(Thethaovanhoa.vn) - Được ký kết ngày 10/12/1982 và chính thức có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) ra đời, đã đáp ứng sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế về việc thiết lập một trật tự pháp lý mới trên biển, đồng thời dung hòa được quyền và lợi ích giữa các quốc gia. Sau 35 năm hình thành và phát triển, UNCLOS thể hiện vai trò như một bản “Hiến pháp” của đại dương trong việc điều chỉnh quy chế pháp lý các vùng biển, cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển.
Sau khi Công ước Luật Biển 1982 ra đời và có hiệu lực, các quốc gia ven biển đã ra các tuyên bố để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với những vùng biển được mở rộng theo quy định của Công ước. Lưu thông hàng hải qua vùng lãnh hải và các dải hẹp giờ đây dựa trên các nguyên tắc pháp lý…
Là quốc gia nằm bên bờ Tây của Biển Đông, biển có một ý nghĩa đặc biệt với Việt Nam trên nhiều phương diện. Đến nay, UNCLOS đã trở thành cơ sở pháp lý quốc tế vô cùng quan trọng cho Việt Nam, trong việc xác lập cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phù hợp với quy định của luật quốc tế. Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, UNCLOS còn là một công cụ pháp lý chính thống và hữu hiệu trong việc kiềm chế, quản lý các mối đe dọa với an ninh, an toàn ở Biển Đông cũng như bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển.
Chính vì vậy, sau khi Công ước Luật Biển 1982 được thông qua ngày 30/4/1982, Việt Nam là một trong 107 quốc gia tham gia ký Công ước tại Montego Bay (Jamaica). Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này. Điểm 1 trong Nghị quyết nêu rõ: “Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”.
Quốc hội khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải. Quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam.
Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời cũng tuyên bố rõ lập trường của Nhà nước ta là giải quyết hòa bình các bất đồng liên quan đến Biển Ðông trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Ðông đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Tham gia Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam-quốc gia ven biển được thừa nhận có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà Việt Nam được hưởng theo quy định của Công ước khoảng gần một triệu km2, rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền.
Kim Liên
Tags