(Thethaovanhoa.vn) - Bão số 13 cơn bão Vamco sẽ vào Biển Đông trong khoảng ngày 12/11, trở thành bão số 13 của Việt Nam trong năm 2020 với sức gió mạnh nhất đạt cấp 12, giật cấp 15.
Bão Vamco đi vào Biển Đông, Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa đến mưa to
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 1 giờ ngày 12/11, vị trí tâm bão Vamco ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 121,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam đảo Lu-dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.
Từ 1 giờ ngày 12/11 đến 1 giờ ngày 13/11, bão Vamco di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và đi vào Biển Đông. Đến 1 giờ ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông từ 1 giờ ngày 12/11 đến 1 giờ ngày 13/11 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0-18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 113,5-120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.
Từ 1 giờ ngày 13/11 đến 1 giờ ngày 14/11, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20 km. Đến 1 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140 km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.
Từ 1 giờ ngày 14/11 đến 1 giờ ngày 15/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 1 giờ ngày 15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115 km/giờ), giật cấp 14.
Từ 1 giờ ngày 15/11 đến 1 giờ ngày 16/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao hoạt động yếu dần, nên trong sáng 12/11, các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 20-40 mm, có nơi trên 40 mm. Sau mưa giảm dần. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1.
Trên biển, ngày và đêm 12/11, do ảnh hưởng của áp cao lục địa tăng cường nên ở Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 2,0-3,0 m. Khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3,0-5,0m. Riêng vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có mưa bão; gió mạnh dần lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, biển động dữ dội, sóng biển cao từ 4,0-6,0 m, vùng gần tâm bão 6,0-,9,0 m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1; riêng khu vực phía Đông của Bắc và Giữa Biển Đông cấp 3.
Các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo: Những người đi biển cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để phán đoán diễn biến thời tiết. Khi nhận được tin bão thì tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí và cường độ hướng di chuyển của bão mà thuyền trưởng cần kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão. Các thuyền trưởng cần điều khiển tàu, thuyền nhanh chóng tránh bão, luôn luôn giữ cho phương tiện của mình ở xa tâm bão một khoảng cách an toàn tối thiểu là từ 350-400 km (tương đương 200 hải lý).
Dự báo thời tiết các khu vực ngày và đêm 12/11: Phía Tây Bắc Bộ ít mây, đêm không mưa, ngày nắng. Gió nhẹ. Đêm và sáng sớm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 12-19 độ C, có nơi dưới 12 độ C; cao nhất 25-28 độ C, có nơi trên 28 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ có mây, đêm có mưa nhỏ vài nơi, ngày nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Đêm và sáng sớm trời lạnh, vùng núi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, vùng núi 15-18 độ C, có nơi dưới 15 độ C; cao nhất 25-28 độ C, có nơi trên 28 độ C.
Thủ đô Hà Nội có mây, đêm có mưa vài nơi, ngày nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C, cao nhất 25-28 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế nhiều mây, phía Bắc có mưa vài nơi; phía Nam (Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế) có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và có nơi có dông; riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế có mưa to đến rất to. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C, phía Nam có nơi trên 22 độ C; cao nhất 24-27 độ C, có nơi trên 27 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiều mây, phía Bắc (Đà Nẵng đến Quảng Ngãi) có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, riêng Đà Nẵng đến Bắc Quảng Ngãi có mưa to đến rất to; phía Nam có mưa rào và dông vài nơi. Gió Bắc đến Đông Bắc cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C; cao nhất 25-28 độ C, có nơi trên 28 độ C; phía Nam 28-31 độ C.
Khu vực Tây Nguyên có mây, có mưa rào và dông vài nơi. Gió Đông Bắc cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C; cao nhất 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C.
Khu vực Nam Bộ có mây, có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối và tối 12/11 có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió Tây đến Tây Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, cao nhất 29-32 độ C.
Bão số 13 cập nhật chiều 11/11
Hồi 13 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông, cách phía Nam đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) khoảng 200km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, và có khả năng mạnh thêm. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào biển Đông. Đến 13 giờ ngày 12/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 13 giờ ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 13 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.
Bão Vamco vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 13
Sáng 11/11, tại Hà Nội, ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chủ trì cuộc họp về việc ứng phó với hoàn lưu bão số 12 và theo dõi diễn biến bão số 13.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm nhận định, cơn bão Vamco sẽ vào Biển Đông trong khoảng ngày 12/11, trở thành bão số 13 của Việt Nam trong năm 2020 với sức gió mạnh nhất đạt cấp 12, giật cấp 15.
Dự báo, bão số 13 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ trong khoảng các ngày 14-15/11.
Cụ thể, hồi 7 giờ ngày 11/11, bão số 13 có vị trí ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 124,5 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 300km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Đến 19 giờ ngày 11/11, bão số 13 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, có khả năng mạnh thêm.
Từ 19 giờ ngày 11/11 đến 7 giờ ngày 12/11, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào biển Đông, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 119,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 810 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.
Từ 7 giờ ngày 12/11 đến 7 giờ 13/11, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km; vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 115,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Từ 7 giờ ngày 13/11 đến 7 giờ ngày 14/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 7 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Từ 7 giờ ngày 14/11 đến 7 giờ ngày 15/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.
