|
Theo số liệu của Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội, tính từ 1/12/2010 cho tới 30/11/2011, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 40 vụ cháy phương tiện, trong đó có 11 vụ cháy xe máy. Theo ghi nhận của phóng viên, Hà Nội là địa phương có nhiều vụ cháy xe máy nhất trong cả nước. Đáng chú ý đã có tới 7/11 vụ cháy, chủ nhân đã bỏ đi khi chiếc xe đang bốc cháy đùng đùng, mặc kệ cho người dân cùng lực lượng chức năng loay hoay chữa cháy.
Thêm một xe máy Attila bốc cháy Khoảng 11 giờ trưa 14/12, trên phố Cao Thắng, P.Lam Sơn, TP.Thanh Hóa một chiếc xe máy hiệu Attila Elizabeth màu trắng, biển kiểm soát 36N2-8810, bất ngờ bốc cháy. Rất may ngọn lửa đã nhanh chóng được khống chế. Tại hiện trường, chiếc xe máy bị cháy sém một ít phần nhựa, có mùi khét... Sau khi nhận được tin báo, Công an P.Lam Sơn đã có mặt tại hiện trường để lấy lời khai của chủ xe và giải quyết vụ việc. Chị Lưu Kim Chung (36 tuổi, làm ở tiệm cắt tóc Thống Nhất, số 96 Cao Thắng) - chủ chiếc xe máy nêu trên - cho biết: "Khoảng 11 giờ trưa 14.12, sau khi đi công việc trên phố về, tôi dựng xe máy trước cửa tiệm. Vừa bước vào nhà, nhìn quay ra thì thấy từ phía dưới yên chiếc xe máy bốc khói, có ngọn lửa. Tôi hoảng hốt kêu mọi người xung quanh đến dập lửa. Chiếc xe này tôi mua năm 2007”. |
Trả lời phóng viên chiều qua, đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở PCCC TP.Hà Nội cho biết trong các vụ cháy xe máy, lực lượng thuộc sở này chỉ chữa cháy là chính còn việc điều tra nguyên nhân không hề đơn giản. “Chúng tôi phải phối hợp với các đơn vị kỹ thuật hình sự, công an các quận huyện, và nhiều đơn vị chức năng khác. Tuy nhiên vẫn rất khó xác định nguyên nhân. Thứ nhất, tại hiện trường hầu như không còn gì ngoài chiếc xe bị cháy trơ khung. Thứ hai, các chủ xe bị cháy không hợp tác, đa số đều là xe cũ, trải qua nhiều đời chủ nên việc xác minh mất rất nhiều thời gian, thủ tục. Cho đến nay, nhiều vụ việc vẫn chưa rõ được vì đang chờ kết luận của đơn vị giám định kỹ thuật hình sự”, ông Thiều cho biết.
Trước câu hỏi liệu có sự tác động của kẻ thứ 3 nhằm mục đích nào đó như hãm hại các chủ xe, hay phá hoại, cạnh tranh không lành mạnh, ông Thiều cho rằng đây là những vấn đề nhạy cảm, không thể suy đoán mà phải chờ kết luận của cơ quan chức năng.
Hôm qua, một cán bộ có trách nhiệm của Công ty Honda Việt Nam bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên vì hiện tượng chủ xe bỏ đi ngay khi xe bị cháy, đây có phải là hiện tượng không bình thường?”.
Theo đại tá Thiều, trước việc hàng loạt vụ cháy xe máy xảy ra trong thời gian gần đây, lãnh đạo Công an TP đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung điều tra làm rõ.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, hôm qua cũng cho biết rất quan ngại về tình trạng các vụ xe máy phát cháy liên tục, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng trong việc sử dụng cũng như bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa xe. Cũng theo ông Tuấn, dù trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy xe nhưng đến nay chỉ có vụ cháy xe ở Bắc Ninh là chủ xe có liên lạc đề nghị hội lên tiếng bảo vệ.
Rà soát quy trình sản xuất xe máy của các hãng Ông Đỗ Hữu Đức, Cục phó Cục Đăng kiểm VN, Bộ GTVT cho biết cơ quan này sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra định kỳ toàn bộ chất lượng, an toàn dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy. Tính đến thời điểm này, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy duy nhất lên tiếng về các vụ xe máy cháy là Honda, nhưng doanh nghiệp này cho rằng, dù đã thực hiện nhiều cuộc điều tra nội bộ, nhưng chưa phát hiện ra lỗi trên sản phẩm. |