Dạy gì trong Văn hóa ứng xử học đường?

Thứ Sáu, 20/05/2011 14:10 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Từ tháng 5/2011 chương trình Văn hóa ứng xử học đường được triển khai thí điểm tại một số trường học THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM. Việc làm này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo viên và học sinh.

Hơn 7.000 em học sinh các trường THPT Mạc Đĩnh Chi, THPT Bùi Thị Xuân và trường THCS Nguyễn An Ninh đã được trang bị những kỹ năng ứng xử cần thiết, kể cả trong trường hợp phải đối diện với bạo hành học đường.

Sôi nổi và lý thú

Chương trình Văn hóa ứng xử học đường nhằm giúp các em biết cách điều tiết cảm xúc bản thân, tránh bạo lực học đường, thay đổi hành vi theo hướng tốt đẹp hơn, từ đó định hướng những giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử. Chương trình cũng nhằm hoạch định hướng đi cho học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời một cách tích cực và trang bị kiến thức sống cần thiết giúp các em hội nhập với cuộc sống hiện đại.

Điều đáng chú ý nữa, trước vấn nạn bạo hành trong nữ sinh, chương trình nêu bật lên giá trị bền vững, tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, nét đẹp của chiếc áo dài truyền thống. Chính từ đó, để các em học sinh biết bảo vệ hình ảnh của mình, tránh những trò bạo lực đang tràn lan gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Các em học sinh tham gia học kỹ năng tự vệ


Thầy Nguyễn Minh, giáo viên trường THPT Mạc Đĩnh Chi nhận xét: “Buổi sinh hoạt Văn hóa ứng xử học đường chính là một buổi sinh hoạt kỹ năng sống với các em học sinh. Ngoài câu chuyện mà GS Trần Văn Khê nói về ứng xử của nữ sinh ngày xưa, những nét đẹp dịu dàng của người phụ nữ, còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của văn hóa ứng xử đối với sự thành công của đời người và nhắc nhở học sinh phải ứng xử nhẹ nhàng, dùng lời nói và sự ôn hòa để giải quyết vấn đề chứ không phải là bạo lực. Các em đã tham gia rất nhiệt tình, đặt ra rất nhiều câu hỏi cho các diễn giả, thậm chí có những câu hỏi rất thầm kín. Các em đã được giãi bày và hiểu được cách giải quyết đúng đắn cho vấn đề”.

Em Trần Thị Kim Phê, học sinh lớp 11A23, Trường Mạc Đĩnh Chi cho biết: “Buổi sinh hoạt với các diễn giả đã tác động đến suy nghĩ của em rất nhiều. Không chỉ là những câu chuyện kể, các diễn giả còn đưa ra cho chúng em những tình huống ứng xử cụ thể, điều này trước đây chưa bao giờ có. Cuối cùng chúng em nhận ra ngay cả bản thân mình đôi lúc đã “đánh mất” thái độ tôn trọng người khác, thiếu sự sẻ chia, thông cảm cho nhau và đó là nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực học đường”.

Nâng cao giáo dục kỹ năng sống

Thời gian qua, những hình ảnh bạo lực học đường bùng nổ trên Internet, ngoài hình ảnh đấm đá rùng rợn của những nhân vật đang mặc đồng phục học sinh, còn có thể thấy sự vô cảm, thờ ơ của những em học sinh khác, thậm chí là “vui vẻ” khi chứng kiến cảnh bạo lực trước mắt mình.

Đánh giá về văn hóa ứng xử của học sinh ngày nay, thầy Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi cho biết: “Theo tôi, nạn bạo lực học đường diễn ra trong thời gian qua xuất phát từ môi trường gia đình, xã hội và học tập không nề nếp. Chương trình Văn hóa ứng xử học đường sẽ góp phần đẩy lùi tệ nạn bạo lực học đường. Giáo dục trong nhà trường là toàn diện, bên cạnh việc giảng dạy văn hóa thì phải giáo dục kỹ năng sống, phải có giáo dục ngoại khóa và các hoạt động đa dạng về văn thể mỹ... để giúp các em hình thành nhân cách”.

Cùng với chương trình Văn hóa ứng xử học đường, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đã phối hợp với CA TP.HCM, Nhà Văn hóa Thanh niên tổ chức chương trình Rèn luyện kỹ năng tự vệ cho học sinh nữ, Phòng chống bạo lực học đường...

Bên cạnh đó, cô Trịnh Vũ Hoàng Anh, giáo viên Trường THCS Quang Trung (quận Tân Bình) đánh giá: “Nội dung giáo dục kỹ năng sống, hiện chỉ mới dừng lại ở giao tiếp “bên nói, bên lắng nghe” còn nặng về lý thuyết và rất thiếu thực hành nên hiệu quả chưa như mong muốn. Việc giáo dục về văn hóa ứng xử còn thiếu sự cuốn hút, vì sao chúng ta không đưa ra những tình huống ứng xử để các em tự chọn lựa cách giải quyết tình huống, các em sẽ biết cách giải quyết thế nào là tốt nhất”.

Anh Đức

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›