(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Tiếp tục cập nhật
Một học sinh dương tính, ba huyện ở Đắk Nông tạm dừng việc dạy học từ ngày 6/9
Chiều 5/9, ông Trần Quang Hào, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông xác nhận, huyện Đắk R’lấp ghi nhận một học sinh dương tính với SARS-CoV-2 chưa rõ nguồn lây.
Cụ thể, trường hợp này là T.D, học sinh lớp 6, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Đắk R’lấp (thường trú tại bon BuBia, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp). Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR. Hiện ngành Y tế tỉnh cùng lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra, truy vết, khoanh vùng, phong tỏa các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm.
Ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Đắk R’lấp trước đó được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Đến ngày 31/8, trường mới được địa phương bàn giao lại. Do vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh quyết định không tổ chức khai giảng mà cho học sinh tựu trường sau. Các trường dân tộc nội trú đều thực hiện "3 tại chỗ".
Trước khi tựu trường, các em học sinh được tổ chức xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Quá trình thực hiện test nhanh đã phát hiện một học sinh có kết quả dương tính. Nhà trường đã tiến hành ngay các biện pháp cách ly em học sinh tại phòng riêng và tuân thủ quy định về phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước tình hình trên, ngành Giáo dục tỉnh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trên địa bàn huyện Đắk R’lấp, Cư Jút, Krông Nô và các cơ sở giáo dục tại các xã thuộc diện nguy cơ trở lên tạm dừng việc tổ chức dạy học trực tiếp tại trường cho học sinh từ ngày 6/9 cho đến khi có thông báo mới. Các cơ sở giáo dục còn lại sẽ tổ chức học theo phương án giãn cách bảo đảm không quá 50% số học sinh/lớp/buổi.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người huyện Đắk R’lấp đã ban hành quyết định về việc cách ly y tế toàn bộ xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Thời gian giãn cách là 14 ngày, từ 21 giờ ngày 5/9/2021 (tùy theo diễn biến tình hình dịch mà thời gian cách ly có thể kéo dài hơn).
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 308 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, trong đó, đang điều trị 142 ca (166 ca đã khỏi bệnh).
Thêm 3.540 ca mắc mới, Bình Dương đưa thêm bệnh viện 1.580 giường vào điều trị
Tối 5/9, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin, trong ngày 5/9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 3.540 ca mắc mới COVID-19. Số ca đã tăng trở lại hơn 42% so với ngày 4/9. Nguyên nhân tăng cho thấy trong khu phong tỏa và cộng đồng vẫn còn nhiều ca mắc COVID-19 mới.
Cụ thể, số ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa với 2.774 ca (chiếm 78,3); 530 ca qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, chiếm 15%; 223 ca qua kết quả khẳng định PCR tại khu cách ly tạm thời, chiếm 6,3% và 13 ca tại cơ sở y tế (chiếm 0,4%).
Thành phố Thuận An vẫn là điểm nóng, ghi nhận thêm 867 ca trong ngày 5/9; tiếp đến là thị xã Tân Uyên 810 ca, thị xã Bến Cát 712 ca, thành phố Dĩ An 704 ca và thành phố Thủ Dầu Một 286 ca…
Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 132.433 ca mắc COVID-19; 1.097 bệnh nhân tử vong.
Từ ngày 6/9, tỉnh Bình Dương cho phép nới lỏng giãn cách xã hội đối với 4 huyện đã thiết lập được “vùng xanh” gồm huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên. Theo đó, các địa phương trên còn áp dụng Chỉ thị 15 tăng cường, hạn chế tụ tập đông người.
