Đó là nhận định của Thượng tá Trần Trọng Bình, Trưởng Phòng PC36, Công an TP Hà Nội tại hội nghị giao ban cụm 19 Phòng Cảnh sát môi trường các tỉnh phía bắc (từ Hà Tĩnh trở ra) sáng 10/7/2008, tại thị xã Đồ Sơn, TP Hải Phòng do Cục Cảnh sát môi trường – Bộ Công an tổ chức.
Phòng PC36, Công an TP Hà Nội đã tiến hành điều tra cơ bản đối với hơn 2000 cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội và đều phát hiện vi phạm, đặc biệt nghiêm trọng là các phòng khám có thiết bị chụp X-quang đều không có biện pháp bảo vệ chống bức xạ, không trang bị quần áo bảo hộ cho nhân viên, đây là những tác nhân gây ung thư.
Phòng chụp X- quang số 70 Nguyễn Chí Thanh bị đóng cửa sau khi cơ quan chức năng kiểm tra (ảnh HL) |
Cũng theo ông Bình, lĩnh vực quản lý hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật hiện nay rất lỏng lẻo, đặc biệt là một số loại đường hoá học dùng trong sản xuất bánh, kẹo đang bị thả nổi, có khả năng ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng.
Trước những khó khăn về pháp lý làm hạn chế chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát môi trường, các Phòng PC36 địa phương đã tích cực, chủ động đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn theo lĩnh vực, địa bàn và theo từng chuyên đề như: vi phạm trong lĩnh vực VSATTP, xâm phạm tài nguyên, xử lý nước thải, khí thải, chất thải nguy hại tại các khu công nghiệp, lĩnh vực làng nghề, đổ trộm phế thải, hóa chất & thuốc BVTV.v.v...
Hiện các địa phương đều đề xuất xây dựng mô hình tổ chức của Cảnh sát môi trường theo lĩnh vực và địa bàn; thành lập tổ Cảnh sát môi trường ở Công an cấp quận, huyện để nắm chắc tình hình vi phạm trên địa bàn; xây dựng qui chế phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ TN&MT...
Tính đến quý I/2008, Hà Nội đã phát hiện 17 cơ sở X-quang vi phạm, TPHCM có 3 cơ sở vi phạm... Tuy nhiên các cơ quan quản lý khó lòng kiểm tra nổi cho hết các cơ sở.
Với những sai phạm loại này, các phòng khám sẽ bị xử phạt hành chính từ từ 5 - 15 triệu đồng/ một máy chụp X - quang quy định theo khoản a Điều 8 NĐ 51/CP. Đồng thời rất có thể sẽ phải tạm ngừng hoạt động phòng chụp, chờ xin cấp phép (theo Điều 10 Pháp lệnh An toàn bức xạ).
Bệnh nhân có lãnh đủ?
Đến thời điểm này, cả nước có khoảng 2.000 cơ sở X quang y tế, đa phần nằm ở các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng... Trong đó, HN có gần 300 cơ sở bức xạ trong đó có gần 200 cơ sở X quang y tế và hơn 70 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ y tế.
Cuối tháng 6, một phòng chụp X quang thuộc phòng khám tư nhân của Hà Nội đã phải dừng hoạt động do chưa được cấp phép với nhiều sai phạm đặc biệt là chưa hề có giấy chứng nhận về đảm bảo an toàn bức xạ.
Số liệu của Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân (KS & ATBXHN ) - Bộ KHCN cho thấy, hiện chỉ có khoảng 3.000 bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với nguồn phóng xạ đang được kiểm soát, theo dõi liều chiếu xạ hàng quý theo đúng pháp lệnh. Còn Bộ Y tế đã ghi nhận năm 2005, có 872 trường hợp có bệnh nghề nghiệp liên quan đến PX và 7 trường hợp nhiễm xạ nghề nghiệp. Còn đối với các bệnh nhân thì hoàn toàn để ngỏ.
Một cán bộ Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân (KS & ATBXHN ) - Bộ KHCN cho biết, hiện nay việc đánh giá an toàn bức xạ với bệnh nhân, đặc biệt là trong chẩn đoán X quang y tế mới chỉ được thực hiện trong một vài đề tài nghiên cứu khoa học ở phạm vi hẹp nên chưa phản ánh được bức tranh tổng thể. Ông này cảnh báo, 90% liều bức xạ mà con người nhận được từ các nguồn nhân tạo là do chiếu xạ y tế gây nên.
Hiện nguồn phóng xạ trong lĩnh vực y tế có thể phân làm 2 loại: Một nguồn từ máy X quang nghĩa là dùng tia X để chẩn đoán và điều trị bệnh (khá phổ biến) và một nguồn nữa là sử dụng các đồng vị phóng xạ để điều trị bệnh như máy gia tốc, dao phẫu thuật bằng tia gamma... phần lớn chỉ có ở các BV đầu ngành
Các triệu chứng lâm sàng khi bị tổn thương bức xạ trong trường hợp bị chiếu xạ toàn thân gồm có: Buồn nôn, mệt mỏi, có thể bị sốt kèm theo tiêu chảy. Tiếp theo là thời kỳ ủ bệnh với thời gian khác nhau đặc trưng bởi các triệu chứng viêm nhiễm, chảy máu, các bệnh liên quan đến đường ruột, cơ quan tiêu hóa.