Một tuyến phố đi bộ (TPĐB) đúng với nghĩa đen phải cấm hoàn toàn việc sử dụng các phương tiện giao thông ô tô, xe máy, xe đạp. Đường, hè phố chỉ dành cho người đi bộ. Có chăng là các loại xe ô tô chuyên dụng, xích lô “lọng vàng”, được phép chở khách thăm quan với vận tốc 5km/h, để khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp “rêu phong cổ kính” của “36 phố phường xưa”.
Tuy nhiên trên tuyến phố “đi bộ” Hàng Đào – Đồng Xuân, các loại xe ô tô tải, xe khách to nhỏ, xe máy, xe đạp…tự do rầm rầm “suốt ngày dài lại đến đêm thâu” 24/24h trong ngày. Giờ cao điểm, ùn tắc giao thông diễn ra như cơm bữa. Giữa phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường phố nào cũng có cả một “bãi giao thông tĩnh” cho khách gửi xe chiếm hết một phần hè đường dài dằng dặc. Điều kiện tiên quyết, tối thiểu cho một TPĐB là phải có bãi gửi xe, giá gửi xe niêm yết công khai đúng quy định, khách yên tâm gửi xe, mũ bảo hiểm và đi bộ vào “phố đi bộ” thăm quan, mua bán như kiểu Vương Phủ Tỉnh (Bắc Kinh – Trung Quốc), hoặc phố đi bộ Hội An (Quảng Nam). TPĐB Hàng Đào – Đồng Xuân lại có bãi gửi xe ở trong TPĐB, việc làm này của những nhà quản lý cũng đủ khẳng định Hàng Đào – Đồng Xuân không phải là TPĐB.
Mỗi tuần có 3 tối họp chợ đêm vào các ngày thứ 6, 7, CN từ 19h30 đến 22h30. Đường biến thành chợ, không cấm thì cũng chẳng ai dại gì mang xe vào chợ. Nếu chỉ có vậy đã gọi Hàng Đào – Đồng Xuân là TPĐB e rằng không thuyết phục.
Trong tương lai, nghe nói Hà Nội mới còn xây dựng nhiều TPĐB. Mong các nhà quản lý hãy hoàn chỉnh chuẩn TPĐB. Vật chất phải đi trước một bước, nghĩa là có cơ sở hạ tầng phục vụ cho TPĐB. Ví dụ như bãi gửi xe, nhà vệ sinh công cộng, đường xá, cống rãnh, vệ sinh môi trường, ánh sáng… Tránh hậu quả như TPĐB Hàng Đào – Đồng Xuân, chỉ có tiếng mà không có miếng.
Một phiên chợ góp phần quảng bá du lịch cho địa phương, ít nhất các mặt hàng bày bán trong chợ giới thiệu được đặc sản, diện mạo phát triển kinh tế vùng miền, nhất là thủ đô Hà Nội “đất trăm nghề trăm vùng”. Rất tiếc hàng bán ở chợ đêm Hàng Đào – Đồng Xuân có thể gọi là “lởm khởm”: quần áo, túi sách đại hạ giá (vì toàn hàng phế phẩm), hàng ăn uống nhếch nhác như bánh bao, bánh mỳ, nước mía khó đảm bảo vệ sinh vì nước sạch để rửa bát, tách chén không có, chưa kể mực nướng, bánh đa nướng, ngô nướng tiện đâu bày ra đấy. Các quầy hàng phải thể hiện văn minh thanh lịch của người Tràng An “chẳng thơm cúng thể hoa nhài”. Quầy hàng trình bày đẹp, sang trọng, ghi rõ giá bán các mặt hàng. Dạo một vòng quanh chợ đêm khách hàng vô cùng thất vọng, các lều chợ san sát nhau, chen chúc 3, 4 người bán trong một diện tích chật hẹp 3m2. Mỗi lều có hai đèn nê-ông, ánh sáng tù mù, gian hàng co giãn tùy tiện. Phương tiện cứu hỏa phục vụ cho chợ đêm hầu như chỉ là số không. Nếu có hỏa hoạn, xe cứu hỏa vào chợ bằng lối nào để triển khai? Dọc phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường cũng có những nhà cố, di tích văn hóa lịch sử là điểm nhấn giới thiệu với khách du lịch. Song do điều hành thiếu đồng bộ, nên các di tích chỉ mở cửa trong giờ hành chính và vì thế mà bỏ đi một thuận lợi quảng bá du lịch.
Thi thoảng CLB ca trù của NSƯT Thanh Ngoan có đến chợ biểu diễn, giới thiệu làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc đang có nguy cơ bị mai một, khách ta, khách Tây đều thích. Nhưng quá ít, chưa đủ để nói rằng chợ đêm Hàng Đào – Đồng Xuân làm tròn nhiệm vụ quảng bá du lịch.
Chợ đêm Hàng Đào – Đồng Xuân chỉ còn là “chợ đêm” vì chợ họp vào ban đêm. Chợ đêm Hàng Đào – Đồng Xuân còn nhiều việc phải làm, thiếu nhiều thứ, thiếu một ban quản lí chợ chuyên nghiệp, thạo công việc, thiếu nhà vệ sinh để khách giải quyết “đầu ra”, thiếu bãi gửi xe, khổ cho khách bị chém vô tội vạ nếu như muốn gửi xe để vào chợ đêm.