Trước việc ghi nhận hàng nghìn ca mắc COVID-19 mới, ngày 5/9, tỉnh Bình Dương tiếp tục đưa vào vận hành thêm Bệnh viện dã chiến số 5 có quy mô 1.580 giường. Bệnh viện do các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ triển khai xây dựng đặt tại đường số 1, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, thành phố Thủ Dầu Một. Đây là công trình Bệnh viện dã chiến được tận dụng khu nhà máy sản xuất rộng hàng chục nghìn mét vuông thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dệt Liên Châu để triển khai với quy mô lớn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng biểu dương thành phố Thủ Dầu Một đã nỗ lực trong thời gian ngắn cùng các đơn vị hỗ trợ lắp đặt xong Bệnh viện dã chiến số 5 kịp thời đưa vào sử dụng. Việc đưa Bệnh viện này vào hoạt động đã đáp ứng cho công tác cách ly, chăm sóc, điều trị, cấp cứu bệnh nhân theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế; bảo đảm sức khỏe, an toàn cao nhất cho bệnh nhân và cán bộ, nhân viên làm việc tại đây.
Như vậy, đến nay, tỉnh Bình Dương đã thành lập được 7 bệnh viện dã chiến với hơn 20.000 giường bệnh, nhiệm vụ thu dung điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 gồm cả 3 tầng. Trong đó, phần lớn các bệnh viện dã chiến phục vụ điều trị bệnh nhân F0 thuộc diện tầng 1, tầng 2 điều trị bệnh nhân với triệu chứng nhẹ hơn.
Hiện các cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang điều trị 51.957 bệnh nhân. Trong ngày 5/9, Bình Dương có thêm 3.206 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện tính từ đợt dịch thứ 4 lên 75.885 người.
Quảng Ngãi thêm 25 ca dương tính, một Bệnh viện tư nhân tạm ngừng hoạt động
Ngày 5/9, Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin, tiếp tục ghi nhận thêm 25 người dương tính với virus SARS-CoV-2; trong đó có 16 người liên quan đến Công ty Hoya Lens Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi.
Cụ thể, 14 ca là công nhân Chi nhánh Công ty Hoya Lens tại Quảng Ngãi, 2 ca là F1 của nhân viên Chi nhánh Công ty Hoya Lens tại Quảng Ngãi đã được ghi nhận mắc COVID-19 những ngày trước.
6 ca trong khu vực phong tỏa thôn Tân An và thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An (thành phố Quảng Ngãi);1 ca từ Quảng Trị về cách ly tập trung tại thành phố Quảng Ngãi.
Đặc biệt, một ca là nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng khi xúc gần với với BN 460943 trong ngày 30/8. Ngay sau đó, nhân viên y tế trên đã thực hiện cách ly tại bệnh viện, đến chiều 4/9 có biểu hiện sốt nên được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Một ca mắc COVID-19 là vợ của nhân viên y tế ở tổ 1, phường Nghĩa Chánh (thành phố Quảng Ngãi).
Ngay sau khi phát hiện một ca F0 là nhân viên y tế của đơn vị, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng đã tạm ngừng hoạt động để phối hợp với ngành Y tế tiến hành phun khử khuẩn và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho toàn bộ nhân viên y tế và bệnh nhân nội trú. Được biết, Bệnh viện hiện có 250 nhân viên y tế, khoảng 100 bệnh nhân nội trú và người nhà.
Quy trình lấy mẫu xét nghiệm toàn bệnh viện được triển khai theo hình thức phân luồng phòng dịch với hai tổ lấy mẫu riêng biệt bên trong và ngoài bệnh viện. Sau khi phun khử khuẩn, bệnh viện sẽ hoạt động trở lại nếu toàn bộ nhân viên y tế và bệnh nhân, người nhà có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trước đó, sáng 28/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký Quyết định hỏa tốc về việc thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch COVID-19 trên địa bàn các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Trà Bồng, Sơn Hà, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi, tương ứng mức “nguy cơ rất cao” và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong thời gian 14 ngày kể từ 12 giờ ngày 28/8/2021.
