(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Bình Dương vượt mốc 200.196 ca, nhưng số ca mắc không còn đáng lo ngại
Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương, cho biết mặc dù số ca ghi nhận mỗi ngày còn lớn, nhưng không còn đáng lo ngại và Bình Dương đã qua đỉnh dịch. Nhìn tổng thể ca mắc COVID-19 đã kiểm soát được tình trạng tử vong, chỉ chiếm 0,91% trong tổng số ca mắc.
Theo ghi nhận, hiện số ca xuất viện hàng ngày thường cao hơn nhập viện. Riêng ngày 26/9, các cơ sở y tế thu dung 1.769 bệnh nhân nhập viện, nhưng có đến 3.598 bệnh nhân xuất viện. Tính chung đến nay, từ đợt dịch thứ 4 trên địa bàn Bình Dương có 169.811 người mắc COVID-19 đã xuất viện. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh còn 39.130 bệnh nhân đang còn nằm viện điều trị.
Trong khi đó, theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, trong ngày 26/9 trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát hiện thêm 3.332 ca mắc COVID-19 mới.
Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tại Bình Dương đã có hơn 200.196 ca mắc COVID-19, là vùng dịch đứng thứ hai cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh.
Cao điểm ngày hôm nay, tại thị xã Tân Uyên tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất tỉnh với 1.238 trường hợp, kế đến thành phố Thuận An có 1.234 ca F0.
Hiện, phần lớn các ca mắc mới được ghi nhận tập trung ở khu cách ly tập trung và trong khu phong tỏa, còn qua sàng lọc cộng đồng chiếm tỷ lệ thấp.
Hiện công tác xét nghiệm đang triển khai ráo riết tại các phường, xã còn nguy cơ cao để phát hiện sớm F0 làm sạch COVID-19 trong cộng đồng. Riêng trong ngày 26/9, Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố thực hiện xét nghiệm nhanh diện rộng cho 298.402 người, đã phát hiện 2.684 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, (chiếm 0,9%). Hiện vẫn còn 6 xã, phường nguy cơ rất cao (vùng đỏ) và 12 phường, xã (vùng cam, vùng vàng).
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bình Dương đã cho phép nới nỏng giãn cách xã hội tại những “vùng xanh”, khôi phục kinh tế - xã hội và sản xuất tại các khu công nghiệp trong điều kiện bình thường mới.
Cùng ngày, tỉnh Bình Dương đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp và người lao động về tháo gỡ khôi phục sản xuất trong tình hình mới.
Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cho phép đơn vị tự tổ chức test và chịu trách nhiệm với kết quả test đối với công nhân, người lao động khi trở lại sản xuất. Bên cạnh đó sử dụng kết quả test nhanh làm cơ sở cho người lao động lưu thông trong trạng thái bình thường mới.
Theo nhiều doanh nghiệp việc tự tổ chức test cho người lao động nhằm giảm chi phí, bởi phí dịch vụ thuê cơ sở bên ngoài test có giá thành quá cao (từ 250.000-350.000 đồng/lượt) đè nặng lên chi phí sản xuất “3 tại chỗ”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao, cho biết ghi nhận những ý kiến đề xuất của doanh nghiệp và người lao động; qua đó tỉnh sẽ đánh giá thực chất, khách quan và có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong thời gian khôi phục lại sản xuất, sau khi trở về trạng thái bình thường mới.
Bến Tre áp dụng Chỉ thị số 19 từ 0 giờ ngày 27/9
Ngày 26/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam ký ban hành Công văn số 5819/UBND-KGVX về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, toàn tỉnh Bến Tre thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (trừ các khu vực phong tỏa); đồng thời có bổ sung biện pháp tăng cường phù hợp với tình hình phòng, chống dịch của tỉnh trong tình hình hiện nay, bắt đầu từ 0 giờ ngày 27/9/2021 đến khi có thông báo mới.
