(Thethaovanhoa.vn) - Việc cả hai phương án của Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đều không nhận được số phiếu quá bán trong chiều 3/6, đã khiến các đại biểu Quốc hội nhiều băn khoăn và thậm chí là nuối tiếc.
Bởi với thực tế liên tục xảy ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia; dư luận xã hội cũng như các đại biểu đều kỳ vọng vào việc sẽ có những quy định chặt chẽ và nghiêm hơn với vấn đề này. Vậy, lý do vì sao mà không phương án nào nhận được số phiếu quá bán?
'Đáng tiếc' vì phương án 1 không được thông qua
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức chiều ngày 4/6 bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ tiếc nuối khi quy định cấm tuyệt đối lái xe sử dụng rượu bia chưa nhận được quá bán số phiếu đồng ý của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), là người bấm nút chọn phương án 1, cho biết: "Trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông tuyệt đối không được sử dụng rượu bia, bất kể nồng độ như thế nào. Bởi không có một ngưỡng chung về nồng độ cồn áp dụng cho mọi người".
Đồng quan điểm, đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) cho biết, bà đã chọn phương án 1 trong dự thảo mới nhất của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, tức là cấm tuyệt đối lái xe sử dụng rượu bia, bởi "đã dùng rượu bia thì không tham gia giao thông, có như thế mới giảm được những vụ việc tai nạn như thời gian qua".
Theo đại biểu Hồ Thị Minh, có thể vì cách giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa làm rõ cho đại biểu thấy tầm quan trọng, tại sao lại lựa chọn phương án đó, nên có đại biểu nghe không rõ, chọn phương án theo "quán tính", dẫn tới việc phương án 1 không được số phiếu quá bán.
Đại biểu Hồ Thị Minh chia sẻ, với việc chưa thể thông qua dự thảo này, trước mắt có thể áp dụng theo những quy định đã có để xử lý việc lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, nhưng cần siết chặt. Sau đó, sẽ có sự bổ sung, điều chỉnh quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng cảm thấy "tiếc vì phương án 1 không được nhiều đại biểu Quốc hội lựa chọn".
"Nếu phương án “cấm hoàn toàn” này được chọn thì sẽ làm sức mạnh của Luật này tăng hẳn lên, làm tăng chất lượng dự án Luật. Ngược lại, sẽ làm giảm hiệu lực, vì vấn đề tai nạn giao thông thời gian qua chủ yếu do rượu bia", vị đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật chia sẻ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp lại cho hay, ông đã bỏ phiếu cho phương án 2, tức là không chấp nhận để người tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá nồng độ cồn cho phép.
Đại biểu lý giải về sự lựa chọn của mình: "Hiện nay, việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên đường phố rất nhiều. Thứ nữ, trong các mối quan hệ xã giao giữa con người với nhau, đặc biệt ở vùng nông thôn, sử dụng rượu bia rất phổ biến. Có thể cấm cán bộ, công chức, chứ không thể cấm người dân uống rượu bia lái xe. Nếu Quốc hội biểu quyết thông qua quy định cấm người sử dụng rượu bia, dù ít hay nhiều, sẽ gây phản ứng trong dư luận, bởi liên quan đến đời sống người dân".
"Không phải Quốc hội không quyết tâm"
Sau khi có thông tin quy định cấm tuyệt đối lái xe uống rượu bia không nhận quá bán số phiếu đồng ý, một số ý kiến cử tri băn khoăn, liệu có phải đại biểu Quốc hội chưa thực sự quyết tâm ngăn chặn hành vi lạm dụng rượu bia khi lái xe hay không.
Ông Nguyễn Tiến Sinh lý giải, có thể do quá trình chuẩn bị lấy ý kiến chưa chỉn chu, nên nhiều đại biểu vẫn nghĩ phương án 1 đã được ghi trong dự thảo, nhưng dự thảo mới nhất thì phương án đó đã được chuyển thành phương án 2. Chính vì vậy, có thể đại biểu chưa tiếp cận nội dung của phương án mà chỉ nghe phương án 1, phương án 2, nên nhầm lẫn trong lựa chọn.
"Điều này cần khắc phục trong thời gian tới, đoàn chủ tọa phải giải thích cho rõ, chọn phương án này thì tác động như thế nào, tốt và xấu ra sao, trên cơ sở đó đại biểu cân nhắc để chọn", ông Sinh đề nghị.
Nguyên nhân thứ 2, theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, hiện đã có nhiều quy định pháp luật về việc sử dụng rượu bia nồng độ bao nhiêu khi tham gia giao thông. Nếu dự thảo luật này đưa ra quy định cấm, thì có thể chồng chéo quy định của luật đã có. Có thể các đại biểu nghĩ nên chăng sửa các quy định trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh mong muốn dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ được thông qua cuối kỳ họp lần này. Trong quá trình thực hiện có thể điều chỉnh, sửa đổi nếu Luật không đi vào cuộc sống.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 4/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã giải thích thêm về việc Quốc hội xin ý kiến đại biểu về vấn đề xử phạt lái xe sử dụng rượu bia.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông, bởi trong các luật và nghị định hiện hành đều có những quy định chi tiết về việc kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
"Quy định tăng thêm hay giữ như hiện nay đều không được biểu quyết, nên vẫn xử phạt theo luật hiện hành”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh, việc thông tin lại như vậy để mọi người không hiểu lầm rằng pháp luật không có chế tài quy định xử phạt lái xe uống rượu bia.
Liên quan đến việc uống rượu bia của người điều khiển phương tiện giao thông, dự thảo mới nhất của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đưa ra hai phương án: Phương án 1: Quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn. Phương án 2: Quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Chiều 3/6, biểu quyết bằng hệ thống điện tử đối với phương án 1, đã có 214/441 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 44,21% tổng số đại biểu Quốc hội). Với phương án 2, đã có 240/417 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 49,59% tổng số đại biểu Quốc hội). Kết quả biểu quyết cho thấy, cả hai phương án đều chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Do đó sẽ chưa được quy định trong dự luật. |
Bài và ảnh: Hoàng Dương/Báo Tin tức
Tags