(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Quảng Bình thêm 61 ca mắc COVID-19, phát hiện 2 điểm dịch mới
Ngày 29/8, thông tin từ Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình cho biết, tính từ 18h ngày 28/8 đến 18h ngày 29/8, trên địa bàn ghi nhận thêm 61 ca mắc mới.
Theo đó, các ca mắc mới tập trung chủ yếu ở TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch. Đặc biệt, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch cũng phát hiện 2 điểm dịch mới tại phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) và xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh).
Ngay sau khi phát hiện điểm dịch mới, ngành Y tế Quảng Bình đã phối hợp với các lực lượng liên quan nhanh chóng chuyển các bệnh nhân về Cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 để cách ly điều trị.
Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và các lực lượng khác tiếp tục khẩn trương điều tra, truy vết các trường hợp F1 và lập danh sách F2 của các bệnh nhân này để theo dõi, giám sát kịp thời.
Tính đến 18h cùng ngày trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận tổng cộng 441 ca mắc COVID-19, trong đó có 59 trường hợp đã khỏi bệnh.
Ghi nhận thêm chùm ca bệnh lây nhiễm phức tạp, nhiều địa phương nâng cao cấp độ kiểm soát
Chiều 29/8, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ 16 giờ ngày 28/8 đến 16 giờ ngày 29/8, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận thêm 52 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 toàn tỉnh lên 1.022 ca. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục ghi nhận các chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây trong cộng đồng.
Đặc biệt, trong 52 ca mắc COVID-19 vừa ghi nhận tại Đắk Lắk có các chùm ca bệnh được phát hiện qua sàng lọc trong cộng đồng và chưa rõ nguồn lây tại thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar với 20 trường hợp.
Theo ông Lê Nam Cao, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, chùm ca bệnh vừa ghi nhận tại thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến lây nhiễm phức tạp và nguy hiểm. Khi điều tra dịch tễ cho thấy 20 trường hợp vừa ghi nhận mắc COVID-19 có thể xuất phát từ nhiều nguồn lây khác nhau, nhiều trường hợp trong chùm ca bệnh không có sự liên quan dịch tễ với nhau. Để ngăn chặn dịch lây lan mạnh ra cộng đồng, huyện Cư M’gar đã quyết định phong tỏa toàn bộ thôn Tiến Thịnh với 372 hộ dân, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, huyện phối hợp với các lực lượng khẩn trương truy vết các trường hợp có liên quan đến ổ dịch để khoanh vùng dập dịch, triển khai xét nghiệm trên diện rộng để sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Trước đó, tại nhiều địa phương của tỉnh Đắk Lắk cũng liên tiếp ghi nhận các chùm ca bệnh trong cộng đồng và đều bùng phát thành những ổ dịch COVID-19 lớn như: chùm ca bệnh ở xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ với trên 50 ca mắc; xã Cư Né, huyện Krông Búk trên 100 ca mắc; xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột trên 20 ca mắc…
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước sự tăng nhanh của số lượng ca bệnh và các chùm ca bệnh không rõ nguồn lây nhất là tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, ngành Y tế tỉnh đang tập trung toàn lực vào việc lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở vùng có nguy cơ cao để bóc tách F0 khỏi cộng đồng và bảo vệ "vùng xanh", giảm dần các "vùng đỏ", "vùng cam".
Tính đến chiều 29/8, tỉnh Đắk Lắk đã điều trị khỏi bệnh cho 274 bệnh nhân, có 6 trường hợp tử vong do COVID-19.
*Chiều 29/8, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn hỏa tốc về việc triển khai Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ trướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 kể từ 17 giờ ngày 29/8 để kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh khi thành phố Đông Hà ghi nhận thêm 4 trường hợp mắc mới trong cộng đồng, cùng với hàng trăm F1 và F2.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu cán bộ, nhân dân thành phố Đông Hà hạn chế ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết; hạn chế việc di chuyển của người dân thành phố Đông Hà đến các địa phương khác và ngược lại; hạn chế các cuộc họp chưa cần thiết, tăng cường họp và xử lý công việc theo hình thức trực tuyến, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian chống dịch; tạm dừng một số hoạt động gồm nghi lễ tôn giáo, tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; dừng tất cả các hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo hình thức tại chỗ trên địa bàn, trừ hoạt động kinh doanh thiết yếu như xăng, dầu, ga, điện nước, ngân hàng, lương thực, thực phẩm…; tạm dừng việc tựu trường của học sinh. Ngoài ra, đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ cho phép chở tối đa 50% công suất thiết kế của các phương tiện.
