(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/2, chất lượng không khí Hà Nội có chuyển biến tích cực so với các ngày trước đó do có mưa nhỏ vào sáng sớm.
Số liệu từ Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội (moitruongthudo.vn) cho thấy, phần lớn các khu vực ở Thủ đô có chỉ số chất lượng không khí (AQI) tốt và trung bình, không có khu vực mang chỉ số xấu và kém. Nhiều khu vực có chỉ số chất lượng không khí tốt như: Trường Mầm non Vân Hà (huyện Đông Anh); thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất); Trạm Y tế xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai); thị trấn Chúc Sơn (huyện Trương Mỹ); Nhà văn hóa thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa); Khu đô thị Pháp Vân, xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì); Đầm Trấu, phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng); Trường Mầm non Kim Liên (quận Đống Đa); quận Tây Hồ, quận Hà Đông...
Mặc dù chất lượng không khí ngày 25/2 tại Hà Nội đã có chuyển biến tích cực nhưng người dân vẫn nên chủ động bảo vệ sức khỏe, thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang được công bố công khai của cơ quan nhà nước.
Lúc 13 giờ ngày 25/2, trên ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý) ghi nhận, tại các khu vực trên cả nước đã xuất hiện nhiều điểm có chỉ số chất lượng không khí tốt.
Để kiểm soát, cải thiện chất lượng không khí, năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung rà soát, hoàn thiện, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.
- Hà Nội: Chỉ số chất lượng không khí đã cải thiện
- Chất lượng không khí tại các đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức xấu
- Chất lượng không khí tốt ở tất cả khu vực tại Hà Nội
Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện rà soát, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý IV năm 2021.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí.
Nguyễn Hồng Điệp/TTXVN
Tags