(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ký Quyết định số 892/QĐ-UBND lấy ngày 28/8 hàng năm là ngày Chuyển đổi số.
Như vậy, sau tỉnh Thái Nguyên lấy ngày 31/12 hàng năm là ngày Chuyển đổi số của tỉnh, Đà Nẵng là địa phương thứ 2 trên cả nước có ngày Chuyển đổi số của riêng mình.
Hiện nay, TP. Đà Nẵng đang chuẩn bị ban hành Nghị quyết về Chương trình Chuyển đổi số Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số trong tái cấu trúc quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; hình thành hệ sinh thái sử dụng công nghệ số, kinh tế số phát triển, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành xã hội số, công dân số.
TP. Đà Nẵng hướng tới trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống và đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ ưu tiên phát triển 5 lĩnh vực, trong đó có 1 lĩnh vực gắn với triển khai chuyển đổi số, đó là phát triển công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với kinh tế số.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII của Thành phố cũng xác định, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh…
Tại cuộc hội thảo về đề tài này mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá chương trình chuyển đổi số quốc gia là “chìa khóa” để TP tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Chuyển đổi số là động lực để giải quyết điểm nghẽn trong phát triển TP đã xuất hiện những năm qua, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” – Bí thư Nguyễn Văn Quảng cho hay.
Trước đó, tại lễ phát động chương trình bình chọn giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, TP xác định chuyển đổi số là “chìa khóa chính” để chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo chủ trương của Bộ Chính trị.
Đồng thời, là bước chuyển tất yếu, mang tính bắt buộc, nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...
"Đây cũng là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như đột phá trong phát triển thành phố, hướng đến TP Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, đáng sống", ông Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, bên cạnh sự chủ động trong sự phát triển và hoàn thiện về hạ tầng chính quyền điện tử, TP còn sở hữu lợi thế lớn về nguồn nhân lực.
Theo đó, trên địa bàn Đà Nẵng có 25 trường đại học và cao đẳng có khoa ngành đào tạo về công nghệ thông tin, mỗi năm bổ sung thêm 5.000 nhân lực có trình độ từ bậc đại học, cao đẳng trở lên.
Cùng với đó, với tỷ lệ 2,5 doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 người dân, Đà Nẵng hiện là địa phương có lực lượng doanh nghiệp công nghệ lớn bậc nhất cả nước. Đây là những yếu tố thuận lợi giúp Đà Nẵng chuyển đổi số.
Theo thống kê, đến năm 2019, Đà Nẵng đã và đang triển khai 53 dự án chính, với kinh phí hơn 2.200 tỉ đồng để triển khai các dự án về thành phố thông minh đến năm 2025.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đánh giá, qua 10 năm triển khai chính quyền điện tử và 2 năm triển khai Đề án thành phố thông minh, người dân bước đầu hình thành thói quen tiếp cận, sử dụng dịch vụ trực tuyến.
- Đà Nẵng được vinh danh là 'Thành phố thông minh độc đáo và sáng tạo'
- Đà Nẵng được New York Times ca ngợi là Miami của Việt Nam
Có thể nói rằng, chuyển đổi số là quá trình tất yếu trên toàn thế giới. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang thay đổi quan niệm, dần cởi mở trong tư duy, trong các chính sách thu hút đầu tư, mở cửa nền kinh tế...
Với Đà Nẵng, tận dụng những lợi thế có sẵn, thành phố đã sớm bắt kịp với thế giới khi đã chuẩn bị sẵn cho mình một nền móng vững chắc. Đó là nền công nghiệp công nghệ thông tin, hạ tầng đã dần hình thành và hoàn thiện.
Hà Linh
Tags