Khung giờ hạn chế ra đường từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau. Người dân, phương tiện giao thông đăng ký trên địa bàn tỉnh được đi lại trong tỉnh, đảm bảo 5K và dừng đỗ theo hướng dẫn của địa phương.
Người ngoài vào tỉnh; người đi/về tỉnh phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính trong 72 giờ, khai báo y tế và cách ly theo quy định. Người ra khỏi tỉnh khi thật cần thiết phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
Riêng bà con quê Bến Tre, đang thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và 16/CT-TTg ở các tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện nghiêm chỉ đạo chung. Nếu bà con có nhu cầu về tỉnh thì đăng ký với Ban liên lạc đồng hương, tỉnh sẽ phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đón theo kế hoạch để đảm bảo an toàn.
Tỉnh Bến Tre tăng cường kiểm soát ở các chốt cửa ngõ vào tỉnh cả đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển. Tỉnh cho hoạt động các tuyến xe buýt nội tỉnh nhưng lượng người giảm 50% trên từng chuyến, tiếp tục dừng các xe khách liên tỉnh.
Tỉnh Bến Tre tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, các giải đấu thể thao; không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, đám hỏi, đám cưới, đám tang (ngoại trừ phạm vi công sở, trường học, bệnh viện). Người dân được tập thể dục ở công viên nhưng đảm bảo khoảng cách và mang khẩu trang; được sinh hoạt thể thao với quy mô không quá 4 người với yêu cầu đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Các quán, nhà hàng phục vụ ăn uống (trừ uống rượu, bia) được mở nhưng phải thực hiện giãn cách và phòng, chống dịch. Tỉnh khuyến khích bán hàng mang về.
Bên cạnh đó, kết hợp học trực tuyến với học tập trung ở những nơi có điều kiện. Khi tổ chức học tập trung cần giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người để phòng, chống dịch. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thông báo thời gian đi học trở lại theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan, đơn vị, cơ sở một cách phù hợp bảo đảm an toàn cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không để đình trệ công việc nhất là công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tỉnh giao Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan có liên quan và địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý đi vào hoạt động sản xuất thích ứng điều kiện phòng, chống dịch trong tình hình mới theo Kế hoạch số 5782/KH-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2021 về phục hồi, phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.
Ngoài ra, đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thật sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương từng cấp xin ý kiến cấp trên trực tiếp, khi được sự đồng ý thì mới tổ chức và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng.
UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế của địa phương có đề xuất cụ thể các biện pháp tăng cường (không trái với quy định chung của tỉnh) và xin ý kiến Ban chỉ đạo tỉnh quyết định trước khi thực hiện.
Ngày đầu tiên trong gần 3 tháng qua, Hà Nội không có ca dương tính
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 25-9 đến 18h ngày 26-9, Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới. Đây là ngày đầu tiên trong gần 3 tháng qua, thành phố không ghi nhận ca dương tính mới. Còn tính từ 6h ngày 25-9 đến 18h ngày 26-9, thành phố đã có 36 tiếng không có ca dương tính mới.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (tính từ ngày 27-4 đến nay), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.965 trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Ngoài ra, 190 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.
Một số chùm ca bệnh phức tạp trên địa bàn thành phố thời gian qua, như: Phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân ghi nhận 594 ca nhiễm, chung cư A1-A4-A5 khu đô thị Đền Lừ (28 ca), tổ 4 phường Việt Hưng, quận Long Biên (26 ca), chung cư Đồng Phát, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (5 ca).
Về công tác tiêm chủng, ngành Y tế Thủ đô và các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương trên địa bàn đã tiêm được hơn 6,7 triệu mũi vắc xin, trong đó có hơn 5,76 triệu mũi 1 (đạt 95,71% dân số trên 18 tuổi và 69,42% tổng dân số), gần 950 nghìn mũi 2 (đạt 15,76% dân số trên 18 tuổi và 11,43% tổng dân số).