Để kiểm soát tốt dịch COVID-19, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị chủ trì, phối hợp với thành phố Đông Hà chỉ đạo các cơ quan chức năng thần tốc truy vết tất cả F1, F2 của các ca dương tính để cách ly y tế và xét nghiệm RT-PCR trong thời gian nhanh nhất, ưu tiên xét nghiệm các F1 có nguy cơ cao. Sở Y tế cũng tăng cường nhân lực cho thành phố Đông Hà để đảm đương nhiệm vụ của Trung tâm y tế Đông Hà do phải phong tỏa tạm thời để chống dịch, đảm bảo không để công việc ngưng trệ, gián đoạn; thực hiện phương án tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại thành phố Đông Hà theo hướng phân tán về cơ sở, đảm bảo tiến độ, an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống dịch… Các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cũng như nâng cao cấp độ kiểm soát tại các chốt kiểm tra y tế giáp ranh với các tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình, dọc tuyến biển và biên giới đất liền, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ giám sát y tế cộng đồng…
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Quảng Trị, vào 15 giờ ngày 29/8, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 4 trường hợp mới xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2. Cụ thể, có 2 trường hợp liên quan đến bệnh nhân 398979 (nhân viên y tế của Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà được công bố mắc COVID-19 ngày 27/8); 1 trường hợp là nhân viên phục vụ Khu cách ly tập trung tại Sở Giáo dục và Đào tạo cũ ở thành phố Đông Hà; 1 trường hợp lái xe ô tô tải từ Hải Phòng đi vào miền Nam, trong quá trình khai báo y tế tại Quảng Trị thì phát hiện mắc COVID-19. Hiện cả 4 trường hợp này đang được điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt, trường hợp mắc COVID-19 có tên là N.T.K.L (45 tuổi) công tác tại Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà là F1 của bệnh nhân 398979 có lịch trình đi lại nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người tại siêu thị, ngân hàng, phòng khám ở trung tâm y tế. Lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra, truy vết và xác định hơn 300 F1.
Hà Nội ghi nhận 133 ca dương tính trong 24 giờ qua
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 12h đến 18h ngày 29-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 49 trường hợp mắc mới, trong đó có 1 ca tại cộng đồng và 48 ca đã được cách ly.
Các ca mắc mới phân bố tại 9 quận, huyện: Thanh Xuân (39), Đông Anh (1), Đan Phượng (1), Hoàng Mai (1), Mỹ Đức (1), Đống Đa (1), Thường Tín (1), Hà Đông (1), Hoài Đức (1) và phân bố theo chùm ca bệnh: Chùm sàng lọc ho sốt (1), chùm liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh (1), chùm F1 của các trường hợp ho, sốt cộng đồng (47).
Như vậy, tính từ 18h ngày 28-8 đến 18h ngày 29-8, Hà Nội ghi nhận 133 ca, trong đó có 4 ca tại cộng đồng và 129 ca tại khu cách ly. Đây cũng là số ca mắc trong 24 giờ nhiều nhất kể từ trước đến nay được ghi nhận trên địa bàn thành phố.
Thông tin cụ thể 49 ca mắc mới như sau:
1 bệnh nhân (BN) thuộc chùm ho sốt cộng đồng:
BN: M.D.T, nam, sinh năm 1992, ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức. Ngày 27-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc do cùng thôn với ổ dịch xóm Ngò, xã An Hạ, kết quả mẫu gộp dương tính. Đến ngày 28-8, BN được lấy mẫu đơn xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR cho kết quả dương tính.
1 BN thuộc chùm liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh:
BN: L.T.P.T, nữ, sinh năm 2002, ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. BN là F1, đã hoàn thành 1 tháng cách ly tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, BN di chuyển về thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và tiếp tục di chuyển bằng xe ô tô ra đến Hà Nội ngày 26-8. Ngày 28-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR có kết quả dương tính.
47 BN thuộc chùm F1 của các trường hợp ho, sốt cộng đồng:
39 BN ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, đều ở trong khu vực phong tỏa hoặc đã được cách ly tập trung. Như vậy, tính từ ngày 23-8 đến chiều 29-8, phường Thanh Xuân Trung đã ghi nhận 256 ca mắc.
3 BN ở xã Việt Hùng, huyện Đông Anh: V.A.D, nam, sinh năm 1986; L.A.L, nam, sinh năm 1996; G.A.H, nam, sinh năm 1997. 3 BN cùng khu nhà trọ với BN N.T.N. Ngày 28-8, các BN được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR và có kết quả dương tính.
1 BN ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa: Đ.N.T, nam, sinh năm 1985. BN là F1 của BN V.V.D. Từ ngày 19-8, BN chỉ ở tại viện không đi đâu. Ngày 28-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
1 BN ở xã Hà Hồi, huyện Thường Tín: N.T.P.T, nữ, sinh năm 1994. BN là F1 của BN V.V.D. Từ ngày 19-8, BN chỉ ở tại viện không đi đâu. Ngày 28-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
1 BN ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai: N.X.M, nữ, sinh năm 2015. BN là F1 của BN M.T.X, tiếp xúc lần cuối ngày 25-8. Ngày 25-8, BN được xét nghiệm lần 1 có kết quả âm tính. Ngày 28-8, BN bắt đầu sốt và được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính.