Cảnh báo lũ khẩn cấp từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 11-12/11, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm. Tỉnh Hà Tĩnh và phía Nam Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 100mm.
Từ 8-14 giờ ngày 11/11, các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 150mm. Các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có mưa với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 100mm. Khu vực Tây Nguyên phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Dự báo, tình hình mưa lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên diễn biến phức tạp. Lũ trên sông Kôn (Bình Định) đang dao động ở mức đỉnh, lũ trên các sông khác từ Quảng Trị đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên đang lên, các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa đang xuống.
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt là tại các huyện Đắkrông, Hướng Hóa (Quảng Trị); A Lưới, Phong Điền, Nam Đông (Thừa Thiên-Huế); Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Quế Sơn, Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn, Phú Ninh (Quảng Nam); Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây (Quảng Ngãi); An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Vân Canh, Phù Cát, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước (Bình Định); Đồng Xuân, Sông Cầu, Sơn Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa ( Phú Yên); Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa); Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plong, Sa Thầy, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Ia H’Drai, Đắk Tô, Đắk Hà (Kon Tum); Krông Cho, Krông Pa, Ayun Pa, Phú Thiện, Chư Pưh, Đắk Pơ, IaPa, Chư Prông, Chư Sê, Kbang, An Khê, IaGrai, Đức Cơ, Chư Păh, Đắk Đoa, Mang Yang (Gia Lai); M’Đrắk, Krông Bông, Ea Kar, Cư Kuin, Krông Pắk, Lắk, Buôn Ma Thuột, Krông Ana, Krông Năng, Cư M’Gar, Ea H’leo, Krông Búk, Buôn Đôn, Ea Súp (Đắk Lắk).
Tình trạng ngập lụt sâu diện rộng diễn ra ở vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, đặc biệt tại Phú Lộc, Hương Trà (Thừa Thiên-Huế); Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, các thành phố Tam Kỳ, Hội An (Quảng Nam); Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi); Vân Canh, Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão, Phù Cát, thành phố Quy Nhơn (Bình Định); thành phố Tuy Hòa, Tuy An, Sơn Hòa, Tây Hòa, Đồng Xuân, Đông Hòa, Sông Cầu (Phú Yên); Vạn Ninh, Ninh Hòa (Khánh Hòa). Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cấp 3
Các chuyên gia hướng dẫn, người dân sống ở vùng núi phải thường xuyên chú ý, quan sát xung quanh nơi ở để sớm phát hiện các dấu hiệu sạt lở như vết lún, vết nứt trên mặt đường, tường nhà, cây cối nghiêng dần, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... cần chạy nhanh ra khỏi khu vực sạt lở, tuyệt đối không đi qua các khu vực đã sạt lở vì vẫn tiềm ẩn khả năng tiếp tục sạt lở.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thì lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần nhanh chóng di chuyển đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.
Dự báo thời tiết các khu vực từ ngày 11-20/11
Khu vực Bắc Bộ từ 11-15/11, đêm không mưa, ngày nắng, từ đêm 15-17/11, có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ ngày 18-20/11, có mưa vài nơi, trưa chiều trời nắng. Đêm và sáng sớm trời lạnh.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên- Huế ngày 11-12/11 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; riêng Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vài nơi. Ngày 13/11 có mưa rào và dông vài nơi. Ngày 14-15/11, phía Bắc có mưa vài nơi; phía Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Ngày 15/11 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Ngày 16/11, phía Bắc có mưa, mưa vừa và dông; phía Nam có mưa rải rác. Từ ngày 17-20/11, có mưa rào và dông vài nơi, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận ngày 11-12/11 phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; phía Nam có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Ngày 13/11, có mưa rào và dông vài nơi. Ngày 14-15/11, phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; phía Nam có mưa rào và dông vài nơi, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ ngày 16-20/11, có mưa rào và dông vài nơi.
Tây Nguyên ngày 11/11 đêm có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, ngày có mưa rải rác và có nơi có dông. Từ ngày 12-20/11 có mưa rào và dông vài nơi; riêng ngày 14-15/11 phía Bắc có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Nam Bộ từ ngày 11-20/11 có mưa rào và dông vài nơi; riêng từ ngày 16-19/11 chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Theo dõi chặt diễn biến bão số 13 và hoàn lưu mưa sau bão số 12
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận yêu cầu Văn phòng thường trực phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia theo dõi chặt diễn biến bão số 13, hoàn lưu sau bão số 12, kịp thời đề xuất các phương án để chỉ đạo, điều hành việc ứng phó bão, mưa lũ hiệu quả, sát diễn biến thực tế; ban hành kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, truyền thông.
Phó Chánh Văn phòng Phạm Đức Luận yêu cầu lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền, hướng dẫn, thông báo cho tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của cơn bão 13 để chủ động phòng, tránh.
Cùng với đó, các đơn vị chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục duy trì lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở; tăng cường cảnh báo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, đồng thời tiếp tục khắc phục hậu quả mưa, bão đợt vừa qua; khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là tại các khu vực bị lũ quét, sạt lở đất và những nơi trũng, thấp còn bị ngập lụt, chia cắt.
Nhóm P.V
Tags