Thêm 13.137 ca mắc, riêng TP HCM và Bình Dương đã gần 9.800 ca
Bản tin dịch COVID-19 ngày 5/9 của Bộ Y tế cho biết có 13.137 ca mắc COVID-19, cao hơn hôm qua 3.616 ca. Số mắc của TP HCM và Bình Dương cộng lại gần 9.800 ca. Trong ngày có 9.211 bệnh nhân khỏi.
Thông tin các ca mắc mới COVID-19:
Tính từ 17h ngày 04/9 đến 17h ngày 05/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.137 ca nhiễm mới, trong đó 36 ca nhập cảnh và 13.101 ca ghi nhận trong nước tại TP HCM (6.226), Bình Dương (3.540), Đồng Nai (1.243), Long An (756), Kiên Giang (345), Tiền Giang (133), Cần Thơ (100), Tây Ninh (91), Đồng Tháp (78), Khánh Hòa (74), An Giang (73), Đà Nẵng (64), Hà Nội (53), Bà Rịa - Vũng Tàu (51), Nghệ An (48), Bình Thuận (47), Trà Vinh (33), Quảng Ngãi (25), Phú Yên (24), Bình Phước (22), Vĩnh Long (20), Bình Định (13), Cà Mau (6), Lâm Đồng (5), Bến Tre (5), Bắc Ninh (5), Quảng Trị (4), Thanh Hóa (4), Lạng Sơn (3), Sơn La (2), Bạc Liêu (2), Ninh Thuận (1), Quảng Nam (1), Hà Tĩnh (1), Bắc Giang (1), Quảng Ninh (1), Đắk Nông (1) trong đó có 7.521 ca trong cộng đồng.
- Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 3.580 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 2.122 ca, Bình Dương tăng 1.055 ca, Đồng Nai tăng 251 ca, Long An tăng 212 ca, Kiên Giang tăng 220 ca.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 524.307 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.330 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 520.013 ca, trong đó có 288.953 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 09/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
+ Có 07 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (251.414), Bình Dương (132.433), Đồng Nai (28.549), Long An (25.085), Tiền Giang (10.571).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 9.211
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 291.727
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.291 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.015
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.207
- Thở máy không xâm lấn: 146
- Thở máy xâm lấn: 892
- ECMO: 31
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 281 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (222), Bình Dương (38), Tiền Giang (5), Cần Thơ (4), Long An (3), Bình Thuận (2), Đồng Tháp (2), Khánh Hòa (2), Hà Nội (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Đồng Nai (1).
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.074 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 494.098 xét nghiệm cho 807.773 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 17.201.086 mẫu cho 38.990.152 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COIVD-19
Trong ngày 04/9 có 336.381 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 21.445.181 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 18.246.636 liều, tiêm mũi 2 là 3.198.545 liều.
Hà Nội có 53 ca mắc trong ngày, 8/11 chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây
Sở Y tế Hà Nội tối 5/9 cho biết trong chiều nay ghi nhận thêm 7 ca dương tính mới, trong đó 4 ca tại khu cách ly, 3 ca tại khu phong tỏa. Như vậy tính từ 18h ngày 4/9 đến 18h ngày 5/9, Hà Nội ghi nhận 53 ca, trong đó 2 ca tại cộng đồng.
Trong 7 ca mới ghi nhận có 4 ca ở ngõ 328, 330 và 332 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, nâng tổng số ca bệnh ở phường này lên 462.
Ca còn lại ở quận Thanh Xuân là chị T.T.T, 31 tuổi, ở 41 Khương Đình, Thanh Xuân. Chị là F1 của bệnh nhân N.H.T, được cách ly tập trung từ ngày 29/8 và xét nghiệm 1 lần âm tính. Ngày 5/9, chị được lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm dương tính.
Trường hợp thứ 5, 6 là hai bé trai T.T.D và N.T.D (5-6 tuổi) ở xóm Ngò, thôn An Hạ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức. 2 bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa, đã có xét nghiệm âm tính trước đó. Ngày 3/9, hai bé được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ tại khu vực phong tỏa cho kết quả nghi ngờ, ngày 4/9 được lấy lại mẫu cho kết quả dương tính.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.527 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.563 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.964 ca.
Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều nay, Bộ Y tế cho biết tại Hà Nội, đến nay có 11 chuỗi lây nhiễm gồm 3 chuỗi đã xác định được nguồn lây và 8 chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây, trong đó ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), ổ dịch phường Văn Miếu và Văn Chương (ở Đống Đa), ổ dịch Giáp Bát (Hoàng Mai) đang là những ổ dịch có diễn biến phức tạp nhất trên địa bàn thành phố. Trong 7 ngày gần đây số ca mắc có xu hướng tăng, trung bình mỗi ngày trên 70 ca.
Bộ Y tế cũng nhận định, cùng với các tỉnh/thành như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên thì Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi trong tuần qua có số ca mắc được phát hiện qua tầm soát cộng đồng, sàng lọc tại cơ sở y tế khoảng 15-30%, nên thời gian tới vẫn có thể phát sinh thêm các ổ dịch mới.
Trên cơ sở các tiêu chí kiểm soát dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 3979/QĐ-BYT và Quyết định số 3989/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Hà Nội thuộc nhóm đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch.
Sơn La thêm 32 ca dương tính tại cộng đồng
Ngày 5/9, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nâng tổng số lên 220 ca mắc.
Qua rà soát nhanh các yếu tố dịch tễ, cả hai bệnh nhân vừa cho kết quả dương tính là F1 của chùm ca bệnh cộng đồng tại bản Úm 2, xã Huy thượng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La liên quan đến các bệnh nhân được phát hiện tại cộng đồng đã được đưa đi cách ly tập trung và cách ly tại gia đình (trong vùng phong tỏa).
Hiện tại 1 bệnh nhân có sức khỏe bình thường và 1 bệnh nhân không sốt, không ho, có sổ mũi, đau rát họng, khó thở nhẹ.
Như vậy tính từ ngày 21/7 đến ngày 5/9, tỉnh Sơn La đã ghi nhận 220 ca mắc COVID-19, trong đó 188 trường hợp phát hiện trong khu cách ly tập trung và 32 trường hợp phát hiện tại cộng đồng.
Hiện tại 50 bệnh nhân F0 tại huyện Phù Yên đã khỏi bệnh và ra viện, 1 bệnh nhân chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị; 1 bệnh nhân đang điều trị cách ly tại Bệnh viện đa khoa huyện Phù Yên và 168 trường hợp đang điều trị tại khu điều trị F0 của huyện Phù Yên.
Để bảo vệ và nhân rộng "vùng xanh", ngành y tế tỉnh Sơn La đã tích cực triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm hơn 100.000 mũi vaccine phòng COVID-19, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Một nhân viên giao hàng mắc dương tính, Hà Nội thêm 40 ca
Sở Y tế Hà Nội trưa 5/9 cho biết trong 6 giờ qua Thủ đô ghi nhận 40 ca nhiễm COVID-19 trong đó 29 ca tại khu cách ly, 10 ca tại khu phong tỏa, 1 ca tại cộng đồng.
Ca phát hiện tại cộng đồng là chị H.T.D, 37 tuổi, ở ngõ 3, Tả Thanh Oai, Thanh Trì. Đây là trường hợp được xét nghiệm sàng lọc do sống trong khu vực nguy cơ cao, kết quả dương tính.
39 ca còn lại đều là F1 của các trường hợp ho, sốt cộng đồng. Cụ thể: Quận Thanh Xuân có 15 ca; Hai Bà Trưng (7); Thanh Trì (5); Hoài Đức (5); Hoàng Mai (2); Đống Đa (2); Ba Đình (1); Đan Phượng (1); Hoàn Kiếm (1).