1 BN ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng: N.T.T, nữ, sinh năm 1944. BN là F1 của BN N.V.T. Ngày 28-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính
1 BN ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức: K.T.P, nữ, sinh năm 1977. BN là F1 của BN K.A. Ngày 28-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4 đến nay) là 3.091 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.534 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.557 ca.
Thêm 12.663 ca mắc, Bình Dương nhiều nhất với 5.414 ca
Bản tin dịch COVID-19 tối 29/8 của Bộ Y tế cho biết có thêm 12.663 ca mắc COVID-19, trong đó Bình Dương nhiều nhất với 5.414 ca, tiếp đến là TP HCM với 4.957 ca. Trong ngày có 8.813 bệnh nhân khỏi.
Thông tin các ca mắc COVID-19 mới
Tính từ 18h ngày 28/8 đến 18h ngày 29/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.663 ca nhiễm mới, trong đó 44 ca nhập cảnh và 12.619 ca ghi nhận trong nước tại Bình Dương (5.414), TP HCM (4.957), Long An (533), Đồng Nai (377), Tây Ninh (234), Tiền Giang (155), Đà Nẵng (106), An Giang (103), Đồng Tháp (93), Khánh Hòa (92), Bình Thuận (78), Quảng Bình (58), Bà Rịa - Vũng Tàu (55), Đắk Lắk (52), Nghệ An (50), Cần Thơ (37), Kiên Giang (29), Bến Tre (22), Phú Yên (21), Trà Vinh (20), Bình Phước (18), Quảng Ngãi (14), Bình Định (13), Bạc Liêu (12), Sơn La (11), Hậu Giang (11), Thanh Hóa (11), Thừa Thiên Huế (7), Ninh Thuận (6), Lâm Đồng (6), Cà Mau (5), Vĩnh Long (5), Gia Lai (3), Quảng Nam (3), Đắk Nông (2), Hà Tĩnh (2), Ninh Bình (2), Lào Cai (2) trong đó có 5.712 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 522 ca. Tại Bình Dương tăng 1.365 ca, TP. Hồ Chí Minh giảm -524 ca, Long An tăng 82 ca, Đồng Nai giảm -420 ca, Tây Ninh tăng 234 ca.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 435.132 ca nhiễm, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 164/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.426 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 430.939 ca, trong đó có 217.028 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 08/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.
+ Có 04 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (209.921), Bình Dương (104.208), Đồng Nai (22.641), Long An (20.933), Tiền Giang (9.217).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 8.813
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 219.802 ca.
2. Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.309 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.069
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.221
- Thở máy không xâm lấn: 118
- Thở máy xâm lấn: 877
- ECMO: 24
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày 28-29/8, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 344 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (256), Bình Dương (31), Tiền Giang ngày 28-29/8 (18), Long An ngày 28-29/8 (13), Đồng Nai (5), Kiên Giang (4), Vĩnh Long (4), Đà Nẵng (3), Đồng Tháp (3), Tây Ninh ngày 28-29/8 (3), Khánh Hòa (1), Ninh Thuận (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Phúc (1).
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.749 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 568.545 xét nghiệm cho 668.793 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 12.715.682 mẫu cho 32.116.373 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Trong ngày 28/8 có 261.692 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 19.431.093 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.999.888 liều, tiêm mũi 2 là 2.431.205 liều.
Tầm soát diện rộng trên địa bàn, Đồng Nai phát hiện hơn 2.500 mẫu dương tính
Ngày 29/8, Sở Y tế Đồng Nai cho biết, nhằm bóc tách nhanh chóng F0 ra khỏi cộng đồng, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện kế hoạch tầm soát diện rộng trên địa bàn. Sau 2 vòng thực hiện xét nghiệm diện rộng tầm soát COVID-19, tính đến ngày 29/8, toàn tỉnh đã lấy hơn 1,3 triệu mẫu test nhanh, trong đó có 2.537 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã tiến hành lấy hơn 114.200 mẫu xét nghiệm gộp, phát hiện 17 mẫu gộp dương tính với SARS-CoV-2, chiếm tỷ lệ 0,015%.
Hiện tại, 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu triển khai xét nghiệm đợt 3 bằng phương pháp RT-PCR. Đây được xem là đợt lấy mẫu quan trọng trước khi đánh giá và đưa ra phương hướng phòng chống dịch tiếp theo tại Đồng Nai.
