Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Vấn đề quản lý xã hội nói chung và thực hiện đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính nói riêng là những vấn đề không chỉ liên quan đến khoa học xã hội mà còn liên quan đến lĩnh vực khoa học tự nhiên, trong đó có toán học cao cấp. Ứng dụng toán học cao cấp vào việc giải quyết các thủ tục hành chính đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và đem lại hiệu quả cao, bảo đảm sự tính toán lâu dài, bền vững và ổn định.
Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp giao Bộ Tư pháp chủ trì đề án. Tuy nhiên, để đề án được triển khai thành công, mang lại hiệu quả thiết thực chỉ sử dụng kiến thức về quản lý xã hội là chưa đủ, cần nghiên cứu, tìm tòi và có lộ trình hợp lý.
Với lý do đó, Bộ Tư pháp mong muốn nhận được sự hợp tác của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán nhằm sớm đưa đề án vào thực hiện.Nhận lời mời hợp tác trong triển khai thực hiện Đề án, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết: Mặc dù lĩnh vực toán học cao cấp không liên quan trực tiếp đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cấu trúc của mã số định danh cá nhân.
Tuy vậy, với vai trò là Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu toán cao cấp, Giáo sư Ngô Bảo Châu đánh giá cao tính khả thi của Đề án.
Giáo sư cho rằng, khó khăn trước mắt của các nhà toán học là phải hiểu rõ cơ chế cấp mã số; xây dựng thuật toán thích hợp với yêu cầu của Nhà nước; dự kiến cấu trúc dữ liệu; phương pháp nhập liệu; độ dài mã số thích hợp, ổn định…Giáo sư Ngô Bảo Châu khẳng định: Viện sẽ tổ chức nhiều nhóm nghiên cứu chuyên sâu; trao đổi thường xuyên với Bộ Tư pháp thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm... Qua đó, nhóm nghiên cứu của Viện sẽ chọn ra cách làm và những mô hình khả thi nhất, thích hợp nhất với điều kiện của Việt Nam.
Mục tiêu của Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013- 2020 nhằm tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý Nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thông lệ quốc tế.Đề án góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống - xã hội; đồng thời phát triển Chính phủ điện tử.