(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ban hành văn bản số 495/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện ở vùng biển phía Đông miền Trung Phi-líp-pin có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động. Hồi 13 giờ ngày 7/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc; 126,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Phi-líp-pin khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Đến 13 giờ ngày 8/11, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 120,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
- Gần Biển Đông lại có bão giật cấp 12, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở miền Trung
- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Kêu gọi tàu, thuyền tránh trú và sơ tán dân đến nơi an toàn trước bão số 10
Từ 13 giờ ngày 8/11 đến 13 giờ ngày 9/11, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão; vị trí tâm bão ở khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 160km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận theo dõi, cập nhật diễn biến áp thấp nhiệt đới qua các bản tin của cơ quan dự báo và các phương tiện thông tin đại chúng; thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Thắng Trung/TTXVN
Tags