(Thethaovanhoa.vn) - "Công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay là chưa có tiền lệ, do vậy, vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện; trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, lắng nghe ý kiến của nhau để lãnh đạo các cấp có được các phương án hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh và điều kiện thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị".
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 4/7/2021.
"Kép" không phải là cân bằng giữa hai mục tiêu
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 20/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đó nhấn mạnh: Trong những tháng đầu năm 2020 thế giới biến động lớn chưa từng có do tác động của đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ. Tuy nhiên, Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh với tinh thần chống dịch như chống giặc, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân.
Vào thời điểm ấy, ngày 20/5/2020, nước ta có 324 người mắc COVID-19, trong đó 264 người đã được điều trị khỏi (hơn 81%).
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quan điểm xuyên suốt là "chống dịch như chống giặc"; huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; "lấy phòng dịch làm ưu tiên", "khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, kiên quyết cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả".
Thủ tướng nhấn mạnh: "Chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân".
Đến nay, Việt Nam đã bước vào giai đoạn chống dịch mới, khi số ca mắc COVID-19 đã gần chạm mốc 38.000 ca. Theo số liệu do Bộ Y tế công bố, chỉ trong ngày 14/7/2021 nước ta có 2.934 ca mắc mới với 2.924 ca do lây nhiễm trong nước, riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh là 2.229 ca.
Trong thời điểm các ca mắc COVID-19 mới tăng vọt từng ngày và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh, quan điểm chủ đạo của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch vẫn kiên định. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Bảo đảm mục tiêu kép là nhiệm vụ nhất quán, nhưng khi cần thiết và nhất là trong lúc này, tính mạng và sức khỏe của nhân dân vẫn luôn phải là trên hết, trước hết".
Như vậy, những lập luận của một số tổ chức, cá nhân về việc cần nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch trong thời điểm hiện tại nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép, đặt việc khôi phục sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung – cầu trên thị trường ngang bằng với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, là không đúng với chủ trương của Chính phủ.
Rút thời gian điều trị, phân loại các ca F0
Chủ trương phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ là nhất quán nhưng cơ chế thực hiện các biện pháp lại linh hoạt tùy theo tình hình dịch bệnh và điều kiện cụ thể tại từng địa phương.
Ngày 4/7/2021, tại cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận: "Về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách: Cần phải dựa vào và bám sát tình hình thực tiễn với tinh thần: cái gì đã rõ, đã "chín" được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình ủng hộ thì luật hóa thành các quy định để thực hiện; những gì quy định đã vượt quá, hoặc chưa có quy định thì các cấp, các ngành, các địa phương mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội".
Trên tinh thần đó, vào cuối giờ chiều 13/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc trực tuyến với Bộ phận Thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng các chuyên gia y tế để thảo luận về phương cách điều trị, cách ly, xét nghiệm… trên địa bàn thành phố và một số địa phương ở miền Nam.
Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu ở khoảng 20.000 bệnh nhân cho thấy, có gần 70% bệnh nhân không có các triệu chứng. Ở các bệnh nhân có diễn biến nặng thì điều này cũng xảy ra sau 7 – 10 ngày kể từ khi được phát hiện dương tính.
Căn cứ diễn biến của nồng độ virus và diễn biến lâm sàng, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly đối với bệnh nhân COVID-19.
Theo đó, các trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, thì sẽ được xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 9 và ngày thứ 10. Nếu 2 lần xét nghiệm đều có kết quả âm tính hoặc 2 lần xét nghiệm cho kết quả dương tính nhưng tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) thì bệnh nhân được xuất viện và không phải cách ly tập trung vì hầu như không có khả năng lây ra cộng đồng. Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn phải được theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày.
Với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được phát hiện tại cộng đồng, nếu giá trị CT ≥ 30 thì bệnh nhân được chuyển đến cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm lần 2 sau 24h. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 là âm tính hay dù dương tính nhưng giá trị CT vẫn ≥ 30 (không có khả năng lây ra cộng đồng) thì bệnh nhân được xuất viện và chịu sự theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày.
Căn cứ thực tiễn và tham khảo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ cũng như qua trao đổi với các địa phương, Bộ Y tế quyết định giảm xuống 14 ngày đối với mọi hình thức cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) cho các đối tượng là người nhập cảnh và các trường hợp F1.
Như vậy, trước diễn biến mới của dịch COVID-19 ở trong nước, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã quyết định thay đổi chiến lược cách ly và điều trị các ca bệnh.
Có thể lý giải chiến lược mới này một cách ngắn gọn theo lời của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trưng ương, là chúng ta cần phân loại các F0 để có hình thức chăm sóc liên tục và theo dõi phù hợp.
Tóm lại, không nên coi tất cả những người nhiễm SARS-CoV-2 đều là bệnh nhân. Bệnh viện chỉ tiếp nhận những người thực sự cần được chăm sóc y tế, khoảng tối đa 20% trong tổng số người dương tính với SARS-CoV-2.
Mục đích của việc phân loại các ca F0 là để giảm tải cho các bệnh viện, giảm hao phí nguồn lực xã hội, kiên quyết không để sụp đổ hệ thống chăm sóc y tế trong bối cảnh có quá nhiều người nhiễm SARS-CoV-2.
- Sự khác biệt giữa Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 10 của UBND TP
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, song phải giữ cho cuộc sống của người dân không bị đảo lộn
- Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý để Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng có dự lệnh Chỉ thị 16
Cần sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp
Tại cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Bám sát và căn cứ tình hình cụ tể, chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn của Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và 7 địa phương cần chủ động, linh hoạt điều chỉnh cơ chế lãnh đạo phù hợp, hiệu quả trong phòng, chống dịch, bảo đảm huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là tại cơ sở.
Việc quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất nên cần được cân nhắc, thận trọng và xem xét thứ tự ưu tiên; tuy nhiên, khi cần thiết và nhất là trong lúc này, tính mạng và sức khỏe của nhân dân vẫn luôn phải là trên hết, trước hết. Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời quyết định áp dụng các biện pháp phù hợp, mạnh mẽ, cần thiết và hiệu quả nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch trên phạm vi rộng,
Hiện tại, để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, nhiều địa phương đòi hỏi phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 đối với tất cả những người từ bên ngoài đi vào địa bàn, kể cả các tài xế xe tải chở hàng hóa thiết yếu.
Các doanh nghiệp, hiệp hội và người dân phản ánh nhiều về sự phiền hà, tốn kém, mất thời gian khi làm xét nghiệm và khi chờ đợi trước các chốt dịch tễ trong khi thời hạn của giấy chứng nhận lại quá ngắn. Điều này ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương cho rằng "giấy thông hành âm tính" là cần thiết trong bối cảnh các trường hợp mắc COVID-19 tăng mạnh ở trong nước và nhiều ca F0 mất dấu; chưa có các biện pháp hiệu quả thay thế; tỷ lệ người được tiêm vaccine chưa cao...
Theo lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong thời điểm hiện tại, tư tưởng chỉ đạo hành động phòng, chống dịch COVID-19 cần được tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm là càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất và chia sẻ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa chính quyền, cơ quan chức năng với người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết không để dịch lây lan từ địa phương này sang địa phương khác.
Trần Quang Vinh/TTXVN
Tags