Tuy nhiên cho tới thời điểm này, sau gần một năm, tình trạng người dân hút thuốc tại nơi công cộng và chỗ đông người vẫn không có chiều hướng thuyên giảm là bao.
Tại Hà Nội, ở các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình và tại nhiều địa điểm khác trên địa bàn thành phố tình trạng người hút thuốc lá vẫn tràn lan mà không thấy có ai bị xử phạt.
(Nguồn: báo Pháp Luật)
Thực trạng này là do nhiều nguyên nhân, không nên đổ lỗi hết cho ý thức của những người hút thuốc lá. Dường như tại các địa điểm quy định cấm hút thuốc, người ta còn rất mơ hồ về vấn đề ai có đủ thẩm quyền được xử phạt người hút thuốc và phạt như thế nào?
Bác Nguyễn Trọng, quê ở Thanh Chương, Nghệ An là khách đang chờ xe tại bến xe Giáp Bát, trên tay cầm điếu thuốc còn cháy dở, ái ngại nói: “Khổ lắm, cũng biết là cấm hút thuốc, cũng muốn không hút lắm nhưng nhiều người bán thuốc quá, chỗ nào cũng thấy thuốc lá, thèm quá, không thể nhịn được phải hút thôi”. “Nếu như không còn thấy ai bán thuốc lá thuốc lào nữa tôi sẽ bỏ được, không hút thuốc nữa”. Đó là lời của anh Vũ Văn Minh, sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội.
Thật vậy, các quán nước với trà đá và thuốc lá, thuốc lào mọc lên khắp nơi chẳng khác gì “mỡ treo miệng mèo” đối với những người nghiện thuốc lá. Chị Hậu, một người bán thuốc lá rong lâu năm ở bến xe, bực tức khi bị chúng tôi hỏi về vấn đề này. Chị bảo:“Cấm hút chứ có cấm bán đâu mà không cho chúng tôi bán”. Nói rồi vẫn vô tư chào mời khách mua thuốc lá của mình. Một anh bán báo tại bến xe Mỹ Đình nhưng cũng không quên bán thêm thuốc lá để kiếm thêm chút lời.
Vậy, nên chăng, cần có thêm điều khoản “Cấm bán thuốc lá, thuốc lào” bên cạnh điều khoản “Cấm hút thuốc lá” tại nơi công cộng, chỗ đông người. Và hai cái biển này nên treo song song với nhau.