Chủ tịch nước Trần Đại Quang với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự

Thứ Tư, 26/09/2018 08:55 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Để bày tỏ lòng tiếc thương và tri ân sâu sắc của lực lượng Công an nhân dân với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết với chủ đề "Chủ tịch nước Trần Đại Quang với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự".

Chú thích ảnh
Đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

TTXVN trân trọng đăng toàn văn bài viết:

Đồng chí Đại tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đại Quang sinh ngày 12 tháng 10 năm 1956 tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, vùng đất văn hiến, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Đồng chí tham gia lực lượng Công an nhân dân năm 1972, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 7 năm 1980.

Trên 45 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Đại Quang được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và nhân dân tin tưởng giao đảm nhiệm nhiều trọng trách: Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa X, XI, XII, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa XI, XII; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Đại biểu quốc hội khóa XIII, XIV.

Với hơn 43 năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân, trong đó hơn 20 năm đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy quan trọng của lực lượng Công an, Đồng chí luôn nêu tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; tinh thần chiến đấu quả cảm, nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng cao cả của Đảng, vì bình yên cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.

Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh, trật tự, Đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nắm chắc thời cơ, thuận lợi, nhận rõ nguy cơ, thách thức, chủ động đổi mới nhận thức, tư duy lý luận, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; kịp thời tham mưu, đề xuất tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân; xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, đảm nhiệm tốt vai trò xung kích, nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, gắn kết chặt chẽ giữa đổi mới tư duy lý luận với thực tiễn. Xác định đổi mới nhận thức, tư duy lý luận là cơ bản, đổi mới công tác tổ chức, cán bộ là khâu đột phá; đổi mới công tác đi đôi với tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của toàn lực lượng. Coi trọng chủ trương, giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác Công an, thiết thực phục vụ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Từ yêu cầu đó, Đồng chí đã chỉ đạo toàn lực lượng Công an đổi mới sâu sắc, đồng bộ, toàn diện các mặt công tác Công an, hoàn thiện phương châm, nguyên tắc, biện pháp, chiến thuật đấu tranh với các loại đối tượng, tội phạm. Chủ động, nhạy bén nắm chắc tình hình, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, những yếu tố gây mất ổn định trong nội địa, nội bộ; hoạt động của các loại tội phạm, dự báo các tình huống phức tạp để chủ động ứng phó, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tập trung giải quyết ổn định các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở; hoàn thiện các phương án bảo đảm an ninh, trật tự theo địa bàn, tuyến, lĩnh vực, mục tiêu, đối tượng, nhất là trên các lĩnh vực an ninh chính trị nội bộ, an ninh thông tin, an ninh kinh tế, an ninh tôn giáo, dân tộc. Chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các giải pháp đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày lễ lớn, các hội nghị quốc tế được tổ chức tại Việt Nam; các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam; hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trong và ngoài nước; các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chủ động nghiên cứu những vấn đề mới phát sinh, tập trung xây dựng, đề xuất bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các mặt công tác Công an. Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp, hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính; đổi mới cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quan hệ phối hợp, phân công, phân cấp giữa các đơn vị, địa phương; phát huy hiệu quả quan hệ phối hợp, hiệp đồng chiến đấu với Quân đội nhân dân và các ban, bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò to lớn của nhân dân, Đồng chí đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; coi nhân dân là cội nguồn sức mạnh, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là điều kiện cơ bản để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự. Trong thời gian lâm bệnh nặng cho đến cuối đời, Đồng chí vẫn luôn dành tình cảm, sự quan tâm với các tầng lớp nhân dân. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày 16 tháng 8 năm 2018, Đồng chí vẫn mong muốn: “Hơn lúc nào hết, lực lượng Công an nhân dân, cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường cần tiếp tục thấm nhuần sâu sắc quan điểm “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”; xác định rõ xây dựng, phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt”.

Bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân là tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Sức mạnh của lực lượng Công an nhân dân là đoàn kết thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của Quân đội nhân dân, các cấp, các ngành; sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân. Trên tinh thần đó, Đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, coi đây là khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác Công an. Chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, trau dồi lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy giữ vững bản chất giai cấp công nhân, xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân làm mục tiêu giáo dục, rèn luyện. Tổ chức triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhất là phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, Cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hoá vì nhân dân phục vụ”, các phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, bảo đảm xây dựng lực lượng Công an nhân dân luôn là lực lượng vũ trang tin cậy, sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng theo hướng chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách, lề lối làm việc; hoàn thiện chiến lược hậu cần - kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dựng thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nâng cao tiềm lực, sức mạnh của lực lượng Công an. Quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng công tác tham mưu cả về chiến lược và chiến thuật, phấn đấu để mỗi cán bộ, chiến sĩ đều làm tốt chức năng tham mưu; xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu chuyên trách thật sự là những chuyên gia trên từng lĩnh vực công tác.

Gắn kết sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, Đồng chí và Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an chỉ đạo chủ động mở rộng, phát triển quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế giữa Công an Việt Nam với An ninh, Cảnh sát, Nội vụ các nước, tham gia sâu rộng và ngày càng có hiệu quả vào các cơ chế hợp tác an ninh khu vực và toàn cầu. Qua đó, tạo được thế trận mới, vững chắc, có tiếng nói quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm, nâng cao tiềm lực, vị thế của Công an Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước trên thế giới.

Mặc dù đảm nhiệm nhiều trọng trách, Đồng chí vẫn dành thời gian, tâm huyết và trí tuệ chỉ đạo tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận Công an nhân dân. Với hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học, giáo trình, đầu sách, bài viết, bài giảng và những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, quyết sách mang tầm chiến lược của Đồng chí về an ninh, trật tự đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống lý luận Công an nhân dân và hệ thống giáo trình giảng dạy trong các học viện, trường Công an nhân dân.

Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang - nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nhân dân, người lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam là tấm gương để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân học tập và noi theo.

Lễ Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Lễ Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt đầu từ 7 giờ, ngày 26/9, tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang tổ chức vào 7 giờ 30 phút, ngày 27/9 tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Lễ an táng từ 15 giờ 30 phút cùng ngày tại quê hương Chủ tịch nước xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

T.L
Theo TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›