Trong 15 ca ở quận Thanh Xuân đều có địa chỉ ở phường Thanh Xuân Trung (chủ yếu ở ngõ 328, 330 và 332 Nguyễn Trãi), nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở phường này lên khoảng 440 ca.
Trong 7 ca ở quận Hai Bà Trưng, có 2 ca ở E1 Tây Kết, phường Bạch Đằng; 5 ca ở 780 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, trong đó có 4 người cùng một gia đình ở tầng 27, T1 Times City.
5 ca ở huyện Hoài Đức có địa chỉ tại xóm Ngò, An Hạ, xã An Thượng.
2 ca ở quận Hoàng Mai có địa chỉ ở bến xe Giáp Bát (phường Giáp Bát) và tầng 17 HH4C (Hoàng Liệt).
2 ca ở quận Đống Đa có địa chỉ ở ngõ 4 Phương Mai (phường Phương Mai) và nhà 20D tầng 1 Trần Quý Cáp (phường Văn Miếu).
5 ca ở huyện Thanh Trì có 3 trường hợp địa chỉ tại số 102 dãy A7, tổ 2 Thanh Liệt; 2 ca ở Tả Thanh Oai và 1 ca ở TDP2 Thanh Liệt.
Trong đó, có anh L.A.Q, 36 tuổi, ở ngõ 1 Tả Thanh Oai, Thanh Trì. Anh làm nghề shipper tự do; là F1 (ngày 27/8 có vào quán cơm cạnh tổng kho 216 Phan Trọng Tuệ uống nước, có tiếp xúc gần chủ quán là F0) sau đó anh được chuyển cách ly tập trung tại khu cách ly Vĩnh Quỳnh. Đến ngày 4/9, anh có triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
3 ca còn lại được phát hiện sáng nay có địa chỉ tại 71 Tân Ấp (phường Phúc Xá, quận Ba Đình); cụm 9 (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) và 17 Thanh Hà (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.520 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.563 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly có 1.957 ca.
Bình Thuận khẩn trương khoanh vùng dập dịch sau khi ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng
Ngày 5/9, UBND huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khoanh vùng, dập dịch ngay sau khi địa phương này ghi nhận 18 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 4/9.
Xã Hàm Chính là địa phương ghi nhận số ca mắc COVID- 19 nhiều nhất với 13 ca. Hầu hết số ca mắc đều làm việc tại một vựa thanh long trên địa bàn xã. Liên quan đến ổ dịch này, các xã Hàm Liêm, Hàm Thắng và thị trấn Ma Lâm cũng ghi nhận ca mắc mới.
Để nhanh chóng dập dịch, huyện Hàm Thuận Bắc đã thiết lập vùng phong tỏa cách ly y tế đối với xã Hàm Chính. Cụ thể, từ 0 giờ ngày 5/9, toàn bộ 4.010 hộ dân với hơn 16.000 người trên địa bàn toàn bộ xã Hàm Chính thực hiện cách ly y tế theo nguyên tắc nhà cách ly với nhà; nhà nào ở yên nhà nấy; người trong khu cách ly không ra khỏi nhà; không gặp gỡ người bên ngoài.
Huyện Hàm Thuận Bắc cũng thành lập 4 chốt kiểm soát hoạt động 24/24 giờ. Lực lượng tại các chốt sẽ kiểm tra chặt chẽ, hạn chế tối đa người và phương tiện ra, vào khu vực cách ly; người ra vào vùng cách ly phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền cùng ngành y tế triển tổ chức xét nghiệm toàn bộ người dân trong khu vực để truy vết, tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Hiện chính quyền địa phương đã cho tạm dừng hoạt động chợ truyền thống và các vựa thanh long trên địa bàn xã Hàm Chính. Để đảm bảo lương thực, UBND xã Hàm Chính tổ chức, sắp xếp lại các chợ hoặc tổ chức các điểm bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu người dân. Bên cạnh đó, lực lượng y tế sẽ tập trung lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả người dân xã Hàm Chính để xác định F0.