Đối với tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, toàn tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất 4 đợt tiêm đầu tiên với hơn 422.000 liều. Địa phương đang tiếp tục triển khai đợt tiêm thứ 5 và 6. Cụ thể, đợt thứ 5 đã tiêm được hơn 141.000 liều (đạt 89,8% kế hoạch) và đợt thứ 6 đã tiêm hơn 205.000 liều (đạt 77,5% kế hoạch).
Như vậy đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã có hơn 714.000 người được tiêm vaccine (chiếm tỉ lệ 31,7% số người trên 18 tuổi). Hơn 55.000 người trong đó đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Cùng ngày, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, ông Nguyễn Hữu Tài cho biết, trong ngày, tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine phòng COVID-19 Sinopharm từ Thành phố Hồ Chí Minh về để thực hiện tiêm cho người dân trong tỉnh. Hiện Sở Y tế đang làm kế hoạch triển khai tiêm vaccine này để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, ngày 29/8, toàn tỉnh ghi nhận thêm 418 trường hợp dương tính với SAR-CoV-2 (giảm 43,4% so với ngày 28/9), nâng tổng số ca mắc mới trong đợt dịch thứ 4 lên gần 22.700 ca mắc. Trong đó có hơn 9.700 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện, 186 trường hợp tử vong.
Tiền Giang tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở 7 đơn vị huyện, thành thị đến hết ngày 15/9
Tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn số 4914/UBND-KGVX về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội từ 00 giờ ngày 31/8 đến hết ngày 15/9 theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với 7 đơn vị huyện, thành thị; đồng thời áp dụng Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với 4 đơn vị huyện còn lại của tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang quyết định từ 00 giờ ngày 31/8 đến hết ngày 15/9 sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố Mỹ Tho và các huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Cái Bè, Gò Công Đông, thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công. Các nội dung giãn cách xã hội thực hiện theo Công văn số 3550/UBND-KGVX ngày 10/7/2021 của UBND tỉnh Tiền Giang.
Đồng thời, áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg trên địa bàn 4 huyện Cai Lậy, Gò Công Tây, Tân Phước và Tân Phú Đông. Chủ tịch UBND các huyện chỉ đạo các nội dung thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg trên địa bàn quản lý.
UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục yêu cầu người dân trên địa bàn tỉnh không ra đường từ 18 giờ 00 đến 05 giờ 00 hàng ngày.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có thể siết chặt và quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn quy định tại Chỉ thị số 16 và Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn quản lý và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.
Đối với thành phố Mỹ Tho, tiếp tục thực hiện phong tỏa các khu vực nguy cơ rất cao theo Kế hoạch tầm soát của UBND thành phố Mỹ Tho để tầm soát diện rộng.
Trong thời gian tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 529-CV/TU ngày 25/8/2021 của Tỉnh ủy Tiền Giang; đảm bảo việc giãn cách xã hội phải “chặt ngoài, chặt trong”.
Ngành Y tế tiếp tục tập trung và huy động mọi nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị y tế…) để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, giảm số bệnh nhân nặng và hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong. Thí điểm việc quản lý và điều trị F0 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tiếp tục thực hiện chiến dịch xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng, đảm bảo đúng yêu cầu, kỹ thuật để đạt được hiệu quả cao nhất; nhanh chóng sàng lọc, phân loại, chuyển F0 đến các bệnh viện dã chiến phù hợp để điều trị và cách ly F1 theo quy định. Thực hiện việc trả kết quả xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ để đảm bảo hiệu quả của công tác xét nghiệm và tầm soát.
Hoạt động của các chốt, trạm, đội tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 (đặc biệt là các chốt vùng biên giáp ranh với các tỉnh, thành phố) được yêu cầu siết chặt; kiểm soát chặt chẽ việc ra đường của người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Đối với người ngoài tỉnh vào địa bàn tỉnh thì tiếp tục thực hiện theo Công văn số 3585/UBND-KGVX ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh Tiền Giang và phải cách ly tập trung 14 ngày.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai Hướng dẫn số 261/HD-UBND ngày 22/8/2021 của UBND tỉnh về việc thiết lập, bảo vệ và mở rộng các “vùng xanh” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo phương châm “xanh đến đâu – giữ đến đó”.
Các địa phương được yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu cho người dân, không để bất cứ hộ dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc; người đứng đầu địa phương nào để xảy ra tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc sẽ chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp và Chủ tịch UBND tỉnh.
Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện việc chi hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.
Thành phố Quy Nhơn khẩn cấp phong tỏa 4 xã phường
Ngày 29/8, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn (Bình Định) Ngô Hoàng Nam đã ký quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tạm thời xã Phước Mỹ và 3 phường: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Hải Cảng để tầm soát toàn dân nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian thực hiện là 48 giờ, kể từ 0 giờ ngày 30/8.