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội khẳng định, không có vắc xin nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%. Với vắc xin phòng Covid-19, loại cao nhất cũng chỉ đạt hiệu quả bảo vệ 85-87%. Vì vậy, kể cả tiêm đủ hai mũi vắc xin cũng chỉ có hiệu quả bảo vệ nhất định tùy theo đáp ứng miễn dịch của từng người.
Trong 8 loại vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại nước ta, vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được tiêm nhiều nhất. Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22, hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt 69,2%. Sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần, hiệu lực đạt 55,1%. Sau 6-8 tuần, tỷ lệ này là 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.
"Do đó, không phải cứ tiêm vắc xin là không thể mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu người dân được tiêm vắc xin sẽ giúp khi mắc bệnh không chuyển biến nặng, giảm nguy cơ tử vong. Việc thực hiện "5K" vẫn đã, đang và sẽ là biện pháp cần phải duy trì thì mới bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch. Nếu người dân chủ quan, vẫn ra đường, tụ tập nơi đông người khi không có việc thực sự cần thiết rất có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân, gia đình và cộng đồng", ông Khổng Minh Tuấn cho biết.
Thêm 10.011 ca mắc COVID-19, riêng TP HCM đã 5.121 ca
Bản tin dịch COVID-19 ngày 26/9 của Bộ Y tế cho biết có thêm 10.011 ca mắc COVID-19, riêng TP HCM đã chiếm hơn một nửa với 5.121 ca. Trong ngày có 11.477 bệnh nhân khỏi, cao hơn số mắc 1.466 ca.
Thông tin các ca nhiễm COVID-19 mới:
- Tính từ 17h ngày 25/9 đến 17h ngày 26/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.011 ca nhiễm mới trong nước (tăng 329 ca so với ngày trước đó) tại 35 tỉnh, thành phố (có 5.313 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (5.121), Bình Dương (3.332), Đồng Nai (746), Long An (171), Kiên Giang (99), An Giang (81), Tiền Giang (63), Cần Thơ (52), Đắk Lắk (49), Hà Nam (49), Khánh Hòa (38), Tây Ninh (37), Bình Phước (27), Quảng Bình (24), Gia Lai (17), Bình Định (14), Ninh Thuận (12), Đồng Tháp (10), Bình Thuận (9), Đà Nẵng (8 ), Phú Yên (7), Hậu Giang (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (5), Bạc Liêu (5), Quảng Trị (4), Cà Mau (3), Đắk Nông (3), Vĩnh Long (3), Quảng Ngãi (3), Nghệ An (3), Lâm Đồng (2), Quảng Nam (2), Thừa Thiên Huế (2), Thanh Hóa (2), Hà Nội (2).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-297), Đồng Nai (-250), Bình Phước (-120).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (1.075), Đắk Lắk (40), Gia Lai (17).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 9.938 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 756.689 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.689 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 752.185 ca, trong đó có 522.747 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 05 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (371.660), Bình Dương (200.196), Đồng Nai (45.667), Long An (31.789), Tiền Giang (13.787).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 11.477
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 527.926
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.321 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.723
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 728
- Thở máy không xâm lấn: 119
- Thở máy xâm lấn: 719
- ECMO: 32
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 184 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (131), Bình Dương (26), Đồng Nai (9), Long An (4), An Giang (4), Tây Ninh (2), Kiên Giang (2), Tiền Giang (2), Đà Nẵng (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Nghệ An (1), Quảng Ngãi (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 213 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.584 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 162.977 xét nghiệm cho 432.433 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 17.968.310 mẫu cho 51.559.933 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Trong ngày 25/9 có 787.838 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 38.367.246 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.420.963 liều, tiêm mũi 2 là 7.946.283 liều.
Quảng Bình: Thêm 24 ca mắc COVID-19, nâng tổng số mắc lên 1.626 ca
Thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình cho biết đến 6 giờ sáng ngày 26/9, tỉnh này có 24 ca mắc COVID-19 mới trong các khu cách ly, khu phong toả và 68 ca khỏi bệnh.
Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 1.626 ca, có 1100 ca khỏi. Hiện còn 522 bệnh nhân đang điều trị. Tỉnh cũng ghi nhận 04 trường hợp mắc COVID-19 tử vong.
Hiện có 2.131 trường hợp đang cách ly tập trung, hơn 5.509 trường hợp cách ly tại nhà.
Hiện đã có hơn 157.536 người tại Quảng Bình đã tiêm vaccine phòng COVID-19 trong đó 52.086 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Đồng Nai phát hiện 50 ca mắc ở một phường sau khi nới lỏng giãn cách
Theo lãnh đạo UBND P. Trảng Dài, liên tục trong những ngày sau khi gỡ quy định cách ly phong tỏa từ 21-9, địa phương tiếp tục xét nghiệm theo kế hoạch của UBND thành phố và UBND phường, qua đó đã phát hiện trên 50 ca nhiễm COVID-19 mới trên địa bàn phường rải rác tại một số khu phố.
Ngay sau khi phát hiện các ca nhiễm, lực lượng chức năng của phường đã lập các chốt khoanh vùng phong tỏa ở phạm vi hẹp để kiểm soát không để người dân ra vào các khu vực trên nhằm hạn chế lây lan dịch COVID-19 ra cộng đồng.
Hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây tại các khu vực này, tuy nhiên bước đầu nhận định có thể do nhiều người dân có tâm lý chủ quan sau khi P.Trảng Dài được gỡ quy định cách ly y tế, phong tỏa đã đi ra tiếp xúc với nhiều người, trong đó nguy cơ lây nhiễm cao từ những người giao hàng rồi về lây nhiễm cho những người khác xung quanh.
Tính đến nay, P. Trảng Dài đã ghi nhận trên 750 ca nhiễm COVID-19 và đang thuộc "vùng cam" có nguy cơ cao về lây nhiễm COVID-19.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, tính đến sáng 26/9, toàn tỉnh ghi nhận 45.716 ca mắc COVID-19, trong số này có hơn 23.000 trường hợp khỏi bệnh, xuất viện.
Về tiến độ tiêm vaccine, hiện tỉnh đã tiêm 1.910.977 liều vaccine phòng COVID-19 cho 1.774.584 người (chiếm tỷ lệ 78,73% người từ 18 tuổi trở lên). Trong đó, 136.393 người đã tiêm 2 liều (chiếm tỷ lệ 6,05%). Số vaccine còn lại chưa tiêm là 139.430 liều.
Ghi nhận 17 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, Gia Lai phong tỏa hẹp một số nơi
Ngày 26/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai cho biết: Sau hai ngày không ghi nhận ca mắc mới, đến sáng 26/9, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 17 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2; trong đó có 15 trường hợp liên quan đến chùm ca bệnh tổ 11, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, 2 trường hợp liên quan đến dự án điện gió Ia Le - huyện Chư Pưh và Ia Pết - huyện Đak Đoa.
Như vậy, tính từ ngày 28/5 đến 7 giờ ngày 26/9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 547 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Hiện nay có 282 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 2 ca tử vong, 263 người đang tiếp tục được điều trị.
Ngay sau khi ghi nhận các ca mắc mới, tỉnh Gia Lai đã triển khai các công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đối với chùm ca bệnh tại tổ 11, phường Hoa Lư, ngay trong tối 25/9, các cơ quan chức năng đã xét nghiệm 224 trường hợp đối với khu vực nhà của F0 tại đường Lê Đình Chinh, truy vết được 22 F1; 26 người F2. Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục thực hiện truy vết các F1, F2.
Đối với chùm ca liên quan đến dự án điện gió, lực lượng chức năng đã truy vết, xét nghiệm khu vực nhà trọ xung quanh với 54 người, có kết quả âm tính.
