều cùng ngày, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Đồng Nai tiếp tục kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” - đây là điều rất khó, nhưng phải thực hiện được. Quá trình thực hiện “mục tiêu kép”, tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định lúc nào cần ưu tiên cho chống dịch, lúc nào ưu tiên phát triển kinh tế, thời điểm nào là phù hợp để vừa chống dịch, vừa sản xuất. Tới đây, dựa vào tình hình thực tế, Đồng Nai có thể triển khai các biện pháp khống chế dịch bằng cách phong tỏa hẹp, giãn cách rộng. Khi đã phong tỏa phải tiến hành xét nghiệm thần tốc bằng kháng nguyên nhanh, sớm phát hiện ca nhiễm bệnh để cách ly, đưa ra khỏi nhà máy, cộng đồng.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng cần xem xét thực hiện thí điểm cách ly tại nhà đối với các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng và các trường hợp F1 theo các tiêu chuẩn, hướng dẫn của Bộ Y tế; kiểm soát, quản lý chặt để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các khu cách ly tập trung; rà soát kỹ số lượng người lao động, người sử dụng lao động bị tác động bởi dịch COVID-19 để có hướng hỗ trợ.
Hướng dẫn cách ly tại nhà cho trường hợp F1
Ngày 27/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã kí văn bản số 5152/BYT-MT gửi tới UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc hướng dẫn thí điểm hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho trường hợp F1.
Theo đó, Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 cho các đối tượng thuộc diện F1 để UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn. Đối tượng áp dụng cách ly y tế tại nhà là những người được xác định tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 (F1). Yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị: Là nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập); trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19”.
Hướng dẫn cũng nêu rõ yêu cầu đối với nhà dùng để cách ly; người cách ly y tế tại nhà; cán bộ y tế; UBND cấp xã, phường đối với việc theo dõi, giám sát người cách ly các trường hợp F1 tại nhà.
- Bình Thuận: Thêm một huyện thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19
- Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh
- Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19
Không lơ là mất cảnh giác khi không có dịch
Ngày 27/6, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã kiểm tra, làm việc tại tỉnh Trà Vinh. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch bệnh đã đi qua; phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trà Vinh có đường bờ biển dài 65 km, có 1 cửa khẩu hàng hải tại huyện Duyên Hải. Vì vậy, lực lượng chức năng tỉnh Trà Vinh cần kiểm soát chặt tình trạng nhập cảnh trái phép; tuyên truyền, vận đồng ngư dân, các chủ tàu cá ký cam kết không vận chuyển đối tượng nhập cảnh trái phép. Đối với vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 thông qua tài liệu, pa nô… bằng chữ Khmer để đồng bào Khmer hiểu rõ và thực hiện đúng việc phòng, chống dịch.
TTXVN
Tags