(Thethaovanhoa.vn) - Hòa vào không khí đón tết chung của đất nước, mỗi cơ quan tổ chức lại có một hoạt động riêng đầy ý nghĩa để tiễn năm cũ đi, nghênh năm mới đến. Cách đây 2 thế kỉ, triều Nguyễn - vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam - cũng có những hoạt động đón tết vừa tương đồng, lại vừa khác biệt so với chúng ta ngày nay.
- Chiêm ngưỡng sách vàng, ấn vàng triều Nguyễn
- Châu bản triều Nguyễn nhận bằng Di sản Tư liệu Thế giới
- Hình ảnh lễ phục triều Nguyễn trưng bày tại Huế
1. Lễ phất thức
Mỗi năm cứ vào hạ tuần tháng chạp âm lịch tại Hoàng cung, nhà Nguyễn cử hành lễ "phất thức" hay còn gọi là lễ phong ấn. Trước nhật kỳ, Nội các đem bản danh sách các Hoàng tử và văn võ đại thần trật nhất phẩm, các trưởng quan ở Nội các và viện Cơ mật trình Hoàng đế chọn người dự lễ.
Đến ngày hành lễ, thiết án giữa điện Cần Chánh, Nội thần thỉnh các Bửu tỷ rồi đưa lên án, các hoàng tử và quan lại mặc lễ phục kính cẩn bước vào kiểm thị, sau đó đưa hòm ấn cất lại chỗ củ trước khi niêm phong cẩn thận. Từ ngày này trở về sau không được dùng những ấn này để đóng dấu mà phải đợi đến năm sau làm lễ khai ấn mới dùng lại.
Hình ảnh lễ Phất Thức triều Nguyễn. Nguồn intetnet
Cùng lễ phong ấn, công tác trực ban trong những ngày này cũng được giảm bớt.
Theo tấu đã được nghị định chuẩn năm Minh Mạng thuộc châu bản Minh Mạng tập 6, tờ 7: “vâng truyền năm mới từ ngày phong ấn đến ngày khai ấn, quan đại thần được miễn trực đêm, và theo lệ các ngày 30 tháng 12 của năm trước và các ngày mùng 1, 2, 3 của năm mới tổng cộng 4 ngày quan đại thần được miễn vào trực, các nha sở cũng không phải tiến bài. Ngoài các việc thực sự khẩn yếu phải tiến tấu, các việc nhỏ đều bãi miễn.”
2. Lễ khánh hạ
Khởi đầu của lễ mừng tết nguyên đán là lễ khánh hạ và mừng thọ tại các cung. Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 69, mục Tết Nguyên Đán, có ghi lại thể lệ các thời như sau:
“Trong thời Gia Long, phàm gặp tiết chánh đán, Thế tổ Cao hoàng đế thân đem hoàng thân, bách quan đến cung Trường thọ làm lễ Khánh hạ”.
Trước đó một ngày, quan bộ Lễ mặc phẩm phục dâng tờ tiên biểu khánh hạ chờ vua ngự phê rồi đặt lên án ở điện Cần Chánh. Tới ngày lễ, quan coi việc tới sắp bày nghi trượng nhã nhạc rồi hoàng thân dẫn tùy tòng tới cung.
“Từ năm Gia Long thứ 17, khi làm lễ khánh hạ, vua tới ngự ở điện Thái Hòa, khi lên điện thăng tọa thì phát 9 tiếng ống lệnh…”.
Tại Từ Cung “khi làm lễ khánh hạ, quan coi việc tán xướng theo nghi lệ. Bách quan văn võ do 1 viên đứng đầu ban suất lãnh vào sân hành lễ 5 lạy quỳ dâng biểu mừng và tâu việc, viên Thái giám tiếp nhận dâng lên, viên này được miễn lạy mừng. (…) Từ năm (Minh Mạng) thứ 13 (…) tờ mừng dâng lên miễn phải tuyên đọc. (…) Thiệu Trị năm thứ 1 theo lời bàn (…) các nghi trượng nhã nhạc có bày ra nhưng không tấu.
