(Thethaovanhoa.vn) - Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, theo nhận định của Trung tâm thì cường độ của bão số 2 không mạnh lên, bão số 2 đang ở vị trí thấp hơn so với huyện đảo Bạch Long Vĩ.
Thời điểm bão số 2 đi vào đất liền là vào khoảng từ 4-7 giờ sáng 4/7 (khu vực trọng điểm bão đi vào sẽ là Hải Phòng và phía Bắc của Thanh Hóa) với cường độ gió mạnh cấp 6, một số khu vực ven biển có thể có gió giật cấp 7-8, có nơi cấp 9.
Do ảnh hưởng của bão, trong đêm 3/7, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An và phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh sẽ có mưa vừa, mưa to thậm chí mưa rất to.
- Bão số 2 giật cấp 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chủ động mọi phương án ứng phó với bão số 2
"Điều đáng lo ngại là khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh những ngày tháng 6 vừa qua đã trải qua nắng nóng kỷ lục (từ ngày 3/6 – 1/7), thêm vào đó tại Nghệ An và Hà Tĩnh đã xảy ra cháy rừng. Khi mưa lớn xảy ra sẽ làm kết cấu đất trong những ngày nắng nóng bị phá vỡ dễ dẫn đến hiện tượng lũ bùn, lũ ống và lũ quét ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh". Ông Hưởng lưu ý.
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ trong đêm 3, sáng 4/7 có mưa vừa, có nơi mưa to. Nhân dân ở các khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn cần lưu ý đến hiện tượng dông lốc. Đề phòng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở khu vực Sơn La và Hòa Bình.
Dự báo về cơn bão số 2:
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 3/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 80 km về phía Nam, cách đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định khoảng 180 km về phía Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 110 km tính từ tâm bão.
Trạm Bạch Long Vĩ và trạm Cô Tô đã quan trắc được gió giật mạnh cấp 9, trạm Văn Lý (Nam Định) và trạm Cửa Ông (Quảng Ninh) đã có gió giật mạnh cấp 8. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đã có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 50-120 mm/12 giờ, có nơi trên 150 mm/12 giờ).
Từ 19 giờ ngày 3/7 đến 19 giờ ngày 4/7, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ.
Đến 19 giờ ngày 4/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.
Khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa tối 3/7 có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; từ đêm 3/7 đến sáng 4/7 có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão là cấp 3.
Dự báo, từ đêm 3/7 đến chiều 4/7, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150 mm/24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ); các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 150-200 mm/24 giờ, có nơi trên 250 mm/24 giờ). Từ đêm 4/7 mưa giảm ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Từ đêm 3/7 đến sáng 5/7, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150 mm/24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ); vùng núi Bắc Bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100 mm/ 24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ).
HL -TTXVN
Tags