Từ 0 giờ ngày 5/9, huyện Hàm Thuận Bắc cũng thiết lập vùng phong tỏa cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 trên địa bàn tổ tự quản số 2, thôn Thắng Hiệp, xã Hàm Thắng và Tổ tự quản số 8, thôn Thuận Điền, xã Hàm Liêm.
Tính đến 7 giờ ngày 5/9, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 2.556 ca mắc COVID-19 tại 9/10 huyện, thị xã, thành phố. Riêng trong ngày 4/9, toàn tỉnh 99 ca mắc mới, trong đó 36 ca trong cộng đồng. Đến nay, đã có 1.560 bệnh nhân khỏi bệnh.
Hà Nội liên tiếp xuất hiện ca F0 liên quan đến kho bãi hàng hoá, tập trung đông người
Theo Báo Sức khoẻ & Đời sống, sáng 5/9, ông Trương Thành Tâm, Chủ tịch UBND phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết, trên địa bàn mới phát sinh 1 ca dương tính là nhân viên văn phòng của công ty TNHH vận tải Hà Lâm, đường vành đai 3 (cạnh cây xăng Thuỵ Dương).
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, không để dịch bệnh lây ra cộng đồng, UBND phường Yên Sở yêu cầu người dân đến liên hệ, làm việc tại khu vực kho văn phòng của công ty TNHH vận tải Hà Lâm từ ngày 22/8 đến ngày 4/9 chủ động khai báo cung cấp thông tin với Trạm y tế và tự cách ly để thực hiện công tác truy vết, xét nghiệm, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.
"Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đã truy vết được 13 trường hợp F1, 10 trường hợp F2 và tiếp tục khai thác dịch tễ liên quan đến ca bệnh này", Chủ tịch UBND phường Yên Sở thông tin.
Trước đó, khu vực cạnh cây xăng Thuỵ Dương là một trong những bến bãi hàng hoá luôn tập trung đông người, vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh.
Ngày 1/9, phóng viên cũng đã phản ánh đến lãnh đạo UBND phường Yên Sở và Chỉ huy Công an phường Yên Sở đề nghị phối hợp, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Liên quan đến hoạt động bến bãi, trung chuyển hàng hoá, tụ tập đông người giữa cao điểm phòng chống dịch bệnh, tối 2/9, Tổ công tác Công an xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) đã phát hiện một số phương tiện chở hàng di chuyển trên tuyến đường Đê Đông Dư đến khu vực gầm cầu vượt Thanh Trì có dấu hiệu nghi vấn.
Qua kiểm tra sơ bộ tại khu vực gầm cầu có 9 xe ô tô tải đông lạnh, chở hàng thủy, hải sản, từ nhiều tỉnh thành và khoảng 20 người đang bốc dỡ hàng hóa trái phép tại khu vực trên.
Nhận được báo cáo, Thượng tá Phạm Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Gia Lâm đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo tăng cường lực lượng nghiệp vụ phối hợp kiểm tra và yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Điều đáng nói, các xe tải này đều có "luồng xanh" nhưng địa điểm không đúng như trong đăng ký. Kiểm tra 20 trường hợp người điều khiển xe máy đến chở hàng đều không có giấy đi đường.
Trước đó, cũng tại địa bàn xã Đông Dư, khu vực cây xăng Minh Tuyết (trên đường Giáp Hải), lái xe tải đường dài Bắc - Nam, tranh thủ việc vào đổ xăng đã lợi dụng bãi đất trống gần đó để trung chuyển hàng hóa, hậu quả phát hiện 2 lái xe F0 và 8 trường hợp trên địa bàn xã Đông Dư trở thành F1 do tiếp xúc trực tiếp với các lái xe.