Các năm trùng với tiết mừng vương hậu thì “bách quan văn vũ trong kinh ngoài tỉnh và các trang ở huyện Tống Sơn, họ Lê, họ Trịnh đều dâng lễ trầu cau, đến ngày tết dâng đủ bản kê đồ lễ…” (Khâm Định Đại Nam Hội Điển sự lệ, quyển 70, Tết Nguyên đán ở Từ Cung).
Các năm trùng với lễ ngũ tuần đại khánh tiết tổ chức thêm tiết mục tung hô: “năm (Minh Mạng) thứ 20, (…) lễ khánh hạ ngày Nguyên đán thêm một tiết mục tung hô (…), cử hành sau khi phân ban” (Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 69, mục Tết Nguyên Đán).
Các năm thiên tai, mất mùa hoặc trùng lễ đăng quang tức vị, lễ đại tang thì miễn lễ triều phục, các quan chỉ cần đến điện Cần Chánh chiêm bái. Quan địa phương xa cũng không phải dâng tiên biểu. Như năm Tự Đức thứ 2 gặp thiên tai, ngày 25 tháng 2 hoàng đế ra dụ “kỳ giao tiết thu đông năm nay các địa phương bị chướng khí hoành hành gây bệnh, trẫm tâm niệm thương dân bị tai ương ngày đêm thao thức, đã xuống dụ cấp thuốc điều trị, thiết đàn cầu đảo, trước mắt đã đã tạm yên, mà trẫm vẫn đương không quên tỉnh sát răn mình.
Nay tết Nguyên đán lại gặp trùng tượng này, việc cảnh thận là nghĩa đương nhiên, sao dám coi thường mà bỏ tu tỉnh. Ngày mùng 1 Tết tháng Giêng năm nay các khoản triều hạ yến thải đều tạm dừng để tỏ lòng với trời…, ngày mùng 2 trẫm thân suất thần liêu tới cung Gia Thọ bái mừng. Hoàng thân và bách quan vẫn chuẩn vào ngày này đến điện Cần Chính chầu hầu tham bái để cùng lo hoạn nạn. Các địa phương ngoài kinh chuẩn vào ngày này tại Vọng Cung hành lễ vọng bái…” (Châu bản Tự Đức tập 11, tờ 385 - 386).
(Hình ảnh lễ Khánh Hạ triều Nguyễn. Nguồn: Intenet)
“Thiệu Trị năm thứ 1 theo lời nghị chuẩn: Trong 3 năm quốc tang, lễ khánh hạ về tết Nguyên đán ngự tiền và các quan địa phương dâng biểu chúc mừng đều cho miễn” (Khâm Định Đại Nam Hội Điển sự lệ, quyển 70, Tết Nguyên đán ở Từ Cung).
3. Tế miếu
Vào mùng 1 tết, hoàng đế và hoàng thân làm lễ tế tại các điện Minh Thành, Sùng Ân, Gia Thành. Kể từ năm 1820 (Minh Mạng năm đầu), vụ ra dụ trong 3 ngày tết Nguyên đán, mỗi ngày dâng một mâm cỗ nấu, vàng bạc, hương nến, trầu rượu đầy đủ ở điện Minh Thành. Từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822) bắt đầu dâng cỗ thờ ở điện Sùng Ân. Năm Tự Đức thứ nhất (1848) tiến cỗ lên điện Gia Thành.
Ngoài tế thế miếu tổ tông và các lăng điện tại kinh, dụ ban ngày 10 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) cũng phê chuẩn “những thành trấn khác có đền miếu thờ tự đế vương, văn thánh các đời mỗi nơi lập một đàn tế tự và phối tế với các miếu thờ thần trong điển tại trị sở.” (Châu bản Minh Mạng tập 12 tờ 246).
Hình ảnh lễ Tế Miếu triều Nguyễn. Nguồn: Intenet
4. Yến hưởng, ban thưởng
Sau lễ khánh hạ là lễ ban yến hưởng và ban thưởng theo cấp bậc phẩm hàm. Trước đó, phủ Tôn Nhân, bộ Lại, bộ Lễ và bộ Binh chịu trách kê soạn danh sách yến hưởng ban thưởng, bộ Lễ vẽ thành sơ đồ rồi chuyển giao cho bộ Hộ chiếu lệ phân thưởng.
