Cấp cứu kịp thời trường hợp bị sock phản vệ sau tiêm vaccine Covid-19

Thứ Hai, 10/05/2021 19:10 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, ngày 10/5, một trường hợp bị sốc phản vệ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 của Astra Zeneca đã xảy ra trên địa bàn thành phố.

Cập nhật tình hình dịch Covid-19 mới nhất: Thêm 31 ca ghi nhận trong nước

Cập nhật tình hình dịch Covid-19 mới nhất: Thêm 31 ca ghi nhận trong nước

Bản tin sáng 10/5 của Bộ Y tế cho biết 12h trôi qua có thêm 80 ca mắc COVID-19, trong đó 2 ca nhập cảnh đã cách ly ngay; 78 ca ghi nhận tại cộng đồng. Việt Nam hiện có 3.412 bệnh nhân, thế giới đã ghi nhận trên 158,9 triệu ca.

Đó là nữ điều dưỡng 31 tuổi của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng). Người này không có tiền sử dị ứng, đã được khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng. Sau khi tiêm, bệnh nhân bị ù tai, khó thở, đã được xử trí chống sốc theo đúng phác đồ và sau đó được cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng). Hiện tại, bệnh nhân đang an thần thở máy, huyết động ổn định nhờ các thuốc vận mạch.

Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Lê Đức Nhân cho biết, trường hợp nữ điều dưỡng có phản ứng sock phản vệ rất nhanh. Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, dùng bất kỳ loại thuốc nào cũng có tỉ lệ phản vệ đầu tiên, thậm chí cả những người trước đây chưa có tiền sử dị ứng, nhưng đây là kháng nguyên mới nên đương nhiên sẽ xảy ra phản vệ đầu tiên. Qua theo dõi quá trình tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng, mọi người đều có những phản ứng ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có 8 trường hợp sock phản vệ nhẹ, riêng với nữ điều dưỡng trên xảy ra hiện tượng sock phản vệ nặng.

Chú thích ảnh
Ảnh TTXVN

Theo Bộ Y tế, các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn. Người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. 

Quy định khám sàng lọc trước khi tiêm chủng 

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca, nhằm phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng để bảo đảm an toàn theo tinh thần của Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID -19.

Theo đó, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vaccine. Sau khám sàng lọc các bác sĩ cần chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện; hoãn tiêm chủng cho những trường hợp có các yếu tố phải trì hoãn; chuyển tiêm và theo dõi tại bệnh viện cho những trường hợp có các yếu tố cần thận trọng và không chỉ định tiêm cho những người có chống chỉ định.

Các đối phải tượng phải trì hoãn tiêm chủng gồm: Đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan; trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người mắc COVID-19; tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước; đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; người trên 65 tuổi; giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu.

Các đối tượng phải được khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng trong bệnh viện gồm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg, huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg, nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có).

Hướng dẫn cũng nêu rõ, chống chỉ định tiêm vaccine đối với người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên tại lần tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vaccine.

Nhân viên y tế làm nhiệm vụ khám sàng lọc phải được tập huấn chuyên môn về khám sàng lọc trước khi thực hiện công việc. Các phương tiện khám sàng lọc gồm: nhiệt kế, ống nghe, máy đo huyết áp, máy đo SpO2 (nếu có), bảng kiểm khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID -19. Đối tượng tiêm chủng nếu đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được tư vấn và ký giấy cam kết đồng ý tiêm chủng.

Văn Dũng - TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›