Đi xem đám cưới người Cơ tu

Thứ Năm, 31/07/2014 10:25 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/7, tại Lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc miền núi lần thứ 18 tỉnh Quảng Nam, đã tái hiện lại đám cưới của người Cơ tu. Trong sự “hiện đại hóa”, chính người Cơ tu, có lẽ đã lâu lắm rồi mới được chứng kiến một phong tục đầy đủ và bản sắc như thế của dân tộc mình.

Mặc dù chỉ là tái hiện lại trên sân khấu nhưng bất cứ ai khi được xem đám cưới của người Cơ tu, huyện Nam Giang (Quảng Nam) đều cảm thấy vô cùng thích thú.

Nếu như đám cưới của người Kinh, nhà trai phải đến nhà gái đón dâu thì đám cưới của người Cơ tu hoàn toàn ngược lại. Đám cưới của người Cơ tu thường được tổ chức ở nhà trai. Trong ngày cưới, nhà gái phải đến nhà trai để làm lễ. Dẫn đầu đoàn nhà gái là cha, mẹ, tiếp đến là họ hàng của nhà gái, và cuối cùng là cô dâu.

Trong lễ cưới, mẹ chú rể sẽ bôi tiết heo lên trán của từng người trong họ hàng để chúc phúc cho bên thông gia mạnh khỏe, sống lâu. Tiết heo bôi trên trán mang thông điệp “Gia đình hai bên kể từ đây là một, cùng chia sẻ miếng cơm, manh áo, ngọt bùi, đắng cay…”


Cô dâu chú rể trao nhau của hồi môn của hai bên gia đình

Như trong lễ cưới của các dân tộc khác, đám cưới của người Cơ tu cũng không thể thiếu chất men để hạnh phúc thăng hoa. Người Cơ tu thường dùng rượu tà vạt và rượu cần trong lễ cưới cũng như sinh hoạt hàng ngày.

Người đồng bào khi nào cũng mến khách, ngay trong đám cưới, cha chú rể sẽ mời rượu họ nhà gái trước. Nhưng, trước khi hai bên gia đình uống cạn chén rượu thì đại diện hai bên gia đình sẽ dâng rượu mời thần linh uống trước, với mục đích thể hiện lòng biết ơn trước ông bà, tổ tiên của họ.

Việc trao của hồi môn cũng thật khéo léo chứ không phô trương như nhiều đám cưới hiện đại ngày nay. Các thành viên trong gia đình hai bên chính là MC cùng nhau hát điệu lý, như lời dẫn vào việc trao của hồi môn cho cô dâu và chú rể.

Sau phần hát lý trao của hồi môn, là nghi thức Dưm (nghi thức cảm tạ đất trời), đây là nghi thức khá độc đáo có lịch sử hàng ngàn năm của người Cơ tu, dù ít được phổ biến trong các đám cưới thời nay.

Cô dâu chú rể được phủ kín bằng một tấm lụa lớn, hai người mẹ của cô dâu và chú rể khẩn cầu thần linh, thần rừng, thần sông, thần núi, thần nương rẫy phù hộ độ trì cho đôi vợ chồng trẻ mạnh khỏe, sống hạnh phúc, sinh nhiều con, nhiều cháu, làm nhiều nương rẫy, bắt được nhiều thú rừng.

Hoàn thành xong các nghi lễ trong nhà, đám cưới sẽ tiếp tục bằng lễ đâm trâu mừng đám cưới. Đâm trâu để cầu khẩn thần linh cho mùa màng bội thu, họ hàng, buôn làng mạnh khỏe, sống lâu, làm cây lúa được cây lúa, làm rẫy bắp được rẫy bắp, nuôi con heo, con trâu, con gà mau lớn, cầu cho mọi người, cho buôn làng không đói ăn, có nhiều của cải, người già được sống lâu, con trẻ sinh nhiều con, nhiều cái… Cha của chú rể làm phép giết trâu, sau đó đưa giáo lại cho một thanh niên khỏe mạnh trong làng thực hiện động tác đâm trâu. Thịt trâu được làm ra để cúng thần linh, và khao khách trong tiệc cưới.

Đăng Khoa
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›