Quyết định này được đưa ra sau khi xuất hiện một số trường hợp dương tính SARS-CoV-2 lây nhiễm trong cộng đồng ở khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân. Các trường hợp này liên quan đến cảng cá Quy Nhơn, thuộc phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn. Do vậy, UBND thành phố Quy Nhơn đã quyết định phong tỏa trong 48 tiếng đối với 4 xã phường trên để ngành y tế thành phố tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho toàn bộ người dân tại các khu vực được xác định có nguy cơ cao về dịch COVID-19 ở 4 phường, xã bị phong tỏa này.
Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn giao Trung tâm y tế thành phố phối hợp với 4 xã, phường nói trên và các đơn vị liên quan thực hiện tầm soát diện rộng, truy vết F0 và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với điều kiện thực tiễn trên địa bàn các xã phường. Đồng thời giao Công an và Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Quy Nhơn phối hợp với UBND 4 xã, phường phong tỏa bố trí lực lượng, phương tiện chốt tại các đầu mối giao thông để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự và thực hiện việc kiểm tra các chốt ra/vào trên địa bàn.
UBND 4 xã, phường nêu trên chủ động bố trí lực lượng với các đơn vị liên quan triển khai phương án phong tỏa tạm thời trên địa bàn, đảm bảo khoanh vùng, khống chế, kiểm soát kịp thời dịch bệnh, hạn chế thấp nhất tình trạng lây lan cộng đồng. Thông báo người dân địa phương biết thời gian phong tỏa để chủ động triển khai việc tổ chức lao động sản xuất và sinh hoạt cho phù hợp trong thời gian thực hiện phong tỏa.
Đến nay, tỉnh Bình Định có 674 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 415 trường hợp đã khỏi bệnh được xuất viện, 6 trường hợp tử vong và 253 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh.
Phú Yên hạn chế tối đa người dân thành phố Tuy Hòa ra đường sau 18 giờ
Diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Phú Yên những ngày qua đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, tại thành phố Tuy Hòa vẫn ghi nhận nhiều trường hợp F0 trong cộng đồng có yếu tố dịch tễ, lịch sử di chuyển phức tạp, dễ lây lan dịch ra cộng đồng. Để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, dứt điểm dập dịch, Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa đã siết chặt, tăng cường thêm các biện pháp trong quản lý dân cư, phòng chống dịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa Cao Đình Huy cho biết, từ ngày 26 đến ngày 28/8 thành phố đã ghi nhận thêm 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, tại phường 4 và phường 9, diễn biến dịch COVID-19 vẫn rất phức tạp. Để ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành công văn số 3346/UBND gửi các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân 16 xã, phường thông báo và yêu cầu người dân người dân sinh sống trên địa bàn toàn thành phố hạn chế tối đa ra đường và không xác nhận vào giấy đi đường cho các trường hợp tham gia giao thông từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.
Trừ các trường hợp, đi cấp cứu, khám chữa bệnh, cứu hỏa, lực lượng làm công tác phòng chống dịch; lực lượng cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, công nhân vệ sinh môi trường đô thị, sửa chữa sự cố điện, nước, hạ tầng; các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, vận chuyển người đi làm nhiệm vụ, phương tiện đưa đón công nhân, phục vụ sản xuất. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chỉ được hoạt động khi đã có phương án phòng chống dịch và đã được chính quyền các cấp phê duyệt. Thời gian thực hiện từ ngày 29/8 cho đến khi hết thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên, từ 8 giờ ngày 28/8 đến 8 giờ ngày 29/8 Phú Yên đã ghi nhận thêm 18 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó 2 trường hợp sàng lọc trong cộng đồng tại thành phố Tuy Hòa, 16 trường hợp là F1, công dân từ thành phố Hồ Chí Minh được đón về Phú Yên.
Lũy kế, Phú Yên đã ghi nhận 2.592 trường hợp dương tính với SARS-Cov-2, có 2.170 người đã được điều trị khỏi COVID-19, 30 trường hợp tử vong. Ba địa phương là thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, huyện Phú Hòa và 4 xã của huyện Tuy An, gồm: An Mỹ, An Chấn, An Hòa Hải, An Hiệp đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 05/9.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Công an tỉnh Phú Yên cũng đã hướng dẫn thực hiện thống nhất sử dụng mẫu Giấy đi đường mới (có mã QR code) áp dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 30/8. Cụ thể, công dân sử dụng điện thoại thông minh truy cập trang web https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc quét mã QR code để khai báo thông tin trước khi tham gia giao thông, chụp màn hình hoặc in ra giấy mã QR code cá nhân; trường hợp không có điện thoại thông minh thì khai báo mẫu thông tin y tế của Bộ Công an trên trang web https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn để phục vụ kiểm tra khi có yêu cầu của lực lượng chức năng.