Dụ ra ngày 22 tháng 12 năm Tự Đức 10 (Châu bản Tự Đức tập 366, tờ 218 – 222) cho bộ Hộ thi hành định rõ: “… phủ Tôn Nhân, và ba bộ Lại, Lễ, Binh chiếu xét từ thân phiên hoàng thân công, hoàng thân cho đến các quan văn võ và ủy viên địa phương ai trong lệ được dự thì kê làm thành danh sách tiến trình chờ chỉ thưởng ban (…), giao cho quan Nội Các dự làm phiếu dụ ngữ để đến ngày mùng 1 tháng Giêng năm mới thi hành”. Nếu có việc phát sinh thì bộ Hộ hội đồng cùng Phủ Nội vụ trù tính rồi tấu trình chờ chỉ thi hành.
Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, việc làm cỗ phục vụ yến tiệc do quan tại Quang Lộc tự giao cho bộ Binh lựa chọn sai phái binh lính đến sở thực hiện, xong việc lại về ngũ.
Yến hưởng
Tiệc yến đãi được tổ chức trong 2 ngày mùng 1 và mùng 2. Thân phiên, hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên và các chức tước trong họ phân chia ngồi theo thứ bậc ăn yến vào ngày mùng 1 tại điện Cần Chánh và nhà giải vũ hai bên điện. Quan văn lục phẩm, võ ngũ phẩm và ủy viên các tỉnh tới kinh ăn yến vào mùng 2 tại viện Đãi Lậu (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 97, Tiệc yến tết Nguyên đán).
Ban thưởng
Các quan tới dự yến đều được ban thưởng tiền vàng theo thứ bậc phẩm cấp. Các quan chưa mãn tang không được dự yến nhưng vẫn được ban thưởng và quy yến ra giá tiền để cấp thêm.
Dụ chuẩn ban ngày 10 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 7 (châu bản Minh Mạng tập 12 tờ 246) quy định hoàng tử và công tôn mỗi người được thưởng 20 lượng; quan viên văn võ: chính nhất phẩm mỗi người thưởng cấp 12 lượng, tòng nhất phẩm thưởng cấp 10 lượng, chính nhị phẩm thưởng 8 lượng, tòng nhị phẩm thưởng 6 lượng, chính tam phẩm thưởng 5 lượng, tòng tam phẩm thưởng 4 lượng, chính tứ phẩm thưởng 3 lượng, tòng tứ phẩm thưởng 2 lượng 5 tiền, chính ngũ phẩm thưởng 2 lượng.
Các quan tại kinh nhưng không trong ban lệ theo châu khuyên và châu điểm đã phê duyệt căn cứ phẩm hàm mỗi người giảm bớt một lượng. Các quan ngoài kinh tới chầu từ chính ngũ phẩm trở lên chuẩn cấp thưởng đúng theo phẩm hàm đã định, quan từ tòng ngũ phẩm trở xuống thưởng 1 lạng. Quan hành tẩu phòng Văn thư và Chính đội trưởng, đội trưởng, suất đội trong Thị Nội, cai đội, suất đội các quân thưởng 1 lượng.
Hình ảnh lễ Ban Thưởng triều Nguyễn. Nguồn: Intenet
Các năm trùng gặp lễ đại khánh tiết hoàng đế yến hưởng và tiền thưởng đều tăng thêm. Ân chiếu ban năm Minh Mạng thứ 11 (Minh Mạng tập 39, tờ 6) quy định các kỳ lão trên 100 tuổi ban thưởng 3 lạng bạc, trên 90 tuổi thưởng 2 lạng bạc, trên 80 tuổi thưởng 1 lạng bạc. Từ kinh sư trở vào Nam đến trạm Vĩnh Giai, Bắc đến trạm Sơn Mai tổng cộng 99 trạm thưởng cấp mỗi trạm từ tháng giêng đến tháng 6 mỗi tháng 30 quan tiền, 20 phương gạo.
Các địa phương có con hiếu, cháu thuận, chồng nghĩa, vợ tiết thì quan quản lý nơi ấy xác thực cho rõ rồi tấu lên cho bộ Lễ làm biểu dâng. Các châu phủ huyện xem xét những ai siêng năng chăm chỉ việc nông vụ thì lập tức ban thưởng để khích lệ cho đúng với lời dạy: gốc của thiên hạ lấy nông làm trọng.
