Đà Nẵng di dời Bảo tàng lịch sử thành phố để mở rộng Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải

Thứ Hai, 08/10/2018 11:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Để tạo không gian rộng rãi, tương xứng với Di tích quốc gia cấp đặc biệt Thành Điện Hải, UBND thành phố Đà Nẵng đã báo cáo Thường trực Thành ủy Đà Nẵng liên quan đến dự án Quảng trường khu vực xung quanh Thành Điện Hải và Bảo tàng lịch sử thành phố (hiện đang nằm trong khuôn viên của Thành Điện Hải) theo hướng xúc tiến di dời Bảo tàng lịch sử thành phố và kết nối với một số công trình, cảnh quan trong khu vực.

Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng cơ bản thống nhất phương án quy hoạch Quảng trường xung quanh di tích Thành Điện Hải. Trên cơ sở đó, tổ chức thêm các ô đất giới hạn bởi các trục đường Lý Tự Trọng, Nguyễn Chí Thanh, Quang Trung, Bạch Đằng thành “Quảng trường Thành Điện Hải”, kết nối với khu đất Hội đồng nhân dân thành phố, Trung tâm công nghệ phần mềm, khu đất Thư viện khoa học tổng hợp, khu vực cảng Sông Hàn, Trường Lý Tự Trọng...trên cơ sở cải tạo đồng bộ vật liệu bề mặt, cảnh quan, cây xanh. Tổng diện tích nghiên cứu khoảng 17ha.

Chú thích ảnh
Dự kiến Bảo tàng Đà Nẵng sẽ được di dời ra khỏi khu vực thành Điện Hải. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Tổ chức lối vào Thành Điện Hải từ phía đường Quang Trung; tổ chức giao thông tiếp cận và giao thông khu vực xung quanh Quảng trường, đề xuất đầu tư bãi xe ngầm tại khu đất sân tennis hiện trạng (trước đây nằm trong khuôn viên Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Đà Nẵng).

Riêng công trình Nhà hàng và bến du thuyền phía Nam cảng Sông Hàn, đơn vị tư vấn đề xuất chuyển đổi chức năng sang mục đích phục vụ cộng đồng (có thể chuyển thành trung tâm thông tin du lịch kết hợp văn hóa nghệ thuật đương đại), nghiên cứu cải tạo kiến trúc phù hợp với cảnh quan tổng thể.

Ngày 5/7/2018, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã nghe Sở Xây dựng báo cáo phương án quy hoạch kiến trúc khu vực xung quanh Thành Điện Hải và có Công văn chỉ đạo thực hiện một số nội dung liên quan: nghiên cứu điều chỉnh khu đất số 5 đường Lý Tự Trọng để đầu tư xây dựng công viên công cộng kết hợp với nơi để xe nhằm mở rộng không gian di tích Thành Điện Hải, đảm bảo mật độ cây xanh; có phương án khôi phục, mở rộng cổng phía Nam di tích Thành Điện Hải, đồng thời nghiên cứu xây dựng các vịnh dừng, đỗ xe trên tuyến đường Quang Trung (đoạn từ đường Bạch Đằng đến đường Nguyễn Chí Thanh).

Về phương án bố trí các trụ sở liên quan đến việc di dời Bảo tàng lịch sử thành phố, UBND thành phố nhất trí triển khai trong giai đoạn 2019-2020, sử dụng trụ sở HĐND tại 42 Bạch Đằng để cải tạo thành Bảo tàng lịch sử thành phố; hội trường mới tại 42 Bạch Đằng sử dụng với chức năng hỗn hợp làm phòng họp, hội thảo hoặc chiếu phim tư liệu cho Bảo tàng, đồng thời là nơi tổ chức họp HĐND; tháo dỡ toàn bộ tường rào tại khu vực này và đề xuất thêm các không gian trưng bày ngoài trời kết hợp với cảnh quan xung quanh Thành Điện Hải.

Giai đoạn từ 2021-2022, mở rộng bảo tàng qua số 44 và 31 Bạch Đằng, kết nối với Thư viện tổng hợp thành phố và đầu tư hoàn thành các hạng mục của bảo tàng. Để nâng cấp, mở rộng Bảo tàng lịch sử Đà Nẵng thành một bảo tàng có quy mô lớn, vừa mang giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc vừa mang tính hiện đại tương xứng với tầm vóc của một đô thị lớn, một trung tâm kinh tế của miền Trung, cửa ngõ giao thương quan trọng của đất nước, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Đà Nẵng thống nhất tổ chức thi quốc tế phương án thiết kế Bảo tàng lịch sử thành phố để lựa chọn phương án tối ưu làm cơ sở triển khai đầu tư.

Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đem 14 chiếc thuyền đánh Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Thành Điện Hải ngay từ buổi đầu đã cùng với các thành lũy khác dọc hai bờ sông Hàn góp phần đánh lui những cuộc tiến công của quân địch. Quân đội triều đình và nhân dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh, đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, đã chiến đấu can trường, mưu trí, ngăn quân giặc không cho tiến sâu vào đất liền. Cuộc chiến đấu của quân đội triều đình và nhân dân Đà Nẵng đã làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của quân địch, buộc chúng phải rút quân khỏi Đà Nẵng ngày 23/3/1860 sau một năm rưỡi bị sa lầy và chịu nhiều tổn thất.

Ngày 29/3/2018, nhân dịp kỷ niệm 43 năm Ngày Đà Nẵng được giải phóng, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải và khởi công Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích này.

TTXVN/Nguyễn Sơn

Đề nghị công nhận súng thần công thành Điện Hải là bảo vật quốc gia

Đề nghị công nhận súng thần công thành Điện Hải là bảo vật quốc gia

UBND TP. Đà Nẵng vừa cho biết, thành phố đã gửi văn bản đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bộ sưu tập súng thần công Thành Điện Hải (đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng) là bảo vật quốc gia.

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›