(TT&VH) - Khi vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9 diễn ra trên đất Mỹ, Heather Penney là một trong những nữ phi công đầu tiên được vội vã điều lên trời để tiêu diệt những chiếc máy bay đã bị không tặc khống chế. Vấn đề là máy bay của Penney không có vũ khí và để hoàn thành nhiệm vụ, cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đâm thẳng vào mục tiêu.
Sáng sớm ngày 11/9 lịch sử ấy, thiếu uý Heather “Lucky” Penney đang ở trên đường băng ở Căn cứ không quân Andrews và đã sẵn sàng tung cánh lên trời. Tay cô cầm vào cần lái chiếc F-16 và cô đã nhận được chỉ thị rõ ràng: bằng mọi giá phải bắn hạ chuyến bay số 93 của hãng hàng không United Airlines.
Chuyến bay một đi không trở lại
Heather Penney đã suýt trở thành nữ
Penney là 1 trong 2 phi công duy nhất đã được lệnh ngăn chặn chiếc máy bay. Nhưng điều đặc biệt nằm ở chỗ cô cất cánh khi chiếc F-16 hoàn toàn không có đạn thật, hay tên lửa, hay bất kỳ thứ gì có thể giúp bắn hạ chiếc máy bay bị cướp. “Chúng tôi không thể bắn hạ chiếc máy bay. Chúng tôi sẽ đâm vào nó" - Penney nhớ lại ngày đó - "Việc này cũng có nghĩa tôi sẽ trở thành một nữ phi công cảm tử".
phi công cảm tử trong ngày 11/9
Trong nhiều năm, Penney đã không trả lời phỏng vấn về các trải nghiệm của cô liên quan tới sự kiện 11/9. Nhưng nhân lễ kỷ niệm 10 năm sự kiện này, cô đã có cuộc trò chuyện với tờ Washington Post, qua đó hé lộ đáp án cho câu hỏi: nước Mỹ và cụ thể là quân đội Mỹ đã có hành động đáp trả lập tức lại việc bị tấn công ra sao. “Chúng tôi phải bảo vệ không phận Mỹ bằng mọi cách có thể" - Penney nói khi tiếp phóng viên tại văn phòng ở công ty Lockheed Martin, nơi cô đang làm giám đốc chương trình máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.
Penney, giờ là thiếu tá và không còn phải bay các nhiệm vụ chiến đấu nữa. Nhưng cô cũng đã có 2 lần tham chiến ở Iraq và là phi công bán thời gian của lực lượng Vệ binh Quốc gia, với công việc thường là đưa các vị khách VIP đi vòng quanh trên một chiếc máy bay phản lực Gulfstream. Cô cũng thích bay lượn trên trời bằng một chiếc máy bay Taylorcraft sản xuất năm 1941 vào bất cứ khi nào có thời gian rảnh. Song hàng ngàn giờ bay ấy của cô không có lúc nào tạo cảm giác căng thẳng khủng khiếp như khi cô lái chiếc F-16 phóng lên ngăn chặn chuyến bay 93.
Ngày chiến tranh tìm đến với nước Mỹ
Trở lại thời điểm năm 2001, Penney vẫn là một lính mới ở Phi đội máy bay chiến đấu số 121 thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia ở thủ đô Washington. Có thể nói cô lớn lên trong mùi xăng của những chiếc máy bay. Cha cô từng bay những chiếc chiến đấu cơ trong chiến tranh Việt Nam.
Penney có bằng lái máy bay khi cô đang nghiên cứu văn học ở trường Purdue. Cô dự định trở thành một giáo viên. Nhưng khi quân đội mở một khoá huấn luyện đặc biệt để đào tạo các nữ phi công chiến đầu tiên, cô đã tham gia và gần như trở thành người đầu tiên trong danh sách. “Tôi đã xin nhập ngũ ngay lập tức. Tôi muốn trở thành phi công chiến đấu giống cha" - cô tâm sự.
Trong ngày 11/9 định mệnh, Penney mới hoàn tất 2 tuần huấn luyện không chiến ở Nevada. Cả đội đang ngồi ở trong phòng nghe tóm tắt nhiệm vụ thì có người xuất hiện và thông báo một chiếc máy bay mới đâm vào toà cao ốc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York. Ban đầu tất cả phỏng đoán có thể một gã amatơ nào đó lái máy bay hạng nhẹ Cessna và gây chuyện. Nhưng khi máy bay tiếp tục đâm vào toà tháp còn lại, tất cả hiểu ra rằng chiến tranh đã tìm tới với nước Mỹ.
Trong những giờ bị tấn công bất ngờ đầu tiên, Penney và các đồng đội không thể nhận được một mệnh lệnh rõ ràng.Khi đó hầu như không có một chiếc máy bay có vũ trang nào đang ở trạng thái sẵn sàng hoạt động và cũng không có hệ thống chỉ huy nào ra lệnh cho chúng bay tới Washington. Cho tới trước ngày 11/9, tất cả các con mắt phòng ngự đều chỉ quét qua những vùng trời có khả năng xuất hiện máy bay và tên lửa từ các nước "thù địch", giống thời Chiến tranh Lạnh.