Lực lượng chức năng khẩn trương khoanh vùng diện rộng tổ 11, phường Hoa Lư; phong tỏa hẹp đối với các khu vực có mốc dịch tễ liên quan đến các chùm ca bệnh nêu trên; phun khử khuẩn ngay trong ngày 26/9 đối với chợ Hoa Lư, đường Lê Đình Chinh và trường tiểu học Bùi Dự, thành phố Pleiku.
Cùng với đó, lực lượng chức năng tiếp tục xét nghiệm cộng đồng đối với tổ dân phố 11, phường Hoa Lư; Trường tiểu học Bùi Dự; xét nghiệm trọng điểm tại chợ Hoa Lư và các hộ gia đình tại tổ dân phố 9, 11, 12 và làng Ốp thuộc phường Hoa Lư; tạm dừng việc học đối với trường tiểu học Bùi Dự và khẩn trương tiến hành đánh giá lại đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai cũng phát đi thông báo các điểm dịch tễ liên quan đến 2 chùm ca bệnh tại tổ dân phố 11, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku và dự án điện gió Ia Le - huyện Chư Pưh và Ia Pết - huyện Đak Đoa.
Đối với chùm ca bệnh tại tổ dân phố 11, phường Hoa Lư, người dân có liên quan đến các điểm dịch tễ gồm chợ Hoa Lư (mua chuối chỗ cô V) từ 7-8 giờ ngày 20/9; quán cà phê KAN, 260 đường Cách Mạng Tháng Tám từ 20- 25/9; 35 Lê Hồng Phong ngày 22/9; quán cà phê SAHA, đường Wừu ngày 24/9; quán Thủy Cốc, đường Phù Đổng ngày 24/9 cần thực hiện khai báo y tế tại nơi gần nhất.
Đối với chùm ca bệnh liên quan đến dự án điện gió Ia Le - huyện Chư Pưh và Ia Pết - huyện Đak Đoa, đây là 2 trường hợp khai báo y tế không trung thực để trốn cách ly tập trung; khai báo di chuyển và điểm đến không trung thực, không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly tại nhà khi đã có quyết định cách ly, vẫn đi lại nhiều nơi giữa thành phố Pleiku và huyện Đak Đoa.
Lịch trình di chuyển như sau, từ ngày 4/9- 21/9: H.L.M.T ở nhà số 13/28/10 đường 35 khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh (đã được test COVID-19 ba ngày/1 lần); V.T.H trong 3 tháng Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội không tiếp xúc với ai (đã tiêm mũi 1 vaccine ngày 22/6/2021, tiêm mũi 2 ngày 1/8/2021). Đến ngày 20/9, H.L.M.T và V.T.H cùng đến bệnh viện Hoàn Mỹ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh để test nhanh COVID-19, kết quả âm tính (được cấp giấy). Sau đó, đến khoảng 22 giờ ngày 21/9, hai người này đi xe ô tô con BKS 51F 264.24 từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Gia Lai, khi đến chốt kiểm soát cầu 110 khai báo y tế nhưng không đủ giấy tờ để vào địa bàn, lực lượng trực chốt kiểm dịch không cho qua nên ngủ tại xe chờ giấy bảo lãnh để đi tiếp.
Đến sáng 23/9, hai công dân này được đi qua chốt cầu 110 và đến khách sạn Khải Yến đường Tạ Quang Bửu, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku lưu trú; sau đó, đến khoảng 8 giờ ăn sáng tại quán phở Nam Định, đường Nguyễn Tất Thành, phường Phù Đổng, thành phố Pleiku (cạnh quán cà phê Voi), đến quán Cà phê Voi – đường Nguyễn Tất Thành đến 10 giờ di chuyển vào trụ 38, 39, 40 của công trình điện gió Ia Pết- huyện Đăk Đoa.
