Các trường đại học nghệ thuật được tiếp tục tuyển sinh trung cấp, cao đẳng đặc thù

Thứ Ba, 20/04/2021 22:37 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Công văn số 2663/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đào tạo đặc thù, chuyên sâu trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc đào tạo trung cấp, cao đẳng trong các trường đại học và học viện thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tiếp tục tuyển sinh, đào tạo trình độ trên mang tính đặc thù kết hợp giữa đào tạo nghệ thuật với đào tạo văn hóa.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học 2021

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học 2021

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh Đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021.

Vừa qua, nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật bậc đại học đã “kêu cứu” khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 quy định các cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nữa, trong khi đó, muốn đào tạo tài năng nghệ thuật thì buộc phải đào tạo từ sơ cấp, qua trung cấp, rồi mới tiến tới cao đẳng, đại học.

Trường đại học nghệ thuật, Đại học nghệ thuật được tuyển sinh trung cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, đào tạo nghệ thuật, đào tạo văn hóa
Ảnh minh họa

Với quy định trên, những trường có truyền thống đào tạo các tài năng nghệ thuật bị đứt khâu đào tạo trung cấp sẽ kéo theo cả một lỗ hổng lớn về đào tạo nhân lực, gây xáo trộn, làm gián đoạn nhiệm vụ đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã được Chính phủ giao cho các trường theo đề án “Ðào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030” theo Quyết định số 1341/QÐ-TTg ngày 8/7/2016. Theo đề án này, các cơ sở có uy tín và năng lực được lựa chọn để tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo tài năng các lĩnh vực âm nhạc, múa, sân khấu ở các trình độ trung cấp và đại học.

Vấn đề đặt ra là các bộ, ban, ngành liên quan cần xây dựng cơ chế đặc biệt để áp dụng đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật, sao cho vừa bảo đảm quy định, chất lượng đào tạo, vừa phù hợp những đòi hỏi từ thực tiễn đào tạo. Nếu không tính tới yếu tố đặc thù, mà cứ áp dụng một cách cứng nhắc như các ngành nghề đào tạo kỹ thuật, sẽ dẫn đến nguy cơ đánh mất nguồn nhân lực chất lượng cao, không đáp ứng được nhiệm vụ bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc.

Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến của các bộ, ngành liên quan về một số khó khăn, vướng mắc trong việc đào tạo trung cấp, cao đẳng trong các trường đại học và học viện thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương tổng kết, đánh giá việc đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; làm rõ những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan, đề xuất với Chính phủ sớm ban hành nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn trong quý IV/2021.

Đồng thời, Bộ Lao động  - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thuộc các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tuyển sinh, đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng mang tính đặc thù kết hợp giữa đào tạo nghệ thuật với đào tạo văn hoá cho đến khi nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được cấp có thẩm quyền ban hành.

Ðây là động thái mở ra nhiều hy vọng cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật đặc thù, giúp tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ, nhưng linh hoạt, đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn đào tạo tài năng nghệ thuật.

Hiền Hạnh - TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›