Chứng khoán Mỹ đã mất điểm phiên giao dịch đầu tuần, cùng đó là khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh |
Ngày 10/11, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm vì nhiều tin xấu ập đến từ không ít các tập đoàn lớn.
Chứng khoán Mỹ đi xuống, khối lượng giao dịch giảm mạnh
Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 12 tại NYMEX trong ngày 10/11 đã tăng 1,45 USD/thùng và đóng cửa ngày giao dịch ở mức 62,41 USD/thùng.
Ngày 10/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết đã nâng mức hỗ trợ cho Tập đoàn American International Group (AIG) lên 150 tỷ USD sau khi những khoản đầu tư trước đó vẫn không thể khiến AIG đứng vững.
Trong quý 3/2008, AIG đã công bố lỗ 24,47 tỷ USD, tương đương 9,05 USD/cổ phiếu, đây là mức sụt giảm quá lớn nếu so với mức lãi 3,09 tỷ USD (1,19 USD/cổ phiếu) trong quý 3/2007.
Thua lỗ trong đầu tư và phải bồi thường tiền bảo hiểm với giá trị lớn liên quan đến tổn thất từ các cơn bão ở Mỹ là nguyên nhân cơ bản đẩy tập đoàn lỗ nặng nhất trong vòng 89 năm qua.
Một năm về trước, cổ phiếu AIG đóng cửa ở mức 57 USD/cổ phiếu nhưng kết thúc ngày giao dịch 10/11, cổ phiếu AIG còn 2,28 USD/cổ phiếu.
Cùng ngày, Tập đoàn Fannie Mae đã công bố lỗ 29 tỷ USD, tương đương 13 USD/cổ phiếu trong quý 3/2008, đây là mức thua lỗ kỷ lục của tập đoàn này trong nhiều năm qua. Trong quý 3/2007, tập đoàn này công bỗ lỗ 1,4 tỷ USD, tương đương 1,56 USD/cổ phiếu.
Hiện giá cổ phiếu Fannie Mae (FNM) giảm còn 0,72 USD/cổ phiếu, từ mức 39,98 USD/cổ phiếu được thiết lập ngày 31/12/2007.
Một thông tin đáng chú ý khác, sau khi từ bỏ thương vụ mua lại Ngân hàng Wachovia, Citigroup đang tiến hành đàm phán để thâu tóm một ngân hàng khác ở Mỹ, tờ “The Wall Street Journal” đã cho biết như vậy trong ngày 10/11. Tờ báo này cũng cho biết thêm, rất có thể thương vụ này sẽ kết thúc vào cuối tháng 11 này.
Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến ngành sản xuất ôtô ở Mỹ, rất có thể trong tuần này, ba nhà sản xuất ôtô General Motors Chrysler và Ford sẽ được Quốc hội thông qua gói hỗ trợ trị giá 25 tỷ USD để đối phó với tình hình kinh doanh ngày một thêm khó khăn và giá cổ phiếu thì lao dốc không phanh.
Trong đó cổ phiếu của General Motors đã chạm ngưỡng 3,36 USD/cổ phiếu, giảm 22,94% trong phiên đầu tuần, mức thấp nhất trong vòng 62 năm qua.
Chứng khoán Mỹ đã mất điểm phiên giao dịch đầu tuần, cùng đó là khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Lo ngại về viễn cảnh tương lai của nhiều tập đoàn Mỹ từ General Motors đến Goldman Sachs khiến giới đầu tư lưỡng lự khi tham gia thị trường.
Các nhà phân tích của Barclays Capital dự báo, rất có thể trong quý 4/2008, Goldman Sachs lần đầu tiên trong lịch sử sẽ công bố thua lỗ do sự đi xuống của thị trường chứng khoán. Cổ phiếu của Goldman Sachs đã mất 8,5% trong phiên giao dịch đầu tuần.
Gói kích thích kinh tế của Trung Quốc đã có những tác động tích cực giúp chứng khoán châu Á và châu Âu lên điểm nhưng đối với thị trường Mỹ, dường như yếu tố kháng cự liên quan đến viễn cảnh về tình hình kinh doanh của nhiều tập đoàn đã áp đảo những thông tin tích cực đó.
Ngay khi thị trường mở cửa, các chỉ số đều ở mức cao hơn phiên giao dịch trước đó. Tuy nhiên, thị trường liên tục đi xuống kể từ lúc mở cửa cho đến hết ngày giao dịch.
Kết thúc ngày giao dịch: Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 73,27 điểm, tương đương -0,82%, đóng cửa ở mức 8.870,54.
Chỉ số Nasdaq phiên này mất 30,66 điểm, tương đương -1,86%, chốt ở mức 1.616,74.
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 hạ 11,78 điểm, tương đương -1,27%, đóng cửa ở mức 919,21.
Khối lượng giao dịch phiên này trên sàn New York chỉ đạt 1,14 tỷ cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức giao dịch trung bình một ngày tuần trước đó là 1,9 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu mất điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch trên sàn Nasdaq đạt 1,71 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 5 mã mất điểm thì có 2 mã lên điểm.