Còn tại phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai), từ 4 ca mắc COVID-19 ban đầu được phát hiện ngày 23/8 là nhân viên công ty TNHH Hiền Phước lái xe từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, lực lượng chức năng đã rà soát, khoanh vùng, xét nghiệm và phát hiện thêm hàng chục trường hợp tiếp xúc có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Cơ quan chức năng xác định, qua kết quả xét nghiệm, đối chiếu lại với lời khai, thông tin cung cấp của các ca mắc COVID-19 ban đầu có sự thiếu trung thực từ phía các lái xe là F0. Việc nhiều tài xế hoạt động tại các điểm trung chuyển hàng hoá tự phát, khai báo gian dối đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hà Nội ghi nhận thêm 6 ca mắc COVID-19 thuộc 3 chùm ca bệnh
Sáng 5/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết trong 12 giờ qua TP ghi nhận 6 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 5 ca đã được cách ly, 1 ca tại cộng đồng.
Trường hợp phát hiện dương tính qua sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng là cụ ông V.V.C, 85 tuổi, ở Trung Tả, phường Thổ Quan, quận Đống Đa.
Bệnh nhân xuất hiện sốt, mệt mỏi từ ngày 31/8. Ngày 4/9, cụ ông đi khám tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương được làm test nhanh dương tính, sau đó, cụ được lấy mẫu xét nghiệm gửi sang Bệnh viện Thanh Nhàn làm xét nghiệm khẳng định, kết quả dương tính.
3 trường hợp dương tính là F1 của các trường hợp ho, sốt gồm:
2 cô gái 22 tuổi cùng một địa chỉ ở F6 Tập thể thuốc lá Thăng Long, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân; họ được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần âm tính trước đó. Ngày 31/8, họ được xác định là F1 của BN Đ.V.T và được chuyển sang cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ngày 4/9, hai cô gái trẻ xuất hiện triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Trường hợp thứ 3 là anh N.T.H, 35 tuổi, ở G2 Vinhomes Greenbay, Mễ Trì, Nam Từ Liêm. Anh là F1 (chồng) của bệnh nhân H.T.H . Ngày 27/8, anh được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung. Ngày 4/9, anh được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
2 ca liên quan TP.HCM là hai cô gái có địa chỉ ở TP HCM. Ngày 28/8, hai người này đi từ TP HCM ra đến Hà Nội bằng ô tô sau đó được chuyển cách ly tập trung tại Đại học Lao động Xã hội cơ sở Sơn Tây ngay sau khi qua chốt kiểm dịch (đã có xét nghiệm lần 1 âm tính). Ngày 4/9, họ đều có triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.480 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.562 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.918 ca.
Có 282.516 bệnh nhân được chữa khỏi, hơn 1.110 ca thở máy và ECMO
Đến nay, Việt Nam có 511.170 ca mắc COVID-19, trong đó 282.516 bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có hơn 1.100 ca thở máy và ECMO.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 511.170 ca mắc COVID-19, đứng thứ 52/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.199 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 506.912 ca, trong đó có 279.742 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
+ Có 06 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (245.188), Bình Dương (128.893), Đồng Nai (27.306), Long An (24.329), Tiền Giang (10.438).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 4/9 là 11.848 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 282.516
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.572 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.204
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.267
- Thở máy không xâm lấn: 173
- Thở máy xâm lấn: 899
- ECMO: 29
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.793 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
- Dịch Covid-19 tại Đông Nam Á diễn biến phức tạp do biến thể Delta
- Dịch Covid-19 tối 4/9: Bình Dương tính phương án cho người tiêm 2 mũi vaccine được ra đường
- Dịch Covid-19 Hà Nội tối 4/9: Thêm 6 ca F0, có 2 ca trong cộng đồng
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 643.793 xét nghiệm cho 1.148.822 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 16.706.988 mẫu cho 38.182.379 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 21.046.279 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.998.754 liều, tiêm mũi 2 là 3.047.525 liều.
PV/TTXVN
Tags