(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 16/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 11 luật, bộ luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, gồm: Bộ luật Lao động; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Thư viện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sửa dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì cuộc họp báo.
Tăng tuổi nghỉ hưu
Với 17 chương, 220 điều, Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi, bổ sung về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình chậm, cụ thể: Quy định tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ và mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, bắt đầu từ năm 2021. Quyền nghỉ hưu sớm hơn và nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi.
Bên cạnh đó, Bộ luật quy định về tổ chức của người lao động không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hoạt động của tổ chức này trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong quan hệ lao động.
Ngoài ra, nới trần làm thêm giờ theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng; bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2/9; đảm bảo hơn sự tự do giao kết hợp đồng lao động; Nhà nước chỉ ban hành mức lương tối thiểu, người sử dụng lao động tự quyết định chính sách tiền lương; bảo đảm bình đẳng giới; mở rộng sự bảo vệ đối với lao động chưa thành niên và sửa đổi các Luật liên quan. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành nhằm phù hợp với với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho công dân trong hoạt động xuất nhập cảnh…
Luật gồm 8 chương, 52 điều, trong đó có nhiều điểm mới đối với công dân như quy định quyền và nghĩa vụ của công dân; không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu; người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần thứ hai trở đi được lựa chọn nơi thực hiện, không đặt vấn đề còn hay hết hạn; công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu; hộ chiếu cấp riêng cho từng người; người trên 14 tuổi được lựa chọn cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử hoặc không; luật hoá việc khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy… Về giấy tờ xuất, nhập cảnh gồm 3 điều mới: hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại: gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử; hộ chiếu phổ thông cho người trên 14 tuổi có thời hạn 10 năm, có loại gắn chíp hoặc không gắn chíp điện tử, người dưới 14 tuổi có thời hạn không quá 5 năm, không gắn chíp điện tử; cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, có thời hạn không quá 12 tháng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Tăng cường chính sách với người tài
Theo đó, Luật sửa đổi và bổ sung 28/86 điều của Luật Cán bộ, công chức và 15/62 điều của Luật Viên chức. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức với 6 nội dung chính: đối tượng là công chức và áp dụng quy định của Luật cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác; chính sách trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ; tuyển dụng công chức; nâng ngạch công chức; đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức; kỷ luật cán bộ, công chức. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức với 4 nội dung: đánh giá viên chức, thời hiệu, thời gian xử lý kỷ luật viên chức, xử lý kỷ luật đối với viên chức sau khi nghỉ việc nghỉ hưu mới phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian công tác; giao Chính phủ quy định chi tiết về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp và chế độ quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; về ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức và khắc phục một số bất cập khác trong thực tiễn. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Huy động lực lượng dự bị động viên
Luật Lực lượng dự bị động viên gồm 5 chương, 41 điều. Nội dung chính tập trung phạm vi điều chỉnh; quyền và nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị, người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị; bồi thường thiệt hại do việc huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra; kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên; đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị; đội tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình; các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Phát huy sức mạnh lực lượng dân quân tự vệ
Luật Dân quân tự vệ năm 2019 gồm 8 chương, 50 điều, giảm 1 chương, 16 điều so với Luật Dân quân tự vệ năm 2009. Theo đó, Luật Dân quân tự vệ năm 2019 điều chỉnh, bổ sung một số quy định như bỏ “Dân quân tự vệ nòng cốt”, “Dân quân tự vệ rộng rãi” mà chỉ dùng “Dân quân tự vệ”; nguyên tắc tổ chức, hoạt động; nhiệm vụ; thành phần; tổ chức; thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình; đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia; tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ thời bình; thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ. Ngoài ra, Luật quy định rõ điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; hệ thống chỉ huy; chức vụ chỉ huy; ban chỉ huy cấp xã, thôn đội trưởng; đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, tập huấn, bồi dưỡng các chức vụ chỉ huy, huấn luyện; chế độ chính sách Dân quân tự vệ; nguồn kinh phí, nhiệm vụ chi; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có liên quan. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Thống nhất quản lý nhà nước
Luật sửa đổi, bổ sung 5/50 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 38/143 điều Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bố cục gồm 4 điều. Cụ thể, Điều 1 về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ với 3 nội dung chính: về thẩm quyền của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ. Điều 2 về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 7 nội dung: về phân cấp, phân quyền, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng linh hoạt; tổ chức HĐND; bổ sung thẩm quyền HĐND cấp xã; bổ sung quy định UBND cấp xã; bộ máy giúp việc chính quyền địa phương; trách nhiệm của đại biểu HĐND với cử tri. Điều 3 về điều khoản thi hành và Điều 4 về điều khoản chuyển tiếp. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện
Luật Thư viện gồm 6 chương, 52 điều với những nội dung chính về phạm vi điều chỉnh; chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện ở 3 cấp độ: Nhà nước đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện; thành lập thư viện; hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Tăng cường quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 2 điều. Trong đó, sửa đổi một số khoản của khoản 2, Điều 3 về khái niệm vũ khí quân dụng; sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 3 về vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 73 về trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2020.
Kiểm soát chất lượng kiểm toán
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước gồm 3 điều. Điều 1, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, trong đó quy định về các nội dung sửa đổi, bổ sung; các khoản được sắp xếp theo thứ tự tương ứng với các trật tự các điều, khoản, điểm của Luật Kiểm toán Nhà nước 2015. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13, trong đó quy định về các nội dung sửa đổi mang tính thủ tục tố tụng hành chính các nội dung liên quan đến lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước mà Luật tố tụng hành chính chưa quy định. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán
Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 thay thế Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung, bao gồm 10 chương, 135 điều. Theo đó, thay đổi phạm vi điều chỉnh; quy định các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chào bán chứng khoán ra công chúng; công ty đại chúng; thị trường giao dịch chứng khoán, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; thanh tra, xử lý vi phạm. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
- Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục: Lương giáo viên bằng lương bác sĩ, kỹ sư cao cấp
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cần thiết sửa đổi Luật Báo chí
- Khẩn trương sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng
Tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập xuất cảnh
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 17 điều, bổ sung 3 điều nhằm luật hoá chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, đảm bảo đồng bộ với quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia.
Theo đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung như quy định việc cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và bổ sung một số quy định; quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ khi đáp ứng một số điều kiện; quy định các trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực; sửa đổi bổ sung quy định về đối tượng và ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho lao động nước ngoài, luật sư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài; bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước 30 ngày… Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Diệp Trương/TTXVN
Tags