(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/5, tiếp tục Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín – tiền thân của Ngân hàng Xây dựng, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị mức án đối với các bị cáo.
- Xét xử nguyên Chủ tịch HĐQT và nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín
- Ngân hàng không thể vô can khi xảy ra mất tiền trong thẻ ATM
- Đề nghị truy tố nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình cùng 20 đồng phạm
Theo đại diện Viện Kiểm sát, cáo trạng xác định, cuối tháng 12/2012, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoàng Văn Toàn và các thành viên trong Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín đã thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Thịnh Quốc vay 370 tỷ đồng, Công ty Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ đồng với lãi suất 15% trong thời hạn 12 tháng để mua lại lô đất hơn 5.000 m2 tại khu vực Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng). Khi phê duyệt cấp tín dụng cho hai công ty này vay vốn, các thành viên Hội đồng tín dụng đã không thực hiện đúng quy định như: Hồ sơ vay vốn không có báo cáo tài chính, không đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng, rủi ro…Trên thực tế, các doanh nghiệp này không hoạt động kinh doanh, hồ sơ vay vốn đều lập khống. Khi thông qua việc cấp tín dụng, Hoàng Văn Toàn và cấp dưới đã căn cứ vào chứng thư thẩm định tài sản hình thành trong tương lai với giá trị được đẩy lên nhiều lần. Thực tế, lô đất tại Sân vận động Chi Lăng chưa giải tỏa xong, chưa được cấp giấy chứng nhận và cũng không có bất cứ hoạt động đầu tư nào.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, trong vụ án này vai trò, trách nhiệm chính thuộc về Hoàng Văn Toàn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Trần Sơn Nam là Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín nên cần hình phạt thích đáng tương xứng với vai trò và hành vi phạm tội. Từ những lập luận trên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án từ 6 đến 7 năm tù đối với Hoàng Văn Toàn, từ 5 đến 6 năm tù đối với Trần Sơn Nam. Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án 3 năm tù treo. Về trách nhiệm dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của vụ án này thuộc về Phạm Công Danh, đã được tuyên tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 9/9/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự phúc thẩm ngày 24/1/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, các bị cáo không bị buộc bồi thường thiệt hại trong vụ án này.
Trong phần xét hỏi, các bị cáo cho rằng, việc Hội đồng tín dụng đồng ý cho hai công ty vay tiền là đúng quy định vì được sự cho phép của Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Vào thời điểm đó, ông Hà Tấn Phước (nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Long An, nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước tại Ngân hàng Đại Tín) đã có bút phê trong hồ sơ với nội dung “Ngân hàng Đại Tín muốn cho vay phải đẩy dư nợ xuống bằng với dư nợ cuối ngày 31/12/2011”. Tuy nhiên, tại tòa, ông Phước cho rằng, bút phê đó có ý nghĩa là không đồng ý cho vay. Đại diện Ngân hàng Nhà nước tham dự phiên tòa khi được hỏi về vấn đề này cũng không đưa ra câu trả lời rằng ý nghĩa của bút phê đó là đồng ý hay không đồng ý để Ngân hàng Đại Tín cho hai công ty vay tiền.
Trả lời về việc cho vay căn cứ vào chứng thư thẩm định tài sản hình thành trong tương lai, các bị cáo cho rằng, việc sử dụng chứng thư thẩm định của Công ty DATC làm tài sản đảm bảo cho vay là đúng quy định. Công ty DATC là doanh nghiệp của Bộ Tài chính đã giám định giá trị lô đất này là hơn 900 tỷ. Tuy nhiên, theo giám định của Công ty thẩm định giá miền Nam, khu đất thuộc Sân vận động Chi Lăng chỉ là 178 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Hồ Trọng Thắng còn trình Hội đồng xét xử tài liệu về quy hoạch Sân vân động Chi Lăng thành khu phức hợp và nói rằng, thời điểm đó các bị cáo đều nghe, đọc được qua phương tiện thông tin đại chúng rằng UBND thành phố Đà Nẵng (khi đó ông Trần Văn Minh làm Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, hiện ông Minh bị bắt tạm giam để điều tra trong một vụ án khác) đã phê duyệt chủ trương này nên tin tưởng ra quyết định cho vay.
Dự kiến, phiên tòa xét xử đến ngày 4/5.
TTXVN/Nguyễn Chung
Tags