Nạn “đinh tặc” đã diễn ra từ rất lâu rồi mà sao đến nay vẫn không có gì thay đổi trên những con đường lớn dẫn vào TP.HCM. Có thời gian cầu Sài Gòn là “cứ điểm” của bọn “đinh tặc”, nhưng bị công an khu vực này truy bắt dữ quá, nay chúng lại chuyển địa bàn dọc tuyến xa lộ Hà Nội từ trạm thu phí xa lộ Hà Nội cũ (phường An Phú, Q.2, TP.HCM) lên đến khu vực cầu Đồng Nai. Hiện nay quãng đường từ khu du lịch Suối Tiên đến cầu Đồng Nai dài khoảng 7km nhưng rất nguy hiểm với xe gắn máy khi lưu thông qua đây. Hai bên đường những lều sửa xe di động cũng mọc lên nhan nhản. Mỗi miếng vá có thể bạn bị “chém” từ 20 đến 100 ngàn đồng, tùy người, có nghĩa là “nhìn mặt mà chém”.
Năm 2010 ở Bình Dương đã có “đinh tặc” bị xử tù vì tội rải đinh trên đường, mùng 4 Tết vừa qua lại có tên “đinh tặc” bị bắt quả tang tội rải đinh. Nhưng dường như các anh công an và các đội chống rải đinh (dân lập) cũng bao quát không xuể. Trên xa lộ Hà Nội vẫn thường xảy ra tai nạn thương tâm vì hành động kiếm tiền một cách vô nhân tính. Ở Bình Dương, TP.HCM cũng đã tổ chức nhiều tổ nhóm ra quân thu gom đinh trên đường, nhưng... không ăn thua. Xe hút đinh đi trước, “đinh tặc” đi sau rải, người đi đường vẫn bị tai nạn.
Vấn đề hiện nay là cách nào để chống nạn “đinh tặc”? Theo tôi cần tổ chức đội chống nạn rải đinh ở phường, xã nơi có nạn “đinh tặc” hoạt động; phối hợp giữa các cơ quan chức năng của thành phố thường xuyên kiểm tra hoạt động của những người hành nghề sửa chữa xe trên đường; địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động những người làm nghề này chấp hành pháp luật. Đối với dân vãng lai thì nên cấm sửa chữa xe máy, xe đạp dạo trên xa lộ, quốc lộ... thì may ra mới làm giảm nạn “đinh tặc” lộng hành.
Hết “đinh tặc” người dân ra đường mới yên tâm lưu thông đúng làn đường dành riêng cho xe thô sơ. Hiện nay trên xa lộ Hà Nội từ TP.HCM đi Đồng Nai người chạy xe máy luôn phải đi lấn vào làn đường dành cho xe cơ giới để tránh dính phải đinh nên rất nguy hiểm.