(Thethaovanhoa.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, vừa qua, tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Giang phối hợp UBND huyện Hiệp Hòa tổ chức hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích An toàn khu II huyện Hiệp Hòa.
- Chính phủ giao Bắc Giang lập quy hoạch bảo tồn di tích chùa Bổ Đà
- Thủ tướng yêu cầu xem xét xếp hạng đường Trường Sơn là di tích quốc gia
- Di tích đền Quốc Mẫu Ngọc Trần tại Thanh Hóa: Chờ đánh thức sau 5 thập kỷ 'ngủ quên'
Tham dự có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa ở Trung ương, các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, đại diện các sở, ngành liên quan ở địa phương.
Hội thảo nhằm nhìn nhận, đánh giá toàn diện, đồng bộ những giá trị tiêu biểu của hệ thống di tích An toàn khu II huyện Hiệp Hòa; kết quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích thời gian qua; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, định hướng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích trước mắt cũng như lâu dài, gắn với công tác giáo dục lịch sử cách mạng cho các thế hệ hôm nay và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch bền vững của địa phương.
Qua hội thảo này làm tiền đề, cơ sở, chuẩn bị các nội dung cho việc xây dựng Hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với hệ thống di tích An toàn khu II huyện Hiệp Hòa trong thời gian tới.
Các tham luận tại hội thảo của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu đã tập trung đánh giá, phân tích các giá trị lịch sử văn hóa, cách mạng, cảnh quan sinh thái của hệ thống di tích An toàn khu II huyện Hiệp Hòa; đồng thời đưa ra một số giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử cách mạng này.
Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nêu một số lưu ý, kiến nghị nhằm tiếp tục bảo tồn khu di tích An toàn khu II Hiệp Hòa. Đó là, cần căn cứ vào đặc điểm của các di tích thuộc loại hình di tích lưu niệm về lịch sử cách mạng, đặc biệt là các khu nhà lưu niệm vốn là các ngôi nhà thuộc sở hữu tư nhân, đã trải qua vài chục năm với những thay đổi về chủ sở hữu, về sự thay đổi trong quá trình cải tạo, sửa chữa theo nhu cầu sử dụng.
Bảo tàng Bắc Giang phối hợp với huyện Hiệp Hòa tiếp tục đẩy mạnh việc sưu tầm tư liệu, hiện vật bổ sung cho hệ thống trưng bày; đồng thời triển khai việc xây dựng một sa bàn lớn trong khuôn viên Nhà trưng bày bổ sung của khu di tích.
Tỉnh Bắc Giang và huyện Hiệp Hòa cần chú trọng việc liên kết phát triển du lịch khai thác thế mạnh về lịch sử văn hóa địa phương, đặc biệt là với các di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia trong huyện Hiệp Hòa như đình Đông Lỗ, hệ thống di tích lăng đá, đình Đông Trước (Mai Đình), đình Vân Xuyên, đền Soi làng Vân Xuyên (Hoàng Vân), đình Xuân Biều (Xuân Cẩm)…
Theo Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Bắc Giang cần thực hiện việc tu bổ, tôn tạo các di tích xếp hạng An toàn khu II Hiệp Hòa đảm bảo tính nguyên vẹn, tôn trọng yếu tố gốc, sự bền vững, sự hài hòa của di tích với cảnh quan lịch sử - văn hóa của khu vực; huy động tối đa các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa, địa phương cần xây dựng các phim tài liệu ngắn, các tài liệu truyền thanh, các cuốn sách, tập gấp giới thiệu di sản văn hóa lịch sử cách mạng để tuyên truyền, quảng bá trong các lễ hội và bày bán tại các địa điểm di tích, nhà sách trong và ngoài tỉnh; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử văn hóa, về giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và lễ hội của huyện Hiệp Hòa…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Giang Nguyễn Sĩ Cầm cho rằng, quy hoạch tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích An toàn khu II Hiệp Hòa gắn với phát triển du lịch, nhất là du lịch về nguồn, nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế xã hội là hết sức cần thiết.
Công tác này cần được triển khai tích cực trong thời gian tới, trong đó cần xác định rõ các nội dung công việc cần làm, thứ tự ưu tiên, lộ trình thời gian cụ thể, làm cơ sở cho việc huy động có hiệu quả các nguồn lực cho việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, các công trình phụ trợ… phục vụ tham quan di tích.
Từ đầu năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tiến hành xây dựng An toàn khu II của Trung ương Đảng trên địa bàn các xã giáp ranh 3 huyện là Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang), Phổ Yên và Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên). Trong đó, trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, An toàn khu II của Trung ương Đảng là căn cứ đặc biệt, có vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo an toàn cho các cơ quan đầu não, cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng, đảm bảo cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Xử ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ được liên tục, thông suốt, kịp thời.
Căn cứ An toàn khu II huyện Hiệp Hòa nằm rải ở hai bên dòng sông Cầu, năm 2012 đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là An toàn khu II của Trung ương thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gồm 16 xã là Hoàng Vân, Hoàng An, Hoàng Thanh, Đồng Tân, Thanh Vân, Hoàng Lương, Thái Sơn, Hòa Sơn, Quang Minh, Hùng Sơn, Đại Thành, Hợp Thịnh, Mai Trung, Xuân Cẩm, Hương Lâm và Mai Đình.
Tiêu biểu trong hệ thống di tích An toàn khu II này là 7 di tích, địa điểm lịch sử đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1994, gồm Đền Soi, xã Hoàng Vân - địa điểm huấn luyện quân sự của cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa; địa điểm nhà ông Ngô Văn Thấu (Cụ Đồ Ba), xã Hoàng Vân - cơ sở cách mạng đầu tiên của An toàn khu II Hiệp Hòa; địa điểm nhà ông Ngô Văn Chế, xã Hoàng Vân - nơi mở lớp huấn luyện chính trị của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa (tháng 11 năm 1942); địa điểm nhà ông Ngô Văn Đông (Lý Đông), xã Hoàng Vân - địa điểm mở Hội nghị quân sự Bắc Kỳ lần thứ nhất từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 4 năm 1945; đình Xuân Biều - địa điểm mít tinh khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trong Cách mạng Tháng Tám 1945…
An toàn khu II Hiệp Hòa - Bắc Giang cũng là nơi nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho cán bộ cấp cao của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Ngô Thế Sơn, Nguyễn Trọng Tỉnh… đã về đây tuyên truyền, gây dựng phong trào cách mạng, được nhân dân che chở, bảo vệ an toàn.
Việt Hùng
Tags