Các trường hợp được cấp giấy đi đường tại Phú Yên trong thời gian này gồm: cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động đang làm việc tại các nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp. Trường hợp không yêu cầu cấp giấy đi đường gồm người đi cấp cứu, lực lượng vũ trang, người làm việc phòng chống dịch, có giấy báo tiêm vacine, phương tiện vận chuyển luồng xanh đã được cấp thẻ QR.
Tỉnh Phú Yên quy định thẩm quyền cấp giấy đi đường, do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp cho người dân di chuyển trong phạm vi xã/phường/thị trấn; Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp cho người dân di chuyển trong phạm vi huyện/thị xã/thành phố, trường hợp người dân di chuyển sang huyện/thị xã/thành phố khác thì phải được sự thống nhất của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đến hoặc Thủ trưởng cơ quan Sở, ngành quản lý theo ngành dọc.
Kiên Giang xuất hiện ổ dịch tại doanh nghiệp chế biến thủy sản
Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cho biết trên địa bàn vừa xuất hiện ổ dịch COVID-19 tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) Anh Ánh Kim ở ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương.
Cụ thể vào khoảng 13 giờ ngày 28/8, tại công ty này có 3 trường hợp xin nghỉ làm việc để về nhà ở thành phố Hà Tiên. Công ty tiến hành test nhanh những lao động đó để cho về thì phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 và thông báo với chính quyền địa phương. Ngay sau đó, Tổ truy vết huyện Kiên Lương đã tiến hành lấy mẫu test nhanh kháng nguyên phát hiện nhiều trường hợp cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 tại Công ty TNHH MTV Anh Ánh Kim.
Theo Chủ tịch UBND xã Dương Hòa Ong Văn Lình, qua lấy mẫu xét nghiệm nhanh trong số 168 người tại Công ty TNHH MTV Anh Ánh Kim và các hộ gia đình có liên quan những ca F0 đã phát hiện 65 trường hợp F0, 87 trường hợp F1, 12 trường hợp F2; trong cộng đồng phát hiện 4 trường hợp F0, 20 trường hợp F1, 76 trường hợp F2 có liên quan đến công ty này.
Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 xã Dương Hòa cùng với các lực lượng chức năng đã phong tỏa, khử khuẩn khu vực ra vào công ty và các khu vực có liên quan đến F0. Trung tâm đã đưa 10 trường hợp F0 vào cơ sở cách ly điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Kiên Lương, còn lại 59 trường hợp F0 và tất cả F1 thực hiện cách ly tại Công ty TNHH MTV Anh Ánh Kim đến khi có kết quả xét nghiệm PCR đưa đi điều trị. Các trường hợp F2, F3 cách ly y tế tại nhà theo dõi sức khỏe theo quy định, đồng thời tiếp tục truy vết các trường hợp F1, F2, F3.
Công ty TNHH MTV Anh Ánh Kim hoạt động lĩnh vực bán buôn thực phẩm; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Các trường hợp F0 tại công ty hầu hết là người lao động tại xã Dương Hòa, số ít lao động ở một số phường của thành phố Hà Tiên đều làm nghề lột vỏ con ghẹ lấy thịt.
Điểm dịch mới nhất Hà Nội thêm 5 ca, Thủ đô phát hiện 51 ca COVID-19 trong 6 giờ
Sở Y tế Hà Nội trưa 29/8 cho biết, trong sáng nay TP ghi nhận 51 ca mắc mới trong đó 1 ca tại cộng đồng, 50 ca đã được cách ly. Như vậy tính từ 18h ngày 28/8 đến 12h ngày 29/8, Hà Nội ghi nhận 84 ca trong đó có 3 ca tại cộng đồng.
Riêng tại quận Thanh Xuân, trong sáng nay ghi nhận 29 ca mới, Đống Đa (7), Ba Đình (5), Hà Đông (3), Đông Anh (2), Hoàn Kiếm (2), Thanh Trì (1), Hoàng Mai (1), Hai Bà Trưng (1).
Trường hợp phát hiện dương tính qua sàng lọc ho, sốt là anh H.K.N.M, 28 tuổi, ở ngõ 40 Võ Thị Sáu, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng.
Anh M tham gia trực chốt tại khu vực Trung Tả, Đống Đa. Ngày 21/8, anh được lấy mẫu xét nghiệm PCR âm tính. Ngày 26/8, anh xuất hiện sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi. Ngày 27/8, anh ở nhà. Ngày 28/8, anh được làm test nhanh dương tính, lấy mẫu xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV-2.
Trong 50 ca còn lại được phát hiện sáng nay đều thuộc khu vực phong toả hoặc đã được cách ly.
