(Thethaovanhoa.vn) - Sau một thời gian dài chuẩn bị, phố đi bộ Tiên Yên đã được khai trương tối ngày 2/8 nhân Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần 1-2017.
- Quảng Ninh chấm dứt hoạt động xe tuk-tuk sau hơn 10 năm 'lộng hành'
- Quảng Ninh: 3 cháu nhỏ tử vong do đuối nước
- Điều tra đối tượng bịa đặt phát ngôn của nữ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Đây là phố đi bộ đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh, dài khoảng 1 km, nằm trên 2 tuyến phố Hòa Bình và Lý Thường Kiệt - một trong những tuyến phố đẹp nhất Tiên Yên và được ví như là Hội An thứ 2 với rất nhiều công trình kiến trúc Pháp và Hoa được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ 20.
Ít ai ngờ rằng, để có được phố đi bộ với mô hình hoạt động không thua kém gì phố đi bộ Hồ Gươm ở Hà Nội, phần lớn là nhờ vào chính người dân.
Cụ thể, người dân đang sinh sống tại thị trấn huyện đã đưa lên chính quyền ý tưởng nên mở tuyến phố đi bộ trên hai tuyến phố Hòa Bình và Lý Thường Kiệt. Ý tưởng ngay lập tức đã được UBND huyện Tiên Yên ủng hộ, đồng thời đưa ra những định hướng cụ thể.
Từ những định hướng của chính quyền, người dân đã đóng góp nguồn lực, công sức và thậm chí cả... tiền túi để hiện thực giấc mơ biến tuyến phố của mình thành phố đi bộ đầu tiên của tỉnh.
Trong đêm khai mạc, du khách thập phương đã tận thấy và được thưởng thức một sản phẩm du lịch độc đáo của người dân làm ra, được kết nối, bài trí, sắp xếp theo 3 khu mang tính ước lệ gồm: Tiên Yên phố chợ (bày bán các sản vật địa phương), Tiên Yên ẩm thực (giới thiệu các món ăn đặc sản của Tiên Yên) và Tiên Yên phố hát (gồm các hoạt động ca nhạc dân tộc đường phố).
“Nỗ lực, công sức của người dân là rất đáng trân trọng” - ông Trương Công Ngàn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện huyện Tiên Yên nói - “Trước mắt phố đi bộ sẽ duy trì đến hết tuần văn hóa, sau đó chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến người dân về việc tiến tới tổ chức phố đi bộ vào 2 tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Khi có sự đồng thuận của người dân, công tác bảo tồn sẽ phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng thị trấn trở thành điểm du lịch, qua đó quảng bá rộng rãi hình ảnh, tiềm năng của Tiên Yên đến với đông đảo du khách và các nhà đầu tư mới thực sự hiệu quả”.
Về việc bảo tồn khu phố, ông Đào Huy Toàn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Yên trong cuộc trao đổi nhanh với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) cho biết, hiện ở khu vực thị trấn huyện chỉ còn lại khoảng hơn 20 công trình kiến trúc của người Pháp và người Hoa còn sót lại.
Một điểm chung của các công trình kiến trúc cũ ở Tiên Yên là chưa có bất cứ công trình nào được công nhận là di tích. Vì vậy, việc tu bổ, tôn tạo và khai thác giá trị của các công trình này không thể một sớm một chiều có thể thực hiện.
“Huyện đã lập danh sách các kiến trúc cũ còn lại trên địa bàn. Từ nay đến khi tái lập thị xã (khoảng sau 2020) sẽ đưa ra nhiều lộ trình bảo tồn các kiến trúc ấy. Trước mắt là xin công nhận các công trình là di tích, sau là tiến hành tu bổ, đền bù bằng những khu đất mới cho hộ dân nào có nhà cũ...” - ông Đào Huy Toàn nói.
Phạm Huy
Thể thao & Văn hóa
Tags