(Thethaovanhoa.vn) - Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện và thành phố Cà Mau phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống thiên tai năm 2020; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình khắc phục hậu quả thiên tai do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin, hướng dẫn các kỹ năng ứng phó thiên tai để nhân dân biết, chủ động ứng phó nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân trên địa bàn.
Cơ quan chức năng khẩn trương cập nhật các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu để triển khai ứng phó hiệu quả khi có tình huống thiên tai xảy ra. Đặc biệt là chủ động các phương án bảo đảm an toàn đối với người và tài sản tại các khu vực dân cư có nguy cơ rủi ro cao khi xảy ra các tình huống thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở đất... Các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng, chống thiên tai, hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện ven biển quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền; kịp thời cung cấp thông tin liên quan để tàu thuyền ra vào tránh trú an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới; kiên quyết không cho các tàu cá hết hạn đăng ký đăng kiểm, không đảm bảo thiết bị an toàn, thông tin liên lạc, thuyền trưởng, máy trưởng không có chứng chỉ hành nghề ra khơi hoạt động.
Hiện cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai hiện có như hệ thống đê điều, công trình phòng, chống sạt lở, các trạm bơm, cống ngăn triều, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc...; tổ chức hoạt động tuần tra, xác định các trọng điểm xung yếu nhằm phát hiện kịp thời các sự cố và bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn.
Các huyện ven biển như: Đầm Dơi, Phú Tân, Ngọc Hiển, U Minh, Trần Văn Thời… tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho nuôi trồng thủy, hải sản trên các sông, trên biển, khu vực đảo, hải đảo trước mùa mưa bão. Đồng thời, cơ quan chuyên môn cũng chủ động khuyến cáo điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, chuyển đổi giống, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với hệ sinh thái, điều kiện nguồn nước đảm bảo hiệu quả, bền vững nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cà Mau là địa phương luôn gánh chịu những thiệt hại nặng nề do thiên tai, nhất là sạt lở bờ sông, bờ biển, đê biển, đường giao thông nông thôn… diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Chỉ tính riêng mùa khô năm 2019 - 2020, tỉnh xảy ra hơn 1.600 điểm sụt lún (chủ yếu là đường giao thông nông thôn, đê biển) với tổng chiều dài trên 25km.
- Mưa bão bất thường tại Pakistan, 18 người thiệt mạng do sét đánh
- Bão số 6 mạnh giật cấp 15 gây mưa bão ở khu vực giữa Biển Đông
- Sống chậm cuối tuần: Mùa mưa bão về trên phố
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ và các cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ về giải pháp, nguồn lực để chủ động ứng phó hiệu quả với tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu.
Kim Há/TTXVN
Tags