Tại phường Kim Mã, quận Ba Đình có thêm 4 ca ở ngõ 76 Sơn Tây, liên quan chợ Ngọc Hà. Trường hợp còn lại của quận Ba Đình có địa chỉ ở 72 Sơn Tây.
29 ca ở quận Thanh Xuân đều thuộc phường Thanh Xuân Trung, nâng tổng số ca bệnh ghi nhận ở phường này lên 217. Có 25/29 ca mới ở ngõ 328 Nguyễn Trãi, số còn lại ở ngõ 330 Nguyễn Trãi và tập thể thuốc lá Thăng Long.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.042 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.533 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly: 1.509 ca.
Hà Nội tìm người đến khám, lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp
Sáng 29/8, cơ quan chức năng huyện Thanh Trì (Hà Nội) thông báo tìm người có liên quan đến Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, cơ sở Ngọc Hồi, Thanh Trì.
Theo đó, tất cả người dân có đi, đến, khám và lấy mẫu test nhanh COVID-19 tại khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện từ ngày 14 - 28/8, cần tự cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất, hoặc liên hệ với với Trung tâm y tế huyện Thanh Trì (SĐT 0242.263.1408) hoặc CDC Hà Nội (0969.082.115/ 0949.396.115) để được tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.
Trước đó, tối 28/8, Sở Y tế Hà Nội công bố thông tin 3 nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp nhiễm SARS-CoV-2. Họ là những người thường xuyên lấy mẫu, vận chuyển bệnh nhân COVID-19 hoặc làm bộ phận sàng lọc ca nghi nhiễm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tiếp tục đề nghị tất cả người dân trên địa bàn Thủ đô, khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh COVID-19.
Trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội có tổng cộng 2.991 ca COVID-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.532 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.459 ca.
Đồng Nai thêm 418 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh lên 22.727 ca
Sáng 29/8, TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, Phó chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh vừa ghi nhận thêm 418 ca mắc mới Covid-19 (gồm 2 ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, 302 ca trong khu cách ly và 114 ca trong khu vực phong tỏa), giảm 43,4% so với ngày hôm qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 toàn tỉnh lên 22.727 ca. Tổng số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 9.775 người. Tổng số ca tử vong là 186, còn 12.766 bệnh nhân đang được cách ly, theo dõi, điều trị.
Bên cạnh các ca bệnh đã được xác định, toàn tỉnh còn 2.339 trường hợp đã có kết quả test nhanh dương tính với Covid-19 đang chờ kết quả khẳng định bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR, bao gồm: H.Vĩnh Cửu 808 ca, TP.Biên Hòa 752 ca, Nhơn Trạch 708 ca, Trảng Bom 66 ca, Định Quán 5 ca.
Tiếp tục ghi nhận 2 ca F0 trong 2 doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ ở KCN Nhơn Trạch 3, H.Nhơn Trạch là Công ty TNHH Ishika Wakasei Việt Nam và Công ty Daiwa Light Alloy Industry VN, mỗi công ty ghi nhận 1 ca. Cả 2 công ty này đang thuê nhà xưởng của JSC, thực hiện test nhanh cho công nhân lao động trước khi sản xuất 3 tại chỗ và test định kỳ đúng quy định. Ngày 24-8, cả 2 Công ty test nhanh định kỳ cho người lao động thì ghi nhận ca dương tính, kết quả xét nghiệm PCR sau đó đã khẳng định ca bệnh. Các công ty nghi ngờ nguồn lây nhiễm từ hàng hóa và dịch vụ ra vào công ty hoặc lây từ công ty khác.
Liên quan đến công tác điều trị, đến nay toàn tỉnh có 11 bệnh viện dã chiến với tổng số 6.206 giường bệnh (hiện còn trống hơn 2,3 ngàn giường); số giường hồi sức tích cực là 150 giường (còn trống 20 giường). Các địa phương trong tỉnh (trừ Thống Nhất và Xuân Lộc chưa triển khai) đã triển khai, quản lý hơn 13,6 ngàn giường cách ly, theo dõi F0 không có triệu chứng. Trong đó, H.Vĩnh Cửu đang quản lý, theo dõi số lượng F0 không triệu chứng lớn nhất với hơn 2 ngàn ca, tiếp đó là H.Nhơn Trạch với hơn 1,8 ngàn ca, TP.Biên Hòa hơn 1,6 ngàn ca.