Những hình ảnh kinh hoàng về vụ khủng bố 11/9 vẫn tiếp tục làm người Mỹ
nhói đau, dù đã một thập kỷ trôi qua
“Chúng tôi hoàn toàn không có nhận thức về một mối đe doạ vào thời điểm đó, nhất là các đe doạ tới từ trong nước giống kiểu 11/9" - Đại tá George Degnon, Phó chỉ huy Phi đoàn số 113 nói. Ông cho biết mọi chuyện giờ đã rất khác và mọi thời điểm luôn có 2 chiếc máy bay trực chiến và các phi công không được ở cách chúng quá vài mét.
Khi Penney và các đồng đội chưa biết phải làm gì thì có tin về chiếc máy bay thứ 3 đâm vào Lầu Năm Góc và có thể một chiếc thứ 4 hoặc hơn nữa sẽ lặp lại hành động này. Các máy bay chiến đấu có thể được vũ trang trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Nhưng ngay lúc đó, người ta cần có sự hiện diện của các chiến đấu cơ trên bầu trời, dù chúng có vũ khí hay không.
Một nhân chứng tình cờ của lịch sử
“Lucky, cô đi với tôi" - chỉ huy phi đội Marc Sasseville hét lên với Penney. Cả 2 mặc đồ bay và khi mắt họ gặp nhau, Sasseville liền cất lời: "Tôi sẽ đâm vào khoang lái". Penney trả lời không chần chừ: "Tôi sẽ đâm vào phần đuôi". Đó là một kế hoạch của 2 người, đồng thời giống như một "thoả thuận chết chung".
Penney chưa bao giờ được bay trong tình trạng gấp gáp như vậy. Thường các phi công phải trải qua hoạt động kiểm tra và chuẩn bị kéo dài khoảng nửa tiếng trước khi bay. Cô định lặp lại đúng quy trình ấy thì Sasseville hét lên: "Lucky, cô làm cái quái gì thế. Nhấc mông lên máy bay đi nào".
Penney vội vã trèo lên chiếc F-16, tăng ga cho động cơ, đồng thời hét to với đội mặt đất gỡ những miếng chêm nằm dưới bánh máy bay ra. Chiếc tai nghe của trưởng nhóm mặt đất vẫn mắc lại trên thân máy bay khi Penney bắt đầu tăng tốc. Ông này phải vội vã chạy theo máy bay để gỡ ra các nút an toàn, khi nó đã lăn bánh trên đường băng. Penney thì thầm một lời cầu nguyện của các phi công chiến đấu - Thượng đế, xin đừng cản bước con - và theo Sasseville lao vút lên trời xanh.
Cả 2 bay về hướng Lầu Năm Góc với tốc độ lớn, ở độ cao thấp, vừa bay vừa nhìn ngó để tìm các máy bay khả nghi. Sasseville đã bình tĩnh hơn và bắt đầu bàn kỹ hơn về việc 2 người sẽ lao vào đâu để tiêu diệt chiếc máy bay bị cướp. "Chúng tôi không được huấn luyện để bắn hạ máy bay dân dụng" - Sasseville nhớ lại - "Nếu anh hạ được động cơ, máy bay vẫn có thể tiếp tục lướt trên không như tàu lượn và tiếp tục đâm vào mục tiêu. Vì thế tôi đã nghĩ tới việc đâm vào khoang lái hoặc cánh".
Ông nói rằng đã tính tới việc sẽ giật cần thoát hiểm ngay trước khi va chạm với máy bay khả nghi. Penney thì lo lắng về việc cô sẽ đâm trượt mục tiêu nếu sử dụng lựa chọn thoát hiểm. "Nếu anh thoát ra ngoài và chiếc máy bay của anh hụt mục tiêu cần đâm vào, cảm giác thất bại sẽ còn kinh khủng hơn nhiều những suy nghĩ về cái chết" - cô tâm sự.
Nhưng Penney đã không phải chết. Cô cũng không phải đâm vào chuyến bay số 93 vốn chở đầy trẻ em, doanh nhân và các cô gái trẻ xinh đẹp. Họ đã tự làm điều đó. Vài giờ sau khi cất cánh, Penney và Sasseville mới biết rằng chuyến bay số 93 đã đâm xuống Pennsylvania, sau khi các hành khách trên máy bay có chung một quyết định giống họ: làm mọi thứ để ngăn không cho bọn khủng bố thành công.
"Những người hùng chính là hành khách trên chuyến bay số 93, các cá nhân đã sẵn lòng hy sinh bản thân" - Penney bùi ngùi nói - "Tôi chỉ đóng vai trò một nhân chứng vô tình chứng kiến lịch sử".
Tường Linh