(Thethaovanhoa.vn) - Cảng vụ Hàng không miền Bắc vừa cho biết đã làm việc với các bên liên quan và đưa ra hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong vụ hành khách đang thuộc diện cấm bay vẫn được bay.
- Máy tính cảnh báo giả, máy bay Jetstar quay lại Nội Bài sau khi cất cánh 30 phút
- Vụ hành khách 'tố' Hải quan Nội Bài: Xác định trách nhiệm 6 cán bộ liên quan
- Làm rõ clip hải quan Sân bay Nội Bài bị tố 'đòi làm luật'
Theo đó, 2 nhân viên an ninh hàng không thuộc Trung tâm an ninh hàng không Nội Bài bị phạt 4 triệu đồng/người về hành vi thực hiện không đúng quy trình. Về phía Hãng hàng không Aeroflot, nhân viên T.A.T cũng bị phạt 4 triệu đồng về hành vi thực hiện không đúng quy trình.
Trước đó, nữ hành khách Phạm Thu Thuỷ đang chịu lệnh cấm bay của nhà chức trách hàng không đã xuất cảnh trên chuyến bay SU 291 từ Hà Nội đi Moscow (Nga) của Hãng hàng không Aerofot.
Nữ hành khách này sinh năm 1982, thường trú tại phường Hải Tân, Tp. Hải Dương bị cấm bay 6 tháng, tính từ ngày 16/9/2017 đến hết ngày 15/3/2018 và kiểm tra trực quan bắt buộc 6 tháng tiếp theo tính từ ngày 16/3/2018 đến hết ngày 15/9/2018.
Lý do bị cấm bay vì nữ hành khách có hành vi chửi bới, cãi nhau trên tàu bay (chuyến bay SU291 của Aeroflot - Hãng hàng không đến từ nước Nga, có trụ sở tại Moscow ngày 16/8/2017), vi phạm quy định về an ninh hàng không, gây mất trật tự công cộng, kỷ luật trên tàu bay.
Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các Hãng hàng không của Việt Nam và nước ngoài khai thác tại Việt Nam trên các chuyến bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Việt Nam không được vận chuyển nữ hành khách này theo thời hạn nêu trên.
Như vậy, Aeroflot đã vi phạm khi vận chuyển hành khách bị cấm vận chuyển. Nhà chức trách hàng không đã yêu cầu Aeroflot phải tổ chức rút kinh nghiệm về vụ việc nêu trên, đồng thời có biện pháp thích hợp, hiệu quả để cảnh báo, phát hiện ngay đối tượng bị cấm vận chuyển khi đặt chỗ, làm thủ tục đi tàu bay để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo quy định, lệnh cấm bay sẽ được gửi đến nhiều cơ quan để phối hợp thực hiện trong toàn bộ 21 Cảng hàng không cả nước, bao gồm các Hãng hàng không trong và ngoài nước, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, các Cảng vụ hàng không (cơ quan đại diện của Cục Hàng không Việt Nam tại các sân bay), các Cảng hàng không (đơn vị quản lý lực lượng an ninh hàng không), Công an cửa khẩu, Chi cục hải quan sân bay.
Trên thực tế, một hành khách đi chuyến bay quốc tế phải thực hiện kiểm tra giấy tờ tùy thân qua nhiều cửa: làm thủ tục check-in, qua cửa kiểm tra an ninh để vào khu vực cách ly và khi làm thủ tục xuất cảnh tại cơ quan Công an cửa khẩu.
Theo quy trình hiện nay, công tác sàng lọc đối tượng cấm bay vẫn được làm thủ công, tức là mỗi khi có lệnh cấm bay, Cục Hàng không Việt Nam gửi văn bản đến từng đầu mối thực hiện. Tại các cửa kiểm tra an ninh có dán bảng danh sách cấm bay để nhân viên an ninh hàng không ghi nhớ và tự đối chiếu khi kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách đi vào khu vực cách ly.
Một vấn đề khó khăn là nếu danh sách cấm bay quá dài, nhân viên an ninh hàng không khó ghi nhớ hết để thực hiện do không được cập nhật trong cùng hệ thống và mỗi cơ quan có cách sàng lọc khác nhau nên rất khó phối hợp thực hiện.
Quang Toàn (TTXVN)
Tags