Chứng khoán châu Âu lên điểm phiên đầu tuần
Ngày 10/11, Cơ quan thống kê Anh cho biết, chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) ở nước này đã giảm 1% so với tháng 9/2008 nhưng vẫn cao hơn 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lạm phát cơ bản (không bao gồm giá dầu và lương thực – thực phẩm) giảm 0,5% trong tháng 10 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 10 qua, giá các sản phẩm từ dầu thô ở Anh đã giảm 5,6% nhưng vẫn cao hơn 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nguyên vật liệu cơ bản giảm 5,6% trong tháng và cao hơn 13,8% so với cùng kỳ năm 2007.
Chứng khoán châu Âu đã lên điểm phiên đầu tuần nhờ sự bứt phá của cổ phiếu khối khai mỏ, năng lượng... do ảnh hưởng tích cực từ gói kích thích kinh tế trị giá gần 600 tỷ USD của Trung Quốc.
Tuy nhiên khối ngân hàng lại giảm điểm trong phiên này nên khiến đà tăng của ba thị trường chính không thể bứt phá mạnh.
Các cổ phiếu khối năng lượng, khai mỏ tăng ấn tượng gồm: cổ phiếu BG Group, BP, Total tăng từ 0,9% đến 3%; cổ phiếu Anglo American, BHP Billiton, Rio Tinto, Xstrata tăng từ 8,6% đến 11,6%.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 38,96 điểm, tương đương 0,89%, đóng cửa ở mức 4.403,92, khối lượng giao dịch đạt 1,73 tỷ cổ phiếu.
Chỉ số DAX của Đức phiên này lên 1,76%, khối lượng giao dịch đạt 33,9 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 1,06%, khối lượng giao dịch đạt 141 triệu cổ phiếu.
Chứng khoán châu Á đón tin vui từ Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc vừa công bố một kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 586 tỷ USD, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nước này.
Số tiền trong gói kích thích kinh tế nói trên sẽ được sử dụng để phát triển các dự án nhà giá rẻ, cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thông, phát triển đường xá và sân bay.
Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế cho các công ty mua tài sản cố định, chẳng hạn máy móc, để kích thích đầu tư. Ước tính, việc cắt giảm thuế này sẽ giúp các công ty ở Trung Quốc giảm được khoản chi phí lên tới 120 tỷ Nhân dân tệ.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng tăng thuế mua ngũ cốc và tăng trợ giá cho nông dân, cũng như trợ cấp cho các hộ gia đình thu nhập thấp ở thành thị. Bên cạnh đó, hạn ngạch cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ cũng được xóa bỏ.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương nước này đã ba lần hạ lãi suất cơ bản trong vòng 6 tuần để kích thích tăng trưởng kinh tế trong bố cảnh kinh tế thế giới đang có nguy cơ suy thoái và hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite đã tăng 127,09 điểm, tương 7,27%, chốt ở mức 1.874,80.
Trong khi đó, chứng khoán Nhật đã tăng vọt nhờ ảnh hưởng tích cực từ gói hỗ trợ kinh tế của của Trung Quốc vừa được công bố trong ngày. Các nhà đầu tư đã tăng mạnh mua vào cổ phiếu của nhiều công ty chế tạo máy móc, thiết bị xây dựng do họ hy vọng các nhà sản xuất này sẽ được hưởng lợi từ việc xuất hàng sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, đồng Yên mất 0,7% so với USD nên đã giúp cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn tăng mạnh, trong đó, cổ phiếu Canon tăng 5,2%, cổ phiếu Honda lên 4,7%, cổ phiếu Hitachi Construction tiến thêm 19%, Komatsu tăng 12%.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 498,43 điểm, tương đương 5,81%, đóng cửa ở mức 9.081,43. Khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,12 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 6 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm.
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này giảm 0,04%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 1,58%. Chỉ số Straits Times của Singapore tiến thêm 1,16%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 3,52%.
Thị trường |
Chỉ số |
Phiên trước | Đóng cửa | Tăng / giảm (điểm) | Tăng / giảm (%) |
Mỹ | Dow Jones | 8.943,81 | 8.870,54 | 73,27 | 0,82 |
Nasdaq | 1.647,40 | 1.616,74 | 30,66 | 1,86 | |
S&P 500 | 930,99 | 919,21 | 11,78 | 1,27 | |
Anh | FTSE 100 | 4.364,96 | 4.403,92 | 38,96 | 0,89 |
Đức | DAX | 4.938,46 | 5.025,53 | 87,07 | 1,76 |
Pháp | CAC 40 | 3.469,12 | 3.505,75 | 36,63 | 1,06 |
Đài Loan | Taiwan Weighted | 4.742,33 | 4.740,27 | 2,06 | 0,04 |
Nhật | Nikkei 225 | 8.583,00 | 9.081,43 | 498,43 | 5,81 |
Hồng Kông | Hang Seng | 14.243,43 | 14.744,63 | 501,20 | 3,52 |
Hàn Quốc | KOSPI Composite | 1.134,49 | 1.152,46 | 17,97 | 1,58 |
Singapore | Straits Times | 1.850,03 | 1.885,02 | 21,53 | 1,16 |
Trung Quốc | Shanghai Composite | 1.747,71 | 1.874,80 | 127,09 | 7,27 |
(Theo VnEconomy)