Theo dụ ngày 27 tháng 12 năm Minh Mạng 18 (châu bản Minh Mạng tập 59, tờ 238), từ năm Minh Mạng thứ 19, các quan bị giáng chức lưu nhậm tại trị sở cũng được ban thưởng và dự yến chiếu theo nguyên phẩm chức bị giáng hiện tại cùng các quan khác.
Năm Thiệu Trị 7 theo nghị xin của bộ Lễ do Nội Các tấu ngày 23 tháng 12 (Thiệu Trị tập 33 tờ 410) dừng lễ yến hưởng ở đại đình; theo tấu đã được nghị chuẩn của Nội Các ngày 29 tháng 12 năm Thiệu Trị 6 (Thiệu Trị tập 39, tờ 427) dừng lệ cấp phát thưởng cho các quan bị giáng chức.
5. Xá tội, khuyến vật, cầu hiền
Hình ảnh lễ Ân xá triều Nguyễn. Nguồn: Intenet
Theo ân chiếu ban năm Minh Mạng thứ 11 (châu bản Minh Mạng tập 39, tờ 6), các quan viên trong ngoài kinh từ năm Minh Mạng 10 trở về trước mắc tội bị giáng hoặc cách chức cho lưu tại trị sở làm việc thì nha môn tại nơi quan viên này làm việc làm tập tấu chờ chỉ xem xét khai ân khoan thứ, các quan viên lớn nhỏ mắc lỗi bị xử phạt bổng lộc cũng được dự khai, các tội phạm đã kết án tử nếu xét có thể khoan giảm thì bộ Hình làm sách khai rõ tội danh chờ chỉ xem xét giảm tội
Các tỉnh trấn có người nghèo khổ túng quẫn, người cô quả và tàn tật thì hữu ti lưu tâm cấp dưỡng theo thời, phạm nhân bị tội quân lưu tại các thành trấn nếu xét rõ quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh đến chịu hình và tuổi đã quá 70 thì chuẩn phóng thích về quê, phạm nhân bị tội quân lưu nếu đã mất vợ con chuẩn lập tức phóng thích về nguyên quán. Các thành trấn có thổ sản tài vật và kẻ sỹ ẩn dật thì quan địa phương theo thực tấu trình để xem xét sử dụng.
Theo chuẩn tấu năm Tự Đức thứ 24, các quan viên văn võ trong ngoài kinh từ ngày 29 tháng 12 năm Tự Đức 23 trở về trước nếu ai vì mắc tội công bị cách chức lưu nhậm nhờ được giảm thành giáng 4 cấp lưu, mắc tội tư đổi làm giáng 5 cấp; các quan bị phạt giáng cấp được khai ân; quan mắc tội chịu phạt bổng cũng được lượng giảm. Phụ trách kê cứu theo lệ do ba bộ: Binh, Hình, Lễ phụ trách và làm sách tấu dâng chờ dự ân chuẩn.
Theo tấu chuẩn ngày 25 tháng 12 năm Tự Đức 32 (châu bản Tự Đức tập 329 tờ 280) Nội Các có trách nhiệm tiếp nhận dâng tấu và thi hành dụ phê của hoàng đế.
Đón tết âm lịch với người Đông Á nói chung và người Việt nói riêng mang ý nghĩa quan trọng về mặt tâm linh, thể hiện truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, thờ kính tổ tiên, kính lão ái nhi trong truyền thống dân tộc. Trong một thế kỷ rưỡi tồn tại, triều Nguyễn đã có những đóng góp to lớn vào việc giữ gìn và phát huy truyền thống này, qua đó trở thành mắt xích quan trọng tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại.
Hoàng Nguyệt
Phụ lục tham khảo:
1. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Quyển 97.
2. Châu bản Tự Đức tập 366, tờ 218 – 222. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
3. Châu bản Minh Mạng tập 12 tờ 246. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
4. Châu bản Minh Mạng tập 39, tờ 6. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
5. Châu bản Minh Mạng tập 59, tờ 238. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
Tags