1. Chiều 4/12, tài xế Hồ Kim Hậu (quê Bình Định) đã lái chiếc xe tải chở khoảng 1.400 két bia lon và 100 két bia chai từ TP HCM tới Bình Thuận. Do sự cố, nên lúc ôm cua ở vòng cua Tam Hiệp, 90% số bia trên xe đã văng xuống đường.
Thấy bia rơi, hàng trăm người đi đường đã ập tới “hôi của”. Mặc sự van xin của tài xế, nhiều người còn leo cả lên thùng xe lấy bia. Sau 30 phút, ngoài khoảng 10% số bia còn lại trên xe, tất cả số bia lon rơi xuống đường đều được “dọn sạch”.
“Cơn bão hôi bia” quét qua để lại trên đường sự hoang tàn của những vỏ chai vỡ vụn cùng người tài xế đứng chết lặng.
Sau “cơn bão hôi bia” là một loạt “hoàn lưu sau bão” dậy sóng trên khắp các trang báo. Cảm giác chung là thấy xấu hổ!
Hình ảnh đáng buồn ở Đồng Nai ngày 4/12
Không những làm ngập tràn trên các mặt báo nước nhà, các kênh truyền hình quốc tế cũng chú tâm tới hình ảnh kỳ cục này của người Việt. Ngày 9/12, kênh truyền hình RenTV của Nga có phát đoạn phóng sự về vụ việc “hôi bia” ở Đồng Nai với những lời bình luận: Ở Việt Nam, bất hạnh chỉ là của một người, còn đám đông với những người luôn trực chờ cơ hội đã ập vào lấy những lon bia ngay khi chiếc xe tải gặp sự cố. Ở đây, cái gì bạn đánh rơi coi như là mất!
Trước đó, hình ảnh “người Việt Nam xấu xí” cũng đã thể hiện trên những tấm biển bằng tiếng Việt: “Cấm ăn cắp vặt” trên đất Nhật; “Cấm vứt rác” ở xứ Hàn, “Cấm lấy đồ thừa” (trong tiệc buffet) ở Thái Lan, Singapore...
Làm gì để gột sạch những tính xấu? Đó là lý do khiến người trẻ Việt, chịu rời bàn phím ca thán để tới tận hiện trường và giăng tấm pano lớn: “Là người Biên Hòa, là người Việt Nam, tôi thấy xấu hổ cho những ai đã “cướp vài lon bia” ở đây trưa ngày 4/12”.
Nhưng tấm pano ấy không khiến người lái xe lấy lại được số bia đã bị đồng bào mình cướp. Nó cũng chẳng làm cho sống lại những niềm tin đã mất. Nó chỉ là một sự phản kháng trong vô vọng của lương tâm con người khi bất lực với cái xấu cái ác của đám đông.
2. Sự đổi thay chỉ bắt đầu nhen nhóm trở lại khi chiều nay, báo chí đưa tin về hành động cao đẹp của một học sinh lớp 6 với gia cảnh khó khăn.
Cuối tháng 11, trên đường đi học về, học sinh Bùi Duy Nhất, lớp 6C Trường THCS Đoàn Lập có nhặt được chiếc ví dày. Em không mở ra xem, cầm chiếc ví, em đợi chính nơi nhặt được của rơi, đợi người đánh rơi quay lại để trả.
Chờ 2 tiếng không thấy người mất của tới, em buồn rầu mang chiếc ví về nhà đưa cho bố mẹ, kể rõ sự tình. Bố mẹ Nhất mở chiếc ví và sững người trước 1.500 USD và 1,3 triệu đồng trong ví (hơn 30 triệu đồng). Đi kèm với món tiền là giấy tờ tùy thân mang tên Trần Ngọc Tin, thông Đông Xuyên Ngoại, xã Đoàn Lập, Tiên Lãng, Hải Phòng.
Em Bùi Duy Nhất, học sinh lớp 6C Trường THCS Đoàn Lập (Ảnh: ANHP.VN)
Không phút chần chừ, bố mẹ Nhất đưa con đến địa chỉ nhà người bị mất món đồ để trả lại món tiền bằng cả nửa năm làm lụng của gia đình. Anh Tin quá xúc động trước hành động của cậu bé và gia đình đã tặng lại em một số tiền lớn. Nhất từ chối rồi theo bố mẹ ra về.
Phạm Mỹ