(Thethaovanhoa.vn) - Trưa nay (23/7), tỉnh Sơn La tổ chức cuộc họp với sự phối hợp của tổ công tác Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La và các cơ quan của Bộ Công an cung cấp thông tin xung quanh những nghi vấn sai phạm trong quy chế thi, đặc biệt là ở khâu chấm thi THPT quốc gia tại tỉnh này.
20 phút sau quyết định hủy họp báo, UBND tỉnh Sơn La và đại diện Bộ GD-ĐT đã quyết định thông tin kết quả xác minh dấu hiệu bất thường về điểm thi. Thành phần tham dự bao gồm đại diện Bộ GD-ĐT, Bộ Công an, UBND tỉnh Sơn La, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, Công an tỉnh Sơn La.
Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh đã thông tin, bằng các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ, Tổ công tác đã phát hiện những sai phạm quy chế thi tại Hội đồng thi Sở Giáo dục Sơn La.
Bằng các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ, Tổ công tác đã phát hiện những sai phạm Quy chế thi tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La: Có dấu hiệu sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi, chưa biết đem đi đâu và ai cho phép; Tổ chức quản lý khu vực chấm thi trắc nghiệm lỏng lẻo, không đúng quy định: Phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong; khoá phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không đúng quy định; các thùng đựng phiếu trả lời trắc nghiệm niêm phong không đúng quy định; Quy trình nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm không đúng quy định; Máy tính dùng chấm thi không được niêm phong; tại thời điểm kiểm tra, máy tính này đang được sử dụng bình thường tại phòng làm việc của chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La; Một số phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa; Việc bàn giao bài thi giữa các Điểm thi với Hội đồng thi Sở GD-ĐT, việc bảo quản bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi, việc bàn giao bài thi giữa Ban thư ký với Ban làm phách không đảm bảo quy định.
Qua xác minh ban đầu cho thấy những người liên quan đến các sai phạm Quy chế thi THPT Quốc gia gồm: Ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, Ủy viên Ban Chỉ đạo thi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm; bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La, Thư ký BCĐ, Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm; bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Uỷ viên Tổ chấm thi trắc nghiệm; ông Đặng Hữu Thủy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, Ủy viên Tổ chấm trắc nghiệm; ông Lò Văn Huynh, Phó Trưởng phòng KTQLCLGD, Sở GD-ĐT Sơn La, UV Ban Chỉ đạo, Ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký.
Dự kiến trong hôm nay (23/7) sẽ diễn ra cuộc họp báo công bố kết quả xác minh nghi vấn về điểm thi ở Sơn La được dư luận cho là có dấu hiệu của sự can thiệp làm thay đổi kết quả thi của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018.
Trước đó, trao đổi với báo chí tại Sơn La, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT - cho biết, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao trước xã hội, Bộ trưởng GD-ĐT đã thành lập tổ công tác tại Sơn La. Nhiệm vụ của tổ công tác là chỉ đạo giám sát các dấu hiệu bất thường về điểm thi tại tỉnh này.
“Sau một thời gian rà soát, cơ quan chức năng của Bộ công an, Công an tỉnh Sơn La và tổ công tác đang tích cực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để xác minh, làm rõ liên quan vấn đề này.
Khi nào có kết quả chính thức, chúng tôi sẽ kịp thời thông báo đến các cơ quan truyền thông", ông Trinh nói.
Tổ công tác đã cùng Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La làm việc tại Sơn La trong 3 ngày (từ tối 18/7-21/7) với tinh thần làm việc rất cao, có lúc đến gần 4 giờ sáng. Tổ công tác chia thành nhiều nhóm và tiến hành chấm thẩm định các bài thi.
Cho đến hết 21/7, tức sau 3 ngày làm việc, vẫn chưa có kết luận chính thức về điểm thi ở Sơn La.
Quy trình chấm bài thi THPT Quốc gia
Theo hướng dẫn quy trình chấm bài thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT, Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng máy, quá trình xử lý được thực hiện theo 4 pha cụ thể. Công an giám sát trực tiếp và liên tục trong quá trình chấm.
Việc chấm tự động được thực hiện theo từng Hội đồng thi, theo từng bài thi.
Quá trình xử lý cụ thể:
Pha 1: Quét ảnh
Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm dùng máy quét ảnh (scanner) tốc độ cao quét bài thi theo từng lô đưa vào các thư mục chứa ảnh.
Pha 2: Đọc ảnh (còn gọi là xử lý ảnh hay nhận dạng ảnh)
Ảnh được xử lý để đọc thông tin như số báo danh, mã đề và các phương án trả lời. Sau đó, cán bộ xử lý xuất báo cáo Bộ GD-ĐT về trạng thái ban đầu bài làm của thí sinh, chưa sửa lỗi (đĩa CD1).
Sau khi xuất đĩa CD1, nội dung đã xuất này sẽ được giữ nguyên, kể cả trường hợp quét thêm dữ liệu thí sinh chưa quét, dữ liệu này vẫn không thay đổi. Dữ liệu quét mới sẽ được thể hiện ở đĩa CD2.
Pha 3: Sửa lỗi của thí sinh
Theo thống kê thực tế, khoảng 1% thí sinh mắc lỗi, bao gồm:
- Không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được. Trường hợp xấu nhất là một thí sinh có dự thi tô nhầm thành SBD của thí sinh vắng thi.
- Không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào.
- Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại.
- Lỗi do quét bài như để gấp phiếu trả lời trắc nghiệm, sai mặt phiếu, làm phiếu bị biến dạng.
Những lỗi này sẽ dẫn đến bài thi không chấm được, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Phần mềm phải phát hiện tất cả lỗi, cán bộ chấm thi phải sửa hết lỗi để có thể chấm bài thi tự động.
Kết quả sửa phải được lưu lại, cùng với biên bản sửa lỗi để báo cáo Bộ.
Pha 4: Chấm bài thi
Sau khi thực hiện ba pha trên, Hội đồng thi mới được sử dụng dữ liệu đáp án do Bộ cung cấp để chấm điểm. Kết quả chấm và phân tích được xuất ra đĩa CD2 để báo cáo Bộ.
Nếu chưa thực hiện pha thứ 3, khi phát hiện còn lỗi chưa sửa thì phần mềm sẽ chặn, không cho phép thực hiện pha thứ 4 này.
Công an giám sát suốt quá trình chấm thi trắc nghiệm
Thành phần tổ xử lý bài thi trắc nghiệm gồm tổ trưởng là lãnh đạo ban chấm thi, các thành viên là cán bộ và kỹ thuật viên, bộ phận giám sát gồm công an do Chủ tịch hội đồng thi phân công và cán bộ thanh tra.
Theo quy định, mỗi môn thi phải có ít nhất 3 cán bộ chấm thi. Họ là cán bộ, giáo viên trường phổ thông và giảng viên trường đại học, cao đẳng (nếu cần thiết); đang trực tiếp giảng dạy đúng môn được phân công chấm thi. Những giảng viên, giáo viên đang trong thời kỳ tập sự và thành viên ban thư ký, ban làm phách của hội đồng thi không được chấm thi.
Trong quá trình chấm, hội đồng thi phải bố trí bộ phận giám sát trực tiếp và liên tục từ khi mở niêm phong túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm đến khi kết thúc chấm thi. Các thành viên tham gia xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu của thí sinh với bất kỳ lý do gì.
Mọi hiện tượng bất thường đều phải báo cáo ngay cho bộ phận giám sát và tổ trưởng để cùng xác nhận và ghi vào biên bản.
P.V (Theo TTXVN, Báo Tin tức, Vnews)
Tags