Ngoài ra, trong các ngày từ 23- 25/9, hai người này di chuyển nhiều nơi như quán bê thui Sáu Cảnh (địa chỉ 109/6 Tạ Quang Bửu, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku); thôn Blo, xã Adơk, huyện Đak Đoa, nhà hàng Cơm Niêu Ngon 3 miền, thành phố Pleiku; quán cà phê gần nhà hàng Cơm Niêu Ngon 3 miền.
Hà Nội không có ca dương tính mới trong 24 giờ qua, còn 22 điểm phong toả
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua (tính từ 6h sáng 25/9 đến 6h sáng 26/9), Hà Nội chưa có thêm ca dương tính.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) là 3.965 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.364 ca.
Tính đến 18h ngày 25/9, trên địa bàn thành phố có tổng số 656 điểm phong toả, trong đó số điểm đang phong toả là 22.
Trong ngày 25/9, quận Thanh Xuân đã dỡ bỏ phong tỏa đối với ngõ 332 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) sau gần 1 tháng cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 23/8, quận Thanh Xuân thành lập khu vực cách ly y tế ngõ 328, 330 đường Nguyễn Trãi ngay sau khi có thông tin về trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn. Quận cũng tổ chức xét nghiệm diện rộng, phát hiện có trường hợp mắc Covid-19 tại ngõ 332 đường Nguyễn Trãi và khu vực này đã được phong tỏa.
Theo UBND quận Thanh Xuân, khu vực ngõ 328, 330 đường Nguyễn Trãi dự kiến sẽ phong tỏa đến hết ngày 28/9. Tính từ ngày 23/8 đến nay, phường Thanh Xuân Trung đã ghi nhận 594 ca dương tính.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về công tác cách ly, hiện trên địa bàn thành phố còn 3.156 người đang cách ly, trong đó có 2.056 người tại khu cách ly tập trung cho F1 và người về từ vùng dịch; 137 người tại khu cách ly tập trung do quân đội quản lý, 869 người cách ly tại khách sạn, 94 người tại khu cách ly dành cho tổ bay.
Về công tác tiêm chủng, ngành Y tế Thủ đô và các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương trên địa bàn đã tiêm được hơn 6,7 triệu mũi vắc xin, trong đó có hơn 5,76 triệu mũi 1 (đạt 95,71% dân số trên 18 tuổi và 69,42% tổng dân số), gần 950 nghìn mũi 2 (đạt 15,76% dân số trên 18 tuổi và 11,43% tổng dân số).
Hơn 4.460 ca COVID-19 nặng đang điều trị; 16 tỉnh qua 14 ngày chưa ghi nhận ca mắc trong cộng đồng
Đến nay Việt Nam có 746.678 ca mắc COVID-19, trong đó 516.449 bệnh nhân đã khỏi; Trong số các trường hợp đang điều trị có 4.461 bệnh nhân nặng. 16 tỉnh qua 14 ngày chưa ghi nhận ca mắc trong cộng đồng.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 746.678 ca mắc COVID-19, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.587 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 742.174 ca, trong đó có 511.270 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 05 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (366.539), Bình Dương (196.864), Đồng Nai (44.921), Long An (31.618), Tiền Giang (13.724).
- Học sinh Hà Nội đi học trở lại: Phải vừa an toàn, vừa bảo vệ thành quả phòng, chống dịch
- Từ 27/9, Bình Dương áp dụng quét mã QR để phòng, chống dịch Covid-19
- Ba tổ chức phi Chính phủ khởi động chiến dịch hỗ trợ trẻ mồ côi vì Covid-19
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 25/9 là 10.590 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 516.449
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.461 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.807
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 753
- Thở máy không xâm lấn: 127
- Thở máy xâm lấn: 742
- ECMO: 32
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 220 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.400 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 189.606 xét nghiệm cho 400.433 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 17.805.333 mẫu cho 51.127.500 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 37.583.248 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.027.703 liều, tiêm mũi 2 là 7.555.545 liều.
PV/TTXVN
Tags