Đến ngày 29-8, các địa phương đang bắt đầu triển khai vòng 3 kế hoạch xét nghiệm Covid-19 diện rộng trong toàn tỉnh. Trước đó, sau 2 vòng xét nghiệm, có tổng số hơn 1,3 triệu người dân trong tỉnh đã được lấy mẫu xét nghiệm test nhanh. Kết quả, phát hiện hơn 2,5 ngàn trường hợp dương tính với Covid-19. Để kết quả xét nghiệm vòng 3 bằng phương pháp Realtime RT-PCR đạt hiệu quả, Sở Y tế đề nghị các địa phương lưu ý, rút kinh nghiệm khâu lập danh sách và nhập liệu trong quá trình thực hiện xét nghiệm. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội; thực hiện nghiêm 5K, tiêm vaccine phòng Covid-19 khi đến lượt…
Hà Nội thêm 33 ca, trong đó có một nữ nhân viên y tế
Sở Y tế Hà Nội sáng 29/8 cho biết 12 giờ qua thành phố ghi nhận 33 ca mắc mới trong đó 2 ca tại cộng đồng, 31 ca được cách ly và trong khu vực phong tỏa.
Trong 33 ca mới, quận Thanh Xuân có 25 ca, Ba Đình (4), Thanh Trì (2), Hoàng Mai (1), Đông Anh (1).
Ca phát hiện dương tính qua sàng lọc người ho, sốt là chị L.T.H, 32 tuổi, ở Nguyên Khê, Đông Anh.
Chị là nhân viên y tế trong 2 tuần nay không đi đâu xa ra khỏi địa phương. Ngày 28/8, chị làm xét nghiệm để quay trở lại nơi công tác, kết quả xét nghiệm PCR dương tính. Bệnh nhân này không có triệu chứng.
Trong 32 ca bệnh là F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng, đáng chú ý có anh T.Q.M, 19 tuổi ở ngõ 254 Mai Động, Hoàng Mai. Anh làm việc bán thời gian tại kho giao hàng nhanh KCN Đài Tư- Long Biên từ cuối tháng 7 đến ngày 23/8. Ngày 27/8 được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.
Ngõ 328 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân - nơi đã tiến hành phong toả từ hôm 23/8 - đêm qua phát hiện thêm 23 ca mắc mới. Nhiều người trong số này có biểu hiện triệu chứng bệnh như sốt, đau họng, ho, mệt mỏi, đau người... Ngõ 330 Nguyễn Trãi có thêm 2 ca bệnh.
Tại quận Ba Đình, có thêm 4 trường hợp là chồng, con, cháu của bệnh nhân Đ.T.T.H (ở 2/3 Sơn Tây, phường Kim Mã) phát hiện dương tính. Khu vực này hiện đã được phong tỏa. Ngày 27/8, nhóm bệnh nhân trên đây được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.
Như vậy, gia đình bà T.H (58 tuổi - người thường xuyên đi chợ Ngọc Hà, công bố dương tính trưa 28/8), đã có 6 người mắc COVID-19.
Sau khi phát hiện 1 tiểu thương tại chợ Ngọc Hà mắc COVID-19, chính quyền địa phương đã tạm đóng cửa chợ để khử khuẩn, lấy 4.000 mẫu xét nghiệm cho người từng đến chợ mua bán.
Lực lượng chức năng ngoài lập hàng rào cứng tại 2 đầu chợ Ngọc Hà, đảm bảo công tác phòng- chống dịch, còn đề nghị tất cả những người đã đến chợ này từ 3 giờ sáng 21/8 đến 17 giờ 27/8 cần liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 2.991 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.532 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.459 ca.
Việt Nam ghi nhận 422.469 ca mắc, 210.989 bệnh nhân đã được chữa khỏi
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 422.469 ca mắc COVID-19, trong đó 210.989 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Các Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) COVID-19 của Bộ Y tế thiết lập đã cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 422.469 ca mắc COVID-19, đứng thứ 60/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 166/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.297 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 418.320 ca, trong đó có 208.215 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 08/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.
+ Có 04 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (204.964), Bình Dương (98.794), Đồng Nai (22.264), Long An (20.400), Tiền Giang (9.062).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 12.375, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 210.989 ca.
2. Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.408 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.065
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.310
- Thở máy không xâm lấn: 88
- Thở máy xâm lấn: 921
- ECMO: 24
- Chính phủ thống nhất giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 5 do dịch Covid-19
- Hỗ trợ 1.000 xe máy cho chiến sĩ tuyến đầu cho cuộc chiến chống dịch
- Hà Nội: Để không xảy ra ổ dịch lớn như ở Thanh Xuân Trung
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 352 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (271), Bình Dương (38), Đồng Nai (16), Tiền Giang (15), Long An (4), Đồng Tháp (2), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (1), Bến Tre (1), Nghệ An (1), Thừa Thiên Huế (1).
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.405 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 624.775 xét nghiệm cho 706.629 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 12.147.137 mẫu cho 31.447.580 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Trong ngày 27/8 có 304.176 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 19.151.122 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.822.691 liều, tiêm mũi 2 là 2.328.431 liều.
PV/TTXVN
Tags