(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/9, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn đối tác và chuyên gia quốc tế về các định hướng chính sách lớn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Thông báo về môi trường vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đến các đối tác quốc tế dự hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, chất lượng không khí, môi trường ngoài Công ty đã ở ngưỡng an toàn. Đây là sự cố cháy nổ ở mức độ cơ sở, chủ doanh nghiệp và địa phương đã trực tiếp ứng phó. Các cơ quan chức năng đã khẩn trương triển khai các giải pháp xử lý sau sự cố, thăm khám và theo dõi sức khỏe người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hỗ trợ thành phố Hà Nội thực hiện khảo sát, đánh giá phạm vi và mức độ ô nhiễm để yêu cầu thu gom, xử lý các chất thải nguy hại phát sinh do vụ cháy; hướng dẫn các phương án tiêu độc, xử lý, cải tạo khu vực bị ô nhiễm…
Luật Bảo vệ môi trường 2014 được Quốc hội thông qua đã hơn 5 năm, việc triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tích cực và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, điển hình là hội nhập quốc tế về kinh tế. Tuy vậy, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, trước những cơ hội và thách thức liên quan đến hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo vệ môi trường cần được nghiên cứu và điều chỉnh, cụ thể là trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 để phù hợp với tình hình và điều kiện hiện tại, đáp ứng xu thế và tiến trình phát triển của đất nước trong tương lai. Luật sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2020.
Gợi ý cách tiếp cận, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm tổng hợp tại Việt Nam, theo ông Norihiko Inoue (Công ty trách nhiệm hữu hạn quốc tế Nippon Koei Việt Nam), cần đơn giản hóa và làm rõ phân cấp hệ thống luật bằng cách xác định lại chức năng giữa đánh giá tác động môi trường với ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm tổng hợp; tăng cường chế độ quy định có định hướng mục tiêu; tiếp cận đa hướng về ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm tổng hợp trong việc đảm bảo tuân thủ việc cải thiện, sắp xếp lại các công cụ ra lệnh-kiểm soát từ các cơ quan có thẩm quyền theo chiều từ trên xuống dưới; thiết lập, tăng cường cơ chế đảm bảo tuân thủ từ các doanh nghiệp theo chiều từ dưới lên trên; thúc đẩy tuân thủ bằng việc tiếp cận ngoài pháp lý, như chia sẻ lợi ích giữa các bên, gồm cơ quan có thẩm quyền, người dân, nhà máy…
- Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông: Yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẩn trương làm rõ phạm vi, giới hạn khu vực và mức độ ô nhiễm
- Rạng Đông phải chịu trách nhiệm gì sau vụ cháy khiến dân 'di cư'?
- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý hậu quả vụ cháy Rạng Đông
Chia sẻ về kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) ở Đức, ông Joerg Rueger, Thư ký thứ nhất về vấn đề môi trường, bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân (Đại sứ quán Đức tại Việt Nam) cho biết, BAT là một khái niệm năng động dựa trên và thúc đẩy sự cải tiến liên tục trong hoạt động môi trường để cải thiện chất lượng cuộc sống ở các khu vực liên quan. Kỹ thuật tốt nhất không những áp dụng các công nghệ cụ thể; vệ sinh tốt, bảo trì, kiểm soát đầu vào, mà còn là một hệ thống giám sát phù hợp đối với phát thải có liên quan như là phương tiện hiệu quả để giảm phát thải và cải thiện hiệu quả sản xuất. Để đạt được những cải tiến thực sự, các yêu cầu giấy phép như giá trị giới hạn phát thải cần phải được bổ sung bằng cách theo dõi, kiểm tra và khuyến khích thực thi đầy đủ.
Đại diện Ngân hàng Thế giới, Tiến sĩ Nguyễn Quang Sơn đã phân tích, so sánh giữa yêu cầu của Ngân hàng Thế giới và yêu cầu của các quốc gia về đánh giá quản lý rủi ro và tác động môi trường - xã hội đưa ra khuyến nghị: Chính phủ Việt Nam có thể nhân cơ hội triển khai khung môi trường xã hội của Ngân hàng Thế giới để tiếp tục cải thiện về quản lý môi trường và xã hội cho các dự án đầu tư công trong nước. Chính phủ cần tập trung vào các yếu tố gây hạn chế năng lực của các bên liên quan trong việc triển khai khung pháp luật hiện hành…
Minh Nguyệt/TTXVN
Tags