Trong ngày hôm qua (9/8), kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, một số đại biểu đã đưa ra nhiều vấn đề nổi cộm mà Đà Nẵng chưa thể giải quyết dứt điểm.
Liên quan đến báo cáo của Đại biểu Lê Thanh Hải - Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng về tình hình tội phạm trên địa bàn TP, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh thẳng thắn nêu thực tế: “Tôi thấy họ đi ngông nghênh trên đường, xăm trổ, coi người khác như rơm rạ, sẵn sàng gây gổ đánh nhau. Một số đối tượng chẳng e ngại ai cả, thích gây gổ, đánh nhau. Họ đi đến nơi công cộng coi trời bằng vung. Tôi đã từng tận mắt chứng kiến. Họ hoạt động đâm chém, cho vay nặng lãi, bắt cóc tống tiền, bảo kê, tổ chức cá độ, bài bạc…”.
Bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh (trái) và Phó Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung chủ tọa kỳ họp thứ 2 HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX.
“Những đối tượng này coi trời bằng vung, không coi ai ra gì. Thành phố đáng sống gì mà xã hội đen đi nhan nhản ngoài đường? Dứt khoát Đà Nẵng không để xuất hiện băng nhóm nhưng hiện đã có. Tình trạng băng nhóm của Đà Nẵng xuất hiện và các địa phương khác đến đây hoạt động. Nếu công an và cả hệ thống chính trị không làm nghiêm để Đà Nẵng trở thành mảnh đất của tội phạm băng nhóm thì sẽ tan nát hết những gì đã từng dày công xây dựng”, Bí thư Xuân Anh bức xúc nói thêm.
Đại biểu Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện Đà Nẵng có 22 dự án đầu tư nước ngoài chậm triển khai, trong đó có 14 dự án ven biển và 8 dự án ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, việc thực hiện thu hồi dự án cần phải trải qua nhiều quy trình đúng theo quy định của pháp luật. Hiện nay, hầu hết các dự án chậm triển khai đã gia hạn tiến độ và thực hiện triển khai lại, nếu sau 24 tháng gia hạn nhưng vẫn chậm tiến độ xin thành phố chấm dứt hợp đồng.
Hơn bao giờ hết, vấn đề xây dựng các dự án ven biển Đà Nẵng được người dân và các đại biểu đặc biệt quan tâm, không chỉ bởi bãi biển đẹp mà Đà Nẵng còn có một vị trí địa lý - quân sự đặc biệt. Từ khi TP. Đà Nẵng xúc tiến đầu tư du lịch, cho phép các dự án đầu tư từ nước ngoài xây dựng ven biển đến nay đã mọc lên hàng trăm dự án. Tuy nhiên, trong hàng chục dự án chậm triển khai, đến nay TP chỉ mới thu hồi một dự án ven biển, những dự án treo khác đã kéo dài hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác và không biết đến bao giờ mới được giải quyết dứt điểm.
Đáng nói hơn, ngành du lịch Đà Nẵng sau vụ chìm thuyền xảy ra đầu tháng 6/2016 đã lộ ra những khoảng trống, cho thấy còn tồn tại nhiều vấn đề trong cách quản lý, điều hành, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.
Vụ chìm tàu Thảo Vân trên sông Hàn đầu tháng 6 là tiếng chuông cảnh báo cho ngành du lịch Đà Nẵng.
Lo cho sức hút của thành phố
Bà Phan Thị Thuý Linh, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách TP cho biết, tình hình phát triển kinh tế TP đang có những dấu hiệu đáng quan tâm. Cụ thể, "Đến nay, sau 20 năm trực thuộc trung ương, nền kinh tế TP vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD còn rất ít, đầu tư nước ngoài giảm 4,3 triệu USD. Thành phố đã cố gắng để cải thiện môi trường đầu tư nhưng kết quả thu hút đầu tư nhất là đầu tư nước ngoài vẫn chưa đạt yêu cầu. Trong 22 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư trong sáu tháng đầu năm với tổng vốn đăng ký chỉ 10 triệu USD, trong khi đó điều chỉnh một dự án giảm vốn đến 14,3 triệu USD" - Bà Linh cho biết.
Tuy nhiên, những chỉ số ấy chưa phản ánh được tiềm năng du lịch của TP. Đà Nẵng cũng như khó có thể duy trì được sự phát triển bền vững cho ngành du lịch Đà Nẵng, nếu không có một cuộc cách mạng về du lịch. Đặc biệt là tình trạng an ninh như ông Xuân Anh đã nói, thật khó cho Đà Nẵng trên đường thực hiện giấc mơ “thành phố đáng sống”.
Tòa nhà 22 tầng lại gây “nhức đầu” Tại buổi chất vấn chiều ngày 10/8, Đại biểu Trần Công Thành – Thượng tá, Phó tham mưu Trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng đã hỏi Sở Xây Dựng liên quan đến việc xây dựng khách sạn 22 tầng và Nhà trưng bày Hoàng Sa, “Quan điểm của Sở Xây Dựng như thế nào mà xây tòa nhà 22 tầng bên cạnh Nhà trưng bày Hoàng Sa cao 18m?”. Trước chất vấn của Đại biểu Trần Công Thành, ông Vũ Quang Hùng – Giám đốc Sở Xây Dựng lý giải, khách sạn (KS Grand Gold) được cấp phép xây dựng từ năm 2006 với 18 tầng, theo Bộ Quốc Phòng chỉ được xây từ 15 – 20 tầng thì vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Trong khi đó, Nhà trưng bày Hoàng Sa được chính quyền TP. Đà Nẵng cấp phép xây dựng từ năm 2013 và việc thi công của khách sạn này không ảnh hưởng đến Nhà trưng bày Hoàng Sa. Tại phiên họp, nhiều đại biểu còn phân tích kỹ hơn, việc Nhà trưng bày Hoàng Sa chỉ cao 18m trong khi tòa nhà 22 tầng rõ là đang bị “đè”. Tuy nhiên, chính quyền Đà Nẵng chưa bình luận gì về